Cá hề và san hô - Truyện ngắn dự thi của Phát Dương (Sóc Trăng)

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Bà chỉ dám len lén nhìn vội, canh kịp cái rùng vai của người đàn ông để xoay mặt đi nhanh. Để người ta bắt gặp bà nhìn ngó thì kỳ lắm. Bà biết cảm giác bị người khác nhìn chằm chằm là như thế nào.
Cá hề và san hô - Truyện ngắn dự thi của Phát Dương  (Sóc Trăng)- Ảnh 1.

Minh Họa: Tuấn Anh
Đợi ông hí hửng ôm bọc ghẹ trứng đi thật xa, cái bóng cũng tan trong màu nắng, bà mới tiến tới chỗ bán hải sản ông vừa đứng. Ghé coi lựa mớ mực, lát về hấp gừng ăn chơi. Không phải bà thèm, chỉ là sực nhớ đứa con gái nói ra biển phải ăn mực tươi mới đã miệng.
- Ông hồi nãy mê ghẹ quá chị hén! - Bà buột miệng bắt chuyện với cô bán hàng.
- Ôi, ổng bị khùng đó chị ơi! - Cô bán nhếch mép cười, phe phẩy cái quạt giấy xua xua đám ruồi - Ở không làm chuyện tào lao!
***
Ông đứng xớ rớ một bên, chờ được gọi phụ việc. Chỉ dăm cái bàn nằm gọn hơ trong sân mà người đến không lấp đầy nổi. Ít người, có lẽ họ ngần ngại. Cả ông cũng không phải thân thích đến viếng, ông xung phong tình nguyện hỗ trợ. Tang gia neo đơn, tới hụ hợ được việc gì thì phụ.
Ông cố không nhìn người đàn bà ngồi gần linh cữu. Bà rõ ràng không phải người xứ này, chẳng biết có phải họ hàng xa với tang quyến không. Ông thấy bà xuất hiện từ ngày đầu tiên. Hình như ông đã gặp bà ở đâu rồi thì phải.
- Cảm ơn con… - Bà cụ chống gậy tới bóp bóp đôi vai người đàn bà, ánh mắt xúc động phản chiếu ánh sáng lấp loáng - Nhờ con mà nó được thỏa ước nguyện lần cuối!
- Công việc của con mà bà! - Người đàn bà cười dịu dàng, ánh mắt lồng lộng gió biển.
Bà nhìn đó mà như không nhìn đó. Hướng về phía trong nhưng như xuyên ngược qua đại dương ngoài kia, ánh mắt chao đảo sóng. Những con sóng như tồn tại muôn đời, mãi vỗ.
Có khách viếng. Ông lăng xăng bước. Bà cũng vừa quay lại. Hai người chạm mặt nhau, lần đầu tiên, trực tiếp.
- Ủa, anh ghiền ghẹ trứng! - Bà cất tiếng trước khi nhận ra mình lỡ miệng, bối rối đưa tay che hờ môi.
Phải rồi, giờ thì ông đã nhớ ra mấy lần thoáng thấy người đàn bà ngoài chợ.
***
Biển lành như một nụ cười sáng sớm người ta dành tặng nhau, trong veo và ấm. Nhưng cũng chính điều đó khiến ông lo. Nước biển đang nóng lên, rạn san hô càng khó phát triển hơn.
Xuôi người theo dòng nước, ông lặn sâu xuống thăm dò những bãi san hô. Áp suất nước vẫn vậy, nhưng có thứ gì đó bóp ông lại làm phổi đột ngột mất ô xy. Là nó. Những mẩu san hô gãy vụn.
Nơi này là bãi lặn tự phát, những du khách đâu có kinh nghiệm gì về biển. Họ ngụp lặn thỏa thuê, bẻ những cành san hô để chụp hình rồi bỏ lại. Họ thản nhiên giẫm gãy san hô, có lẽ họ nghĩ san hô cũng như cỏ, chẳng bao lâu sẽ tươi tốt trở lại. Nào có phải. San hô cần nhiều thời gian hơn nhiều.
