'Mãng xà' trên không của Mỹ: Uy lực đến mức khiến mật vụ KGB làm điều vô cùng khó tin

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Năm 1945, một nhóm kỹ sư tại Trạm thử nghiệm Vũ khí Hải quân* có trụ sở tại Inyokern, California, Mỹ đang tiến hành nghiên cứu về một công nghệ mới ít người biết đến thời bấy giờ: Cầu chì tiệm cận chì-sulfua.
Vì cầu chì nhạy cảm với nhiệt nên Nhà vật lý trưởng thuộc Hải quân Mỹ William B. McLean đã nhìn thấy tiềm năng của một loại hệ thống tên lửa dẫn đường mới.
Vào năm 1950, Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hải quân Mỹ đã thực hiện một số phi vụ không quân đầu tiên và nhanh chóng phát hiện ra rằng các máy bay chiến đấu MiG-15 do Liên Xô sản xuất vượt trội hơn các máy bay chiến đấu phản lực Grumman F9F Panther của họ ở hầu hết mọi chỉ số hiệu suất, bao gồm tốc độ và khả năng cơ động. Và chỉ có kinh nghiệm dày dặn của các phi công Hải quân 'lão làng' mới ngăn chặn được những tổn thất nghiêm trọng.
Bị ám ảnh bởi thành tích mờ nhạt trên không, Hải quân Mỹ sốt sắng tìm kiếm thứ gì đó có thể mang lại lợi thế cho mình nếu Chiến tranh Lạnh với Liên Xô ngày một leo thang. Một giải pháp rõ ràng là thứ mà người Đức đã phát minh ra trong Thế chiến thứ hai (1939-1945): Tên lửa không đối không - một loại vũ khí mà máy bay chiến đấu có thể bắn vào các máy bay khác.
Mỹ đã có tên lửa nhưng không có hệ thống nào có thể dẫn đường cho tên lửa và đầu đạn của chúng hướng tới mục tiêu.
Nhóm của Tiến sĩ William B. McLean đã phát minh ra một giải pháp.

Tên lửa Sidewinder: 'Mãng xà' trên không của Mỹ​

Vào giữa những năm 1950, nhóm nghiên cứu đã đặt một gương parabol quay, được gọi là gương phản xạ Cassegrain, phía sau một mái vòm bằng kính trong suốt ở mũi tên lửa trên không kích thước 13 cm.
Di chuyển với tốc độ 4.200 vòng mỗi phút, gương quay phản chiếu lên gương thứ hai, liên tục chiếu góc nhìn 25 độ của khu vực phía trước máy dò chì-sulfua. Khoảng cách của một vật thể nóng đến trục quay đã dẫn tên lửa đi theo góc chính xác và những hiệu chỉnh đủ sẽ khiến tên lửa ở góc 0 độ so với trục quay — nhắm thẳng vào nguồn hồng ngoại.
Tiến sĩ McLean đặt tên cho loại tên lửa đột phá này là “Sidewinder” theo tên một loài rắn đuôi chuông cực độc được tìm thấy ở hoang mạc Mojave, cạnh trụ sở của Trạm thử nghiệm Vũ khí Hải quân.
Và cái tên này khá phù hợp: Giống như tên lửa, rắn Sidewinder phát hiện mục tiêu bằng bức xạ nhiệt hồng ngoại.
'Mãng xà' trên không của Mỹ: Uy lực đến mức khiến mật vụ KGB làm điều vô cùng khó tin- Ảnh 1.

Rắn đuôi chuông Sidewinder - sinh vật có nọc độc kinh hoàng ở hoang mạc Mojave, Mỹ.
Thành công của Sidewinder đã đưa Mỹ trở thành quốc gia sở hữu một trong những tên lửa nguy hiểm nhất mọi thời đại, với khả năng dẫn đường bằng tia hồng ngoại đầu tiên trên thế giới. Sidewinder đã hoàn toàn cách mạng hóa chiến tranh trên không.
Về sau Hải quân Mỹ đặt lại tên cho đầy đủ là AIM-9 Sidewinder, trong đó AIM là từ viết tắt của Tên lửa đánh chặn trên không. AIM-9 Sidewinder có tầm bắn 4.800 mét, vượt xa các loại súng hiện có và đầu đạn phân mảnh nặng 4,5 kg với bán kính nổ hiệu quả là 9 mét.
'Mãng xà' trên không của Mỹ: Uy lực đến mức khiến mật vụ KGB làm điều vô cùng khó tin- Ảnh 2.

