Chăm lo chất lượng dạy và học cho học sinh dân tộc nội trú

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Với hệ thống các trường PTDTNT ngày càng phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh DTTS, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện được học tập tốt, tạo nguồn đào tạo cán bộ cho địa phương.
Thực hiện Dự án 5 (Phát triển giáo dục-đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719), từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sóc Trăng được bố trí nguồn vốn gần 194 tỷ đồng, góp phần bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Long Phú và Thạnh Trị đã có 7 trường PTDTNT được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy tốt, học tốt với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng.

Trước đây, cơ sở vật chất của Trường THCS Dân tộc nội trú Châu Thành rất khó khăn, không bảo đảm việc dạy và học, sinh hoạt của thầy và trò nhà trường. Tuy nhiên, từ năm 2022, nhờ nguồn vốn của Chương trình 1719, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, năm học 2023-2024 vừa qua, nhà trường đã được đầu tư gần 8 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, mua sắm trang thiết bị bảo đảm cho các hoạt động dạy học, ăn, ở, sinh hoạt của thầy, trò nhà trường.

 
Thầy giáo Đồ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Châu Thành cho biết: “Những năm qua, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn có học sinh tham gia học tại trường và ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Không chỉ quan tâm dạy kiến thức, nhà trường còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng, rèn luyện, hình thành nhân cách cho học sinh thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích”.

Tại Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (phường 3, TP Sóc Trăng)-ngôi trường chủ yếu dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer, những năm qua, nhà trường được đầu tư xây dựng các phòng học, khu nhà hiệu bộ, khu nhà nội trú, tường rào bao quanh... khang trang, sạch đẹp. Chính nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Hằng năm, hơn 80% học sinh nhà trường được đánh giá xếp loại học tập khá, giỏi; nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99-100%. Thầy giáo Phòng Phước Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương cho biết: “Năm học vừa qua, thầy, trò và cha mẹ học sinh rất vui vì tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng trường học khang trang. Đây là điều kiện tốt để nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn bị đủ các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia”.

Theo đồng chí Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, các trường PTDTNT đã có sự nỗ lực, cố gắng trong chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú; bảo đảm điều kiện để các em được học tập, ăn, ở và sinh hoạt an toàn tại trường. Đặc biệt, các trường cũng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh dân tộc nội trú. Các trường chú trọng những hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; giáo dục văn hóa truyền thống, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh dân tộc nội trú, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng xác định sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường PTDTNT, vùng còn nhiều khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS, vùng nông thôn với khu vực thành thị. Phấn đấu 100% trường PTDTNT trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.

Bài và ảnh: GIA UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top