Ông nhặt nhạnh từng mẩu san hô gãy, ôm lấy chúng lặn trở lên trao cho bạn đang chờ trên thuyền. Ông trở lại với biển, tìm cho bằng hết những vụn san hô đáng thương. Ông muốn đưa chúng trở về. Ông sẽ chăm sóc và hồi sinh cho chúng.
- Trời đất à, lần này nhiều quá! - Bạn ông nhìn mớ san hô, chắt lưỡi xót xa.
Ông bám mạn thuyền leo lên, rũ rũ mái tóc ướt mem. Đằng xa xa lại có những chiếc thuyền chở khách tới lặn. Chủ thuyền nhìn ông gườm gườm, đã mấy lần ông với họ cự cãi về chuyện cho khách lặn ở đây. Có nói gì họ cũng cương quyết tiếp tục công việc mưu sinh, mặc kệ vết thương của bãi san hô ngày càng lan rộng. Họ không hề nghĩ rằng tới một ngày san hô không còn nữa họ cũng mất sạch khách. Biển sẽ trong tới mức đáng sợ, khi chẳng còn gì để ngắm nhìn.
Chuyện chẳng dừng tại đó đâu. Không có những rạn san hô cá cũng mất chỗ sinh sản. Những đoàn thuyền càng ngày phải vác cái lưới đói đi xa khơi hơn, càng ngày về trễ hơn mà chẳng thấm thía bụng người.
- Đừng nản lòng, mày - Ông vỗ vai bạn - Mưa dầm thấm lâu, từ từ họ cũng hiểu thôi.
Ông nói như tự động viên mình. Hai người chèo thuyền qua khúc biển vắng, nơi ông treo những giá thể trồng san hô. Ông muốn ươm lại càng nhiều san hô càng tốt. Biển đang lặng, nước ổn định, đây là lúc để thích hợp san hô phát triển. Phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa, trước khi bão về.
- Ê mày! - Bạn nghe tiếng điện thoại ting ting, mừng rơn chìa cho ông coi - Có người ủng hộ tiền trồng san hô nữa nè!
- Ừa được thêm chút nào hay chút nấy! - Ông mừng mừng tủi tủi mân mê những mẩu san hô gãy - Có động lực để tiếp tục rồi!
Ông nhảy ùm xuống nước, lặn một hơi vào vòng tay của biển. Bạn ngồi trên thuyền khẽ lắc đầu lẩm bẩm:
- Thiệt cái thằng, mày nghỉ ngơi chút không được hả!
***
- Công việc của tui là vậy đó! - Ông đưa ly bia cụng với người đàn bà.
Sau khi rời đám tang, hai người kéo nhau ra bãi biển uống bia. Chẳng có lý do gì rõ ràng cả, chỉ là khi nhìn vào mắt nhau, họ nghĩ người kia đang cần một người ngồi cạnh. Tiếng sóng và gió biển luôn làm người ta thấy tự do, cùng với đó là một cảm xúc xao xác miết đi miết lại trong lòng.
- Nè nè, chị coi, bữa tui thăm giá thể cá về nhiều lắm! Có cá hề làm ổ nữa, cưng gì đâu! Làm như tụi nó không chờ được tới lúc có nhà mới nên tới đặt cọc trước không bằng! - Ông đưa điện thoại cho người đàn bà coi.
Đoạn clip vỏn vẹn vài phút quay một đàn cá hề sọc đen nhỏ xinh bơi quanh đám san hô đang cố bám vào những thanh giá thể để mọc. Đẹp hơn cả những hồ cá kiểng đắt tiền bán hàng triệu trong thành phố. Vẻ đẹp hồn hậu của biển, đầy sức sống.
