Cây di sản bị chết, ai chịu?

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
1. Trước đó, năm 2019, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 2 cây dầu rái có tuổi đời hơn 300 năm bên dòng sông Tô Hạp (xã Thành Sơn) là "Cây Di sản Việt Nam". Một trong hai cây nói trên sau đó có dấu hiệu suy yếu. Ngày 12/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa đã nhận định sơ bộ nguyên nhân cây bị rụng lá có thể do tình trạng bê tông hóa nhiều gây yếm khí và nóng, nước ở gốc cây cũng khó thẩm thấu xuống bộ rễ, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng trầm trọng gây nên hiện tượng rụng lá, chết khô.
1000022743.jpg -0

Cây dầu rái cổ thụ hơn 300 tuổi ở xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) bị chết khô đã 3 năm Ảnh: Laodong.vn


Khi dư luận báo chí và cả mạng xã hội loan tin gây "ầm ĩ", ông Cao Minh Vỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, chủ trương này UBND xã Thành Sơn gửi Phòng Tài chính -Kế hoạch huyện nhưng chưa được UBND huyện phê duyệt.
Dẫn những thông tin cơ bản trên để thấy rằng, ở góc độ nào đó "Cây di sản" ấy bị chết chỉ là phụ hoặc là cái cớ cho sự thêm thắt để khiến câu chuyện pha phần hoang phí, khiến dư luận bức xúc, chứ ít ai đi sâu tìm hiểu trước khi "mắc bệnh", hội ngành nghề dán bảng phong tặng hay cơ quan chức năng có động thái tích cực nhằm đưa ra biện pháp cứu chữa. Là người theo dõi kỹ câu chuyện này và ở nhiều địa phương khác nữa, cũng có cây di sản bị chết, chúng tôi chưa nhận thấy một thông tin nào về sự chung tay cứu chữa từ phía đơn vị phong tặng cái gọi là cây di sản và từ cơ quan chuyên môn.
Mỗi cái cây với quá trình sinh trưởng là một số phận, được xem như một chứng nhân, khi bị chết trong tuần hoàn "sinh, lão, bệnh, tử", là sự đau cay, đó là chưa nói đến được phong cây di sản quốc gia. Vậy thì thái độ ứng xử của các bên liên quan, nơi có cây di sản, cơ quan chuyên môn, đặc biệt hội, ngành đứng ra xem xét phong tặng cây di sản đã thực thi được những gì trước sự lâm nạn của cái cây đó hay chỉ là lập hồ sơ, phong tặng, trống rong cờ mở đón bằng, quay phim, chụp ảnh rồi ai về nhà nấy, còn cái gọi là cây di sản cứ "sống chết mặc bay"? Mà điều đáng buồn là, không chỉ cây di sản dầu rái ở huyện Khánh Sơn mà nhiều cây ở nhiều địa phương khác cũng được phong tặng, sau một thời gian, không hiểu sao cũng tự ra đi mà không hề có thuốc chữa.
Công nhận hay phong tặng cây di sản quốc gia, cây di tích lịch sử, văn hóa đừng có dừng ở vẻ bề ngoài, với khẩu hiệu to đùng cùng với lễ nghi, diễn văn, phát biểu, dựng biển… mà quan trọng khi nhận thấy cây đó lâm bệnh thì cần phải làm gì để cứu chữa, và biện pháp cứu chữa phải thành công. Chứ công nhận hay phong tặng cây di sản quốc gia xong, một mai cây chết, không một ai có trách nhiệm gì là không ổn. Trong khi đó, hồ sơ xin công nhận hoặc phong tặng có cả một chồng dấu đỏ, còn cây không ổn định thì mặc, không một ai quan tâm.
2.Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), một trong những biểu tượng của cách mạng, kháng chiến đang có dấu hiệu khô lá, rụng lá và không còn mọc mầm. Đúng vào thời điểm đó, một cơn bão đã quật gãy một cành nhánh lớn của cây đa Tân Trào. Ai cũng biết một nhánh lớn bị gãy sẽ đe dọa đến quá trình sinh trưởng cây đa. Sau một ngày cành cây bị gãy đổ, chúng tôi có mặt tại hiện trường. Điều mà mọi người lo lắng không phải cành lớn của cây đã bị gió to quật làm gãy, cái sự băn khoăn nhất là vì sao toàn thân cây đa Tân Trào lá cứ vàng dần từ thân cây lên đến ngọn. Một số cán bộ của Khu di tích lịch sử Tân Trào cho biết, hiện tượng này đã xảy ra cách đó vài tháng, và đã có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền.
