Khoa học 'Sáng chế giải bài toán của cuộc sống dễ thương mại hóa'

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Hà NộiTheo các nhà khoa học, từ kết quả nghiên cứu thành sản phẩm không khó, nhưng để thương mại hóa ra sáng chế đó phải bắt nguồn, giải được bài toán cuộc sống đang vướng mắc.
14h ngày 16/5, Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2024 (Young Scientist Summit) diễn ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ, với chủ đề "Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo".
Hơn 200 khách mời, là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, sinh viên các trường tại Hà Nội, các tác giả dự thi, đã có mặt tại hội trường từ sớm.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nói ông cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến những người trẻ trong không khí ngày hội của những người làm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông cho hay Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Cuộc thi Sáng kiến Khoa học không chỉ tạo diễn đàn chia sẻ các vấn đề quan tâm mang tính thời sự, còn là sân chơi để nhà khoa học trẻ trao đổi ý kiến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, những sáng tạo hữu ích tới cộng đồng.
Thứ trưởng ấn tượng với tác giả có nhiều người là nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, người dân, những em học sinh đưa ra các sáng kiến giải bài toán từ chính cuộc sống họ đang gặp phải. Ông mong muốn tại diễn đàn, các bạn trẻ sẽ chia sẻ những câu chuyện từ thực tế, nêu những bài học, khó khăn để cùng nhau nhìn nhận, giải quyết vấn đề. "Qua những trải nghiệm thực tế, các nhà khoa học, diễn giả khách mời đề xuất giải pháp giúp quá trình nghiên cứu của nhà khoa học thuận lợi hơn, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành
Phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên khoa học công nghệ
Là diễn giả mở màn TS Trịnh Hòa, Đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sáng chế sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ. Bà cho hay, công ty đã tận dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ dồi dào nhằm tìm ra sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ, hoàn toàn không chứa nhựa, an toàn cho sức khỏe.
Trong quá trình sản xuất, đơn vị cũng ưu tiên về tuần hoàn nhiên liệu không xả rác thải ra ngoài giúp bảo vệ môi trường và hướng tới phát thải bằng 0 với chi phí thương mại không quá đắt đỏ. "Trong hai năm qua, doanh nghiệp thu hút 800.000 USD của các nhà đầu tư quốc tế", bà nói.
Bà cũng đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa tương tự như khuyến khích nhựa tái chế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.
TS Trịnh Hòa chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sáng chế sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, tỏ ra quan tâm tới các sáng kiến của Công ty nhựa sinh học Buyo. Ông cho rằng việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng "0" sẽ tạo động lực chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, thách thức với chuyển đổi xanh là nguồn vốn. Song ông cho rằng cũng có nhiều cơ hội đến từ chuyển đổi xanh, như tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi, giảm thiểu chi phí thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp và tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động.
Ông Hương nhấn mạnh hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. "Quá trình chuyển đổi cần thời gian và sự quyết tâm của doanh nghiệp, vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành", đại diện nhà băng nói.
Ông Bùi Xuân Hương chia sẻ nhiều thông tin về những nguồn vốn ưu đãi và cơ hội cho các dự án khởi nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành
Khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu - con đường không dễ dàng
Chương trình còn được nghe câu chuyện khởi nghiệp từ kỹ sư Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương với giải pháp hạt giống nảy mầm sẵn. Trong trang phục áo thun xanh và quần âu giản dị, câu chuyện về một người nông dân khao khát những cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ, trong đó có công nghệ hồi sinh hạt giống khiến cả khán phòng quan tâm.
Trong phần tọa đàm, chia sẻ về quá trình khởi nghiệp từ chính nghiên cứu của mình, anh cho biết các nhà khoa học khởi nghiệp không dễ dàng. Anh cho hay một nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu ra một sản phẩm, nhưng thương mại hóa được sản phẩm lại là câu chuyện khác. Kinh doanh không phải chỉ có sản phẩm mà cần nhiều thứ khác như marketing, quản trị, nhân sự. Vì vậy, bên cạnh thuận lợi là hiểu rõ về sản phẩm, để khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu, nhà khoa học cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố.
Kỹ sư Lương Văn Trường chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp. Ảnh: Ngọc Thành
Ở góc nhìn từ đại diện trường đại học, PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tình "không dễ để thương mại hóa các nghiên cứu, sáng chế khoa học. Những ý tưởng được nung nấu tại giảng đường tới khi thực hiện và đưa ra sản phẩm sẽ gặp nhiều gian truân, đặc biệt ở khâu thủ tục. Theo ông thực tế nhiều đề tài nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, nhưng sau khi hoàn thành và nghiệm thu, đề tài bị dừng lại do nhà khoa học phải bàn giao cho cơ quan quản lý.
Một vướng mắc khác là rất khó để chuyển giao một sáng chế cho bên liên quan do quy trình phức tạp. Theo ông, thực tế để đưa ra thị trường phải mất từ 6 tháng tới một năm, bởi việc xác định tài sản công không đơn giản. Điều này là nguyên nhân khiến các sáng chế chậm thương mại hóa.
PGS.TS Mai Anh Tuấn nêu những vướng mắc khiến sáng chế chậm thương mại hóa. Ảnh: Ngọc Thành
Các nhà khoa học trẻ muốn khởi nghiệp cần làm gì?
Ông Tuấn cho hay, khác với trong nước, ở một số nước trên thế giới, đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành, nhà khoa học được phát triển kinh doanh, có cơ chế thuận lợi để thành lập doanh nghiệp và bán sản phẩm. Với cơ chế này, các bằng sở hữu trí tuệ của nhà khoa học có cơ hội phát triển thành sản phẩm thương mại hóa nhanh chóng.
Ông nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cố gắng để gỡ rối vấn đề này như việc thông qua các quỹ để đưa sản phẩm ra thị trường. "Đây là bước đột phá giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính", ông nói.
Do đó để thực hiện thương mại hóa, PGS Tuấn cho rằng các nhà khoa học cần chứng minh đội ngũ đi cùng mình đủ năng lực để các nhà đầu tư sẵn sàng cùng đồng hành. Các nhà khoa học cũng cần xác định được những giải pháp hữu ích không trùng với cái cũ, các giải pháp đáp ứng được nhu cầu của xã hội hoặc cải tiến khâu nào đó trong sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Các diễn giả trong phiên tọa đàm. Ảnh: Ngọc Thành
Đại diện startup, TS Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo cho rằng điều kiện cần là startup cần giải quyết các vấn đề có tính tác động ESG (môi trường - xã hội và quản trị). "Như động lực của Buyo là tận dụng cơ hội kinh doanh mảng vật liệu nhựa mới, giải quyết vấn đề xã hội", bà cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn thứ nhất về tài chính, thứ hai là kinh nghiệm bán hàng. Ông nói: "Điều kiện cần là ý tưởng đó phải được cụ thể hóa bằng việc vận hành doanh nghiệp, chứng minh được cho ngân hàng thấy có tiềm năng đưa lại doanh thu và trả nợ. Song song đó dự án cần đáp ứng tiêu chí ESG: sử dụng lao động phải tuân thủ điều kiện bảo vệ môi trường".
Hội nghị Các nhà khoa học trẻ là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.
Như Quỳnh

 

Chủ đề tương tự

Back
Top