AI - thách thức và cạnh tranh không nhỏ cho các nhạc sĩ

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Anh Tuấn - Thứ ba, 23/07/2024 06:00 (GMT+7)

Trong lĩnh vực âm nhạc, trí thông minh nhân tạo đem đến cơ hội sáng tạo tác phẩm dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng là thách thức và cạnh tranh không nhỏ cho các nhạc sĩ.
AI - thách thức và cạnh tranh không nhỏ cho các nhạc sĩ

Với công cụ AI Suno, người dùng không có kiến thức nhạc lý cũng có thể tạo ra 1.200 đoạn nhạc/tháng. Ảnh chụp màn hình AI Suno
Nhiều nghệ sĩ dùng AI khi làm nhạc
Với những ai quan tâm đến công nghệ thì cái tên Suno Inc không còn xa lạ. Công ty có trụ sở tại TP Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) từng khiến tất cả sững sờ khi giới thiệu công cụ AI Suno có khả năng tạo ra hàng chục đoạn nhạc thuộc bất cứ thể loại nào: Nhạc điện tử, dance, techno, electro cho đến acoustic, pop ballad.
AI Suno hoạt động giống hầu hết các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện nay: Người dùng chỉ cần nhập vào một vài từ khóa và các bản nhạc sẽ tự động được cho ra đời chỉ trong thời gian ngắn. Như vậy, sau văn bản, hình ảnh, video ngắn, âm nhạc là lĩnh vực tiếp theo mà trí tuệ nhân tạo xuất hiện và làm thay được phần việc trước đó vốn thuộc về con người.
Nếu như trước đây, AI đơn thuần chỉ là công cụ giải trí thì ngày nay, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã sử dụng chúng trong các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Ca sĩ Đan Trường cho biết, 100% phần hình ảnh của MV “Em ơi ví dầu” được ê-kíp của anh tạo ra hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo. Trong MV đồ họa (MV visualizer) “Hoa hồng” quảng bá cho live concert “Sketch a Rose”, ca sĩ Hà Anh Tuấn và ê-kíp cũng dùng AI để tạo ra các ảnh động lặp đi lặp lại xuyên suốt MV. Nhiều nghệ sĩ khác như Vũ Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Bảo Đại thừa nhận có ứng dụng AI vào các giai đoạn khác nhau trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, trí tuệ nhân tạo (AI) là xu thế của thời đại công nghệ ngày nay, các nhạc sĩ chỉ có thể học cách thích nghi chứ không thể cưỡng lại xu thế này. “Một khi nắm rõ những tính năng ưu việt của trí tuệ nhân tạo, các nhạc sĩ ngày nay hoàn toàn có thể dùng chúng như một trợ thủ đắc lực trong sáng tác và sản xuất âm nhạc” nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói.
Nghệ sĩ có sợ bị lấy mất việc?
Đầu năm nay, hơn 200 nhạc sĩ nổi tiếng thế giới gồm: Billie Eilish, Nicki Minaj, Katy Perry, Smokey Robinson… đã ký tên vào một bức thư kêu gọi chống lại việc sử dụng trí tuệ nhân trong hoạt động sản xuất âm nhạc. Bức thư yêu cầu các công ty công nghệ không phát triển những công cụ AI có khả năng thay thế vai trò các nhạc sĩ.
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đang tồn tại 2 luồng quan điểm trái ngược nhau liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc.
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Trường Đại học Sài Gòn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho rằng, các cơ sở đào tạo và hiệp hội nghề nghiệp ở nước ta hiện nay đang hơi chậm chân trong việc chuẩn bị cho hội viên của mình cách ứng xử với cơn bão công nghệ AI.
“Hiện nay, các trường âm nhạc chuyên nghiệp ở nước ta chưa nghiên cứu sâu về việc nên ứng xử thế nào với AI và sản phẩm được sáng tạo bởi AI trong âm nhạc” - bà Liêm phát biểu tại một hội thảo về phát triển thị trường nghệ thuật Việt Nam diễn ra tại TPHCM cuối tháng 6 vừa qua.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, sự xuất hiện của AI lại là động lực buộc các nhạc sĩ tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện mình.
“Quan điểm cá nhân tôi nghiêng về việc làm thế nào ứng dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của các nghệ sĩ. Nếu con người không thật sự cố gắng thì sẽ thua xa so với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói.
Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng chung quan điểm rằng, khó có thể cưỡng lại AI, nhưng nhìn nhận và ứng xử với chúng thế nào để khai thác mặt tích cực, hạn chế tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào con người.
“Nếu chúng ta sử dụng khoa học công nghệ như một phương tiện, những ứng dụng đó sẽ vô cùng ích lợi, không chỉ đối với hoạt động âm nhạc đương đại mà còn là những đóng góp cho phát triển bền vững và phù hợp với thời đại” - GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Tiến Mạnh cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giúp phân biệt sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và con người nằm ở yếu tố “cảm xúc”, thứ mà trí tuệ nhân tạo ở thời điểm này chắc chắn chưa thể bằng con người.
Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật

 

Chủ đề tương tự

Back
Top