Hình ảnh tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder của Mỹ. Ảnh: Airforce Technology
Năm 1956, Sidewinder được bí mật triển khai lần đầu tiên trên các máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ công khai sự tồn tại của tên lửa một năm sau đó.
Sự xuất hiện và khả năng hạ mục tiêu vượt trội của 'mãng xà' AIM-9 Sidewinder đã khiến Trung Quốc kinh ngạc. Các kỹ sư Trung Quốc đã cố gắng thiết kế một loại tên lửa tương tự Sidewinder của Mỹ nhưng công nghệ tụt hậu hàng chục năm so với Mỹ đã cản trở nỗ lực này.
Họ đành chuyển tên lửa (từng cắm vào máy bay phản lực còn 'sống' của họ) cho Liên Xô với hy vọng Moscow sẽ chia sẻ mọi bí mật cho đồng minh.
Liên Xô đã gửi Sidewinder đến phòng thiết kế tên lửa Toporov OKB, hướng dẫn các kỹ sư tạo một bản sao chính xác.

Sidewinder khiến Liên Xô nổi lòng tham​

Chương trình tên lửa không đối không của Liên Xô khi đó chỉ sản xuất Vympel K-5 - một tên lửa chùm tia tầm ngắn "yêu cầu máy bay phóng phải duy trì hướng tương đối về phía mục tiêu trong toàn bộ thời gian bay của tên lửa".
Hành vi đánh cắp bí mật quân sự khá phổ biến vào thời điểm đó, đặc biệt trước nguy cơ Chiến tranh Lạnh có khả năng trở thành cuộc 'chiến tranh nóng' bất cứ lúc nào.
Cả hai bên đều tìm nhiều cách gian lận và đánh cắp công nghệ để đạt được bất kỳ lợi thế quân sự nào có thể có. Đơn cử, Liên Xô dựa vào bí mật hạt nhân được cung cấp bởi nhà vật lý Klaus Fuchs - người từng tham gia Dự án Manhattan của Mỹ - để sản xuất bom hạt nhân của riêng mình.
"Nhưng không có vụ trộm nào trong số đó làm thay đổi cục diện chiến tranh trên không giống như việc Liên Xô sao chép tên lửa Sidewinder của Mỹ - Joe Coles, tác giả cuốn sách "The Hush Kit Book of Warplanes" Tập 1 và 2, cho biết.
Các kỹ sư Liên Xô không chỉ ngạc nhiên trước tính hiệu quả của Sidewinder mà còn ở sự đơn giản trong thiết kế và sang trọng của nó.
3 năm sau ngày Mỹ công khai Sidewinder, đến năm 1960, Liên Xô đã hoàn thành nỗ lực công nghệ đảo ngược, tạo ra tên lửa Vympel K-13 (NATO định danh là: AA-2 “Atoll”).
Vympel K-13 trở thành tên lửa tầm ngắn chủ lực của Lực lượng Không quân Liên Xô và Khối Hiệp ước Warszawa.
'Mãng xà' trên không của Mỹ: Uy lực đến mức khiến mật vụ KGB làm điều vô cùng khó tin- Ảnh 4.

