Sức khỏe 4 giai đoạn thoái hóa khớp

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Thoái hóa khớp có 4 giai đoạn, với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau nhức, viêm, sưng, giảm khả năng vận động.
Thoái hóa khớp (OA) là dạng viêm khớp phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở đầu gối. Bệnh được chia thành 4 giai đoạn gồm sớm, nhẹ, trung bình và nặng. Một số trường hợp có thể được chẩn đoán từ giai đoạn tiền thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp có thể mất từ vài tháng đến vài năm để tiến triển đến giai đoạn nặng. Dựa trên các triệu chứng, chụp X-quang, xét nghiệm, bác sĩ xác định giai đoạn bệnh và điều trị phù hợp.
Giai đoạn tiền thoái hóa
Đây là lúc tổn thương bắt đầu xảy ra ở cấp độ tế bào mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng nào đáng chú ý nên bệnh khó phát hiện. Người bệnh có thể đã bị chấn thương hoặc sử dụng khớp quá nhiều trong giai đoạn này. Những thay đổi ở lớp sụn khớp giai đoạn này cũng có thể dẫn đến các vấn đề ở giai đoạn tiếp theo.
Tiền thoái hóa khớp có thể được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI). Bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh sử dụng các loại thuốc kê đơn, chất bổ sung và thay đổi lối sống.
PGS.TS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đánh giá tình trạng khớp gối cho người bệnh trẻ tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Giai đoạn 1
Giai đoạn 1 còn được gọi là giai đoạn bệnh sớm. Người bệnh có thể bắt đầu mất một số sụn giữa các khớp và phát triển các gai xương. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các khớp chưa bị thu hẹp.
Một số người cảm thấy đau nhẹ ở khớp, nhưng có người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nên không đi khám và điều trị. Nếu được chẩn đoán, người bệnh được điều trị không xâm lấn, tập trung vào thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, dùng thực phẩm bổ sung và thuốc không kê đơn.
Giai đoạn 2
Đây là giai đoạn bệnh nhẹ, gai xương phát triển, gây đau. Khoảng cách giữa các khớp có thể bắt đầu thu hẹp một chút. Enzyme có thể bắt đầu phá vỡ sụn. Một số người bệnh đau nhiều hơn khi vận động hoặc sau một thời gian vận động nhiều. Người bệnh có thể khó uốn, duỗi thẳng các khớp bị ảnh hưởng. Đôi khi, cơn đau và cứng khớp có thể làm giảm khả năng cử động.
Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, khuyến khích người bệnh thay đổi lối sống, như giảm cân, thực hiện các bài tập tác động nhẹ để tránh ảnh hưởng khớp. Người bệnh có thể cần phải đeo nẹp, dùng miếng lót giày, bọc hoặc nẹp đầu gối.
Giai đoạn 3
Lúc này, sụn giữa các xương bắt đầu có dấu hiệu mòn. Khoảng cách giữa các khớp hẹp rõ rệt hơn. Nhiều gai xương có thể phát triển và to ra, khớp sưng rõ. Hầu hết người bệnh thường xuyên bị đau khi di chuyển, thực hiện các hoạt động khác sử dụng khớp. Tình trạng cứng khớp có thể nặng hơn vào buổi sáng và sau khi ngồi lâu.
Ngoài dùng thuốc, người bệnh có thể cần tiêm axit hyaluronic hoặc corticosteroid vào khớp để giảm đau. Thay đổi lối sống tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 3, bên cạnh vật lý trị liệu.
Giai đoạn 4
Lượng sụn ở các khớp bị ảnh hưởng suy giảm nhiều, thậm chí mất hoàn toàn. Khoảng cách giữa các khớp hẹp nghiêm trọng, ít chất lỏng hoạt dịch để bôi trơn khớp. Gai xương lớn hơn nhiều. Hầu hết người bệnh bị đau nặng khi sử dụng các khớp, khó hoặc không thể thực hiện được các hoạt động hằng ngày. Độ cứng, sưng và viêm ở khớp đều gia tăng, có khả năng biến dạng khớp.
Đến giai đoạn 4, các phương pháp điều trị không xâm lấn và thay đổi lối sống không còn hiệu quả. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, như , giúp người bệnh khôi phục vận động, tránh nguy cơ liệt.
Anh Ngọc

 

Chủ đề tương tự

Back
Top