Chăm lo đời sống nghệ thuật sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Thiếu niên, nhi đồng cần gì ở sân khấu
Có thể khẳng định, thành công của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, năm 2024 vừa diễn ra tại Hải Phòng là quyết tâm lớn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cùng sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, người dân Hải Phòng. Tới thành phố hoa phượng đỏ những ngày trung tuần tháng