Người đàn bà nhấp một ngụm bia, cười như không cười. Bà biết người đàn ông nói nhiều để bà dễ mở lời. Tâm lý quá. Mắt bà hấp háy ánh lửa bập bùng. Đưa tay bỏ thêm củi vào, bà thỏ thẻ:
- Anh biết không, tôi giống cá hề đó!
Người đàn ông nhìn bà không chớp. Đôi mắt pha lẫn ngạc nhiên và lắng nghe. Gục gặc đầu, ông hiểu ra.
- Hèn chi chị đẹp một cách đặc biệt quá!
- Anh thiệt duyên quá! - Bà bật cười vang, nước mắt bị những nếp nhăn ép trào ra khóe mắt.
- Chị làm nghề đó lâu chưa? - Ông thừa dịp hỏi.
- Cũng không lâu, từ sau khi tôi chuyển giới - Bà gõ gõ ngón tay thanh mảnh lên vầng trán rộng, lấy nhịp để nhớ lại.
***
Bà không thể mãi ích kỷ nghĩ rằng mọi việc bà làm đều vì con gái. Có thể bà đã chọn ly dị để con không phải sống trong một gia đình gượng ép, nhưng ý nghĩ bà chuyển giới để con có một người mẹ yêu thương chẳng qua là tự gạt mình.
Bà chuyển giới vì không thể đè nén nổi khát khao đã chôn giấu mấy chục năm. Con gái bà biết điều đó, cô không trách cứ mà còn cổ vũ bà. Cô cũng chính là người đã động viên bà học trang điểm. Người đàn ông ngoài tứ tuần quen công trường nắng gió tái sinh với hình hài mới, lóng ngóng cầm những cọ phấn, son môi.
Người đầu tiên bà trang điểm cũng chính là con gái bà. Nó hay nói giỡn, con hy sinh gương mặt làm mẫu cho má, mai mốt tay nghề giỏi má phải trang điểm cho con làm cô dâu thiệt đẹp đó nha.
Trước ngày cưới một tháng, con bé bị tai nạn. Người ta đưa nó về cho bà bê bết máu, nằm lặng ngắt như đang ngủ say sưa. Trong tay nó còn cầm túi đồ trang điểm mua tặng bà, cầm chắc lắm, có lẽ nó sợ rớt mất, mãi bà mới cạy từng ngón tay mềm oặt lấy ra được.
Bà dùng chính túi đồ trang điểm đó sửa sang cho con. Bà không khóc. Có những cảm xúc thay vì trào ra ngoài lại thấm ngược vô trong, cắn tận vào xương như những mũi ghim.
Bà lau rửa cho con, chầm chậm đánh lại đôi má tái ngắt. Bà giặm chút son lên đôi môi nứt của con gái. Bà cẩn thận vá lại vết rách nơi chân mày, kẻ nhẹ kiểu dáng con thích. Con cứ dặn đi dặn lại kẻ cong thôi, đừng xếch lên nhìn dữ lắm, má nhớ mà. Bà chấm thêm một mục ruồi nhỏ ở sau tai con, như nó vẫn hay làm.
Con bé ngoan lắm. Nó đọc đâu đó nói rằng mụn ruồi sau tai là hiếu thuận, nó tự chấm để nhắc mình phải thương má nhiều hơn.
Con bé ngoan quá. Bà cúi người ôm lấy nó lần cuối. Tay bà vuốt thật phẳng từng nếp váy, nhiều tới mức từng ngón ửng đỏ. Bà từ biệt con bằng một nụ cười, hứa rằng sẽ cố gắng.
Chỉ tới một năm sau, khi bà bắt đầu làm nghề, bà mới khóc được.
***
- Vậy là chị tới trang điểm cho thằng nhỏ trong đám tang? - Ông nâng ly bia lên nhưng không uống.
