Bài 2: Giải pháp để bảo đảm tỷ lệ, cơ cấu hợp lý

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Thực tiễn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định vai trò của lực lượng lao động chủ chốt trong xã hội là công nhân. Bảo đảm tỷ lệ, cơ cấu những nhân tố tiêu biểu, trưởng thành từ phong trào thi đua lao động tham gia đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn.
Tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành
Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trung ương đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn; nghiên cứu việc quy định cơ cấu đại diện công đoàn vào thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân; tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; tăng số lượng và chất lượng cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế dễ nhận thấy, đó là hiện tượng “ngại vào Đảng, nhạt công đoàn, thờ ơ chính trị” trong công nhân lao động; kết quả phát triển Đảng trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa tương xứng tiềm năng.
Để xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, chính sách đối với giai cấp công nhân và công đoàn phải nằm trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, cần xây dựng chế tài đủ mạnh, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý có hiệu quả các vi phạm về pháp luật lao động và công đoàn. Thực tế đó đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ công tác vận động công nhân, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng.
Theo PGS, TS Dương Văn Sao, Trường đại học Công đoàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn là động lực thu hút người lao động tham gia và gắn bó với tổ chức công đoàn. Đó cũng là thước đo trình độ, năng lực, sự tâm huyết và bản lĩnh của cán bộ công đoàn, đồng thời là môi trường, điều kiện để công nhân, lao động và cán bộ công đoàn rèn luyện, và trưởng thành.
Trong hoạt động công đoàn, đoàn viên, công nhân, lao động và cán bộ công đoàn được rèn luyện, thử thách qua thực tế sinh động, được tích lũy nhiều kinh nghiệm, có được giải pháp phát huy năng lực; qua đó, phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực, trình độ, có bản lĩnh và kinh nghiệm cho phong trào công nhân, hoạt động công đoàn và cho Đảng, Nhà nước.
Hơn hết, tổ chức Công đoàn cần phải coi nhiệm vụ tăng cường tỷ lệ cán bộ, lãnh đạo các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ chính tổ chức mình là việc thường xuyên, liên tục. Các hội thi cán bộ công đoàn giỏi chính là dịp phát hiện, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng của cán bộ công đoàn, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn trong thời kỳ mới.
Xuất phát từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho rằng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn là nhiệm vụ xuyên suốt. Thông qua hoạt động thực tiễn, phẩm chất và năng lực của cán bộ được thể hiện rõ nét. Mạnh dạn giao việc, tin tưởng cán bộ có ý nghĩa quan trọng trong rèn luyện và tạo động lực. Cùng với quan tâm chăm lo, thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn để họ yên tâm cống hiến, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách góp phần bảo vệ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn.
Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, trí thức hóa công nhân
Để thực hiện sứ mệnh là giai cấp lãnh đạo, xã hội đặt ra yêu cầu trí thức hóa công nhân. Phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng công nhân và thách thức hiện nay, theo PGS, TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Công đoàn, trí thức hóa không đơn thuần là nâng cao trình độ học vấn, mà còn là quá trình phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo và khả năng tự học của người lao động.
Việc xây dựng một văn hóa học tập tích cực trong doanh nghiệp là chìa khóa để trí thức hóa công nhân thông qua tổ chức các hoạt động học tập, diễn đàn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, cũng như việc tạo ra các kênh giao tiếp và học hỏi nội bộ. Một văn hóa học tập mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự đổi mới và cải tiến liên tục, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Giải pháp liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng bảo đảm quá trình đào tạo công nhân…
Trên thực tế, Nhà nước và doanh nghiệp tập trung mở rộng, phát triển các trường dạy nghề, đa dạng hóa nghề nghiệp, để thu hút số lượng học sinh phổ thông và người lao động tham gia góp phần trí thức hóa công nhân.
Một trong những giải pháp nhằm tăng tỷ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, đó là làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng những nhà kinh doanh, nhà quản lý giỏi và các cán bộ khoa học-kỹ thuật xuất thân từ công nhân có trình độ cao, có khả năng tiếp cận với công nghệ và phương thức kinh doanh hiện đại trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ công đoàn trẻ, cán bộ thanh niên có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt xuất thân từ công nhân cũng cần được quan tâm đúng mức.
Nhận thức rõ trọng trách to lớn mà tổ chức đảng giao phó, những năm qua, các cấp Công đoàn đã phát huy tốt vai trò trong tạo nguồn kết nạp Đảng, ngày càng khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt chính trị của giai cấp công nhân; bồi dưỡng, tiến cử những cán bộ công đoàn ưu tú trở thành nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở những tiêu chí cán bộ chung phù hợp với bối cảnh thời đại, cần bồi dưỡng cán bộ đáp ứng tiêu chí riêng ở từng ngành, lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, PGS, TS Bùi Đình Bôn cho rằng, chỉ tổ chức công đoàn thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, mà cần sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp cộng tác chặt chẽ và tạo điều kiện của chính quyền các cấp. Trong đó, Đảng cần hết sức quan tâm lãnh đạo xây dựng hoàn thiện và thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn; kiểm tra, giám sát các cấp ủy đảng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn, nhằm tạo động lực thu hút, khuyến khích đội ngũ cán bộ công đoàn phấn đấu vươn lên.
Cần có cơ chế tuyển dụng linh hoạt hơn để bổ sung nguồn cán bộ công đoàn, đồng thời tăng cường luân chuyển cán bộ nhằm vừa đa dạng nguồn, vừa giảm “điểm nghẽn” và sức ỳ của cán bộ.
Trưởng thành từ người công nhân lao động, trở thành thủ lĩnh cao nhất của tổ chức Công đoàn, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ: “Cùng với các đồng chí Phạm Thế Duyệt, Cù Thị Hậu, chúng tôi được công nhân tín nhiệm bầu, Đảng chọn đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, giao đảm nhiệm Chủ tịch Tổng Liên đoàn”. Đồng chí kiến nghị, việc tuyển dụng cán bộ công đoàn nên để cho tổ chức Công đoàn chủ động thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần duy trì các lớp đại học công đoàn do Trường đại học Công đoàn và Trường đại học Tôn Đức Thắng mở hằng năm cho cán bộ công đoàn là công nhân ưu tú khắp cả nước, được công đoàn cơ sở và công đoàn địa phương tuyển chọn, gửi đi học. Sau khi tốt nghiệp, Tổng Liên đoàn xem xét quyết định vào biên chế công đoàn và phân công về các địa phương công tác như trước đây đã từng thực hiện. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng nêu vấn đề, để cấp ủy địa phương đứng ra tổ chức tuyển chọn biên chế cho tổ chức Công đoàn như hiện nay, cơ hội cho những công nhân ưu tú được người lao động tín nhiệm rất “hẹp”, đồng nghĩa với thực tế, rất hiếm cán bộ trưởng thành từ công nhân. Hơn nữa, số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành phố, ngành mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển.
Lãnh đạo cấp ủy các cấp, nhất là những địa phương, ngành có đông công nhân, quan hệ lao động phức tạp cần định kỳ làm việc với ban thường vụ công đoàn các cấp; lựa chọn cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về công nhân, công đoàn, nắm vững chính sách, pháp luật, có phương pháp vận động quần chúng tốt làm cán bộ công đoàn, bảo đảm ổn định, ít nhất là nửa nhiệm kỳ.
Số lượng công nhân cả nước trong thời kỳ đổi mới tăng mạnh, từ 3,7 triệu người/năm 1986 lên 15,3 triệu người/năm 2023, chiếm 25% tổng số lao động xã hội, 15% dân cư, nhưng tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân tham gia hệ thống chính trị các cấp còn rất thấp, là thực tế rất đáng suy ngẫm. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu vào cấp ủy các cấp một tỷ lệ cần thiết cán bộ trưởng thành từ công nhân, phong trào công nhân và công đoàn là việc khó nhưng phải làm quyết liệt, đồng bộ. Đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là trách nhiệm của tổ chức công đoàn, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng phát triển đất nước ■
------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23/6/2024.
(Tiếp theo và hết) (*)


 

Chủ đề tương tự

Back
Top