Mang theo nỗi lo cây đa Tân Trào có nguy cơ bị chết, chúng tôi xin gặp lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị cần có giải pháp cứu chữa. Trong buổi làm việc, một lãnh đạo UBND tỉnh nói với chúng tôi rằng, "Các anh ạ, cây cũng giống như con người, đều phải trải qua quá trình "sinh, lão, bệnh, tử". Ở tỉnh cũng đã đưa nhiều giải pháp như tháo dỡ bê tông, gạch xung quanh gốc, cải tạo lại đất, phun thuốc… nhưng đến nay cây vẫn có dấu hiệu xấu". Nói thế thì đúng quá rồi, nhưng chúng tôi hỏi lại, có biết bao nhiêu viện nghiên cứu về lâm nghiệp, các doanh nghiệp chuyên về xử lý cây trồng lâu năm, vậy tỉnh đã mời Bộ NN&PTNT chưa… Sau cuộc làm việc ấy, chúng tôi đã phải "cầu cứu" nhiều vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ NN&PTNT để có cách cứu cây đa Tân Trào. Sau đó, có một doanh nghiệp xin đứng ra lập dự án, đề xuất những biện pháp khả thi cứu chữa cây đa Tân Trào… miễn phí. Và rất may, sau sự vào cuộc của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, cây đa Tân Trào đã mọc mầm, xuống rễ…
Kể ra như thế còn là ngắn bởi trong quá trình chúng tôi theo dõi sự phục hồi, sinh trưởng của cây đa Tân Trào kéo dài ba năm liền. Cái gọi là "sinh", "lão", "bệnh" ấy đã bị những chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết ngăn chặn để cây vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Cũng kể ra như vậy để thấy rằng, khi ai đó đã công nhận là cây di sản quốc gia hay cây di tích lịch sử, văn hóa thì phải có trách nhiệm đến tận cùng với nó, chứ không thể thấy cây di sản ốm yếu rồi cứ lặng như không, tiếp tục đi phong tặng nhiều nơi khác. Công nhận cây cái gọi là di sản để người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương nơi có cây ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, bảo tồn, kéo dài tuổi thọ với những tư vấn "trao tay" là cần, nhưng khi phải cấp cứu thì ngay lập tức có mặt để ra sức cứu chữa, chứ không thể im hơi lặng tiếng mãi.
3. Nhân chuyện cây di sản quốc gia dầu rái ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị chết khô mà gần như không được cứu chữa trước đó, cũng nên nhắc lại tháng 10/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT về việc quản lý các cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đó, Bộ VH-TT&DL nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội, một số địa phương và cơ quan báo chí phản ánh hoạt động liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện, trong đó Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam", Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp Bằng công nhận "Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam".
Bộ VH-TT&DL đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường, di sản văn hóa và Điều lệ của các tổ chức nêu trên và nhận thấy các tổ chức này không có chức năng, thẩm quyền công nhận và cấp bằng các danh hiệu này. Vì vậy ngày 10/3/2017, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động vinh danh và cấp bằng, giấy chứng nhận do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp, trao. Đầu tháng 9/2017, Bộ VH-TT&DL cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: "Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của hội".
Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đối với các loại cây cổ thụ nằm trong khu vực bảo vệ của di tích đã được xếp hạng thì được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, còn có những cây cổ thụ có giá trị nằm ngoài di tích, việc bảo vệ các cây này là hết sức cần thiết. Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT xem xét việc cấp Bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, "Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam" của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, đồng thời cho ý kiến về việc quản lý đối với những cây cổ thụ nằm ngoài di tích để có phương án bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện những văn bản trên vẫn còn giá trị pháp lý. Tuy nhiên, việc công nhận cây di sản vẫn cứ thế diễn ra, coi như chưa có chuyện gì, và thậm chí còn ra sức cổ vũ cho sự phong tặng này. Trên thực tế, ai ai cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trong đó có cây cối, nhưng làm gì cũng cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan, và hơn thế nữa là phải có trách nhiệm với cái bằng mà mình đã trao tặng địa phương nơi có cây di sản, cây di tích. Trách nhiệm ở đây không chỉ dừng lại ở quy chế, khuyến cáo mà phải là tận cùng của sự cứu chữa cây nếu nó chẳng may lâm bệnh.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top