- Ừ. Tôi thương nó lắm. Muốn làm con gái mà chưa được nên bà ngoại nó tìm người trang điểm cho đúng ý nguyện. Tôi thấy mình trong nó. Mỗi lần có đám tang những người đặc biệt mời, tôi sẽ tới bằng được. Ước muốn cuối cùng của họ, không hoàn thành mình cũng cắn rứt - Người đàn bà khe khẽ cười, ánh mắt mông lung cố tìm một ngôi sao rơi vào lòng biển thẳm - Tôi trang điểm cho người chết, anh không thấy sợ sao?
- Có gì đâu mà sợ - Ông nhún vai, rót bia xuống cát như làm nghi lễ - Mấy lần tụi tui phụ vớt xác người trên biển, quen rồi. Với dân biển, cái chết cũng là bắt đầu của sự sống.
Bà trầm ngâm, mân mê những giọt nước đọng trên thành ly. Người đàn ông thật kỳ lạ. Cô bán hải sản ở chợ nói ông mua hết ghẹ trứng để thả xuống biển, dẫu sau đó chúng có bị người ta bắt lại. Mà hẳn ông cũng thấy bà kỳ lạ.
- À, chuyện ghẹ hả? - Ông cười, gãi gãi đầu - Tụi nó cần được đẻ, trứng nở tạo ra nhiều ghẹ mới. Trứng và ghẹ con cũng là nguồn thức ăn nuôi nhiều loài khác trong rạn san hô nữa. Biển nuôi nhau. Đẻ xong rồi chúng có bị bắt lại cũng không sao chị ha? Ít nhất tụi nó cũng làm tròn vai trò người mẹ.
Bà ngẩng lên nhìn ông như nhìn một mũi kim.
Bà nhắm mắt lại, tưởng tượng những con ghẹ cái mừng rỡ lội nhanh vào dòng nước. Chúng tìm tới nguồn thức ăn, đẻ trứng và nhờ biển ấp lấy. Chúng thanh thản, nhẹ nhàng, hạnh phúc. Những việc còn lại, biển sẽ tiếp tục.
- Con chị thương chị nhiều lắm, tui chắc chắn vậy - Bỗng nhiên, người đàn ông nói. Lửa làm mắt ông sáng lên.
- Tôi biết mà - Bà cười, nước mắt giàn giụa.
Bà biết chứ. Bà luôn biết. Nhưng sao bà vẫn cần nghe nó, ngay lúc này đây, giữa bãi biển con gái từng nói sẽ đưa má tới du lịch. Nghe từ một người đàn ông xa lạ làm công việc dán urgo lên vết thương cho biển. Những lời của ông cũng là sợi chỉ, theo mũi kim nhói khâu lại mấy chỗ hở trong lòng bà.
- Bữa nào rảnh, chị ra biển đi tui dạy cho lặn - Ông hồ hởi nói như muốn thay đổi không khí - Rồi tui dẫn chị lặn coi cá hề. Ổ cá hề như được san hô ôm lấy, nhìn thích lắm!
- Ừ, nhất định! - Bà quẹt nước mắt, đưa ly bia cụng với ông.
"Má ơi, tự do sống hết mình nha" - con gái bà đã ghi như vậy trong túi đồ trang điểm, món quà sinh nhật nó dành tặng bà. Phải, bà sẽ học lặn, học làm những thứ mới. Bà sẽ thử những điều hai má con hay bàn với nhau. Bà sẽ sống.
Nhắm mắt lại, trong tiếng sóng đưa bàn tay vỗ về bờ, người đàn bà tưởng tượng mình là con cá hề nhỏ. Xung quanh mênh mông, bà cứ bơi, cứ bơi. Và bà tìm thấy một rạn san hô đang mở rộng vòng tay, nhẹ nhàng ôm lấy con cá cô đơn.
Ở ngoài kia, có những mẩu san hô gãy vụn đang được trồng lại để trở thành những cái ôm mới. Từ chỗ tổn thương sẽ mọc lên yêu thương. Những cái ôm mọc những cái ôm.
Cá hề và san hô - Truyện ngắn dự thi của Phát Dương  (Sóc Trăng)- Ảnh 2.


 

Chủ đề tương tự

Back
Top