Tên lửa không đối không Vympel K-13. Ảnh: Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ
Năm 1969, AIM-9B-FGW Mod.2 Sidewinder - phiên bản cải tiến của AIM-9B - được đưa vào sử dụng trong Không quân Đức. Tên lửa này được 'thăng hạng" một cách đáng kinh ngạc: Đầu dò hồng ngoại nhạy hơn, ít có khả năng nhầm lẫn máy bay địch với đám mây hoặc mặt trời.
Tất nhiên, Liên Xô cũng muốn có chiếc Sidewinder mới này – và họ có được nó theo cách khó tin nhất.
Năm 1967, kỹ sư Tây Đức Manfred Ramminger đang có chuyến công tác thương mại tới Liên Xô; ông được tuyển dụng để làm việc cho KGB - cơ quan an ninh nội bộ chính của Liên Xô. KGB ra lệnh cho Ramminger tập trung các hoạt động gián điệp của mình vào Lực lượng Không quân Đức, được gọi là Luftwaffe - đơn vị đầu tiên sử dụng AIM-9B FGW Mod.2 Sidewinder.
Một đêm năm 1968, Manfred Ramminger đột nhập vào Căn cứ Không quân Neuberg (Đức). KGB trước đó đã mua chuộc một phi công người Đức để người này giao bản đồ căn cứ cho Manfred Ramminger.
Mật vụ KGB, người tài xế và phi công Đức đó đã đánh cắp trót lọt tên lửa dài 2,7 mét của Đức. Manfred Ramminger mang nó về nhà, chế tạo một chiếc thùng đặc biệt để vận chuyển và gửi nó qua đường hàng không cho KGB. Chi phí vận chuyển là 483,88 USD và tên lửa phải mất mười ngày mới đến nơi. Vì những nỗ lực của mình, Manfred Ramminger đã được trả 81.000 USD (hơn 700.000 USD ngày nay).
Tòa án Tây Đức sau đó đã bắt giữ và kết án Ramminger cùng đồng bọn về tội phản quốc, gián điệp và trộm cắp lớn. Cả ba bị kết án từ ba đến bốn năm tù.
Mặc dù Liên Xô đã có trong tay tên lửa AIM-9B FGW Mod.2 đầy đủ chức năng nhưng vẫn chưa rõ Liên Xô và các đồng minh của họ được hưởng lợi bao nhiêu từ tên lửa này. Năm 1973, một phiên bản mới của mẫu Sidewinder, có tên K-13M, được đưa vào sử dụng. Điểm chung duy nhất của hai tên lửa này là sử dụng khí nén để làm mát đầu dò hồng ngoại.

Dòng tên lửa Sidewinder vẫn rất 'đắt hàng' đến tận ngày nay​

Đến nay, tên lửa Sidewinder vẫn nổi tiếng là một trong những tên lửa thành công nhất mọi thời đại với tổng số lần tiêu diệt được 270 lần tính đến năm 2021.
Airforce Technology nhận định trong một bài viết năm 2023 rằng, phiên bản mới của Sidewinder - AIM-9X Sidewinder dài 3 mét, nặng 85 kg, đạt tốc độ siêu âm do Raytheon chế tạo - là tên lửa tác chiến ba mối đe dọa đã được chứng minh, được sử dụng cho các nhiệm vụ không đối không, tấn công mặt đất và phóng mặt nước.
Phiên bản này hiện đang được sử dụng tại hơn 24 quốc gia trên toàn thế giới. AIM-9X có thể được tích hợp với nhiều loại máy bay, bao gồm E/A-18G, F/A-18C/D, F-15, F-15C, F/A-18E/F, F-15E, F- 16, các mẫu F-22 và F-35. Tên lửa tương thích với các bệ phóng dòng NASAM, LAU-7 và LAU-12X.
'Mãng xà' trên không của Mỹ: Uy lực đến mức khiến mật vụ KGB làm điều vô cùng khó tin- Ảnh 5.

Tên lửa không đối không AIM-9X có thể được phóng bởi các máy bay E/A-18G, F/A-18C/D, F-15, F-15C, F/A-18E/F, F-15E, F- 16, các mẫu F-22 và F-35. Ảnh: Chambers/Shutterstock.com
Mặc dù vụ phóng tên lửa AIM-9X Sidewinder đầu tiên diễn ra vào tháng 3/1999, nhưng cho đến nay, Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ vẫn liên tục đặt hàng tên lửa này.
Tính đến tháng 6/2021, Không quân Mỹ đã nhận được tên lửa AIM-9X Sidewinder thứ 10.000.
Vào tháng 6/2023, Raytheon đã được Hải quân Mỹ trao hợp đồng sửa đổi trị giá 264 triệu đô la cho hợp đồng sản xuất Lô 23 được trao ban đầu vào tháng 12/2022. Raytheon sẽ sản xuất và cung cấp 571 tên lửa AIM-9X Sidewinder và các bộ phận liên quan theo hợp đồng sửa đổi, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 8/2026.
Trung tâm Kiểm tra Không quân Mỹ trích lời người phát ngôn của Lực lượng Không quân Mỹ lưu ý rằng do chi phí tương đối thấp, tính linh hoạt và độ tin cậy cao nên "rất có thể Sidewinder sẽ vẫn còn trong kho của Không quân Mỹ cho đến cuối thế kỷ 21".
Tham khảo: PM, Smithsonian, AFTC, Airforce Technology

 

Chủ đề tương tự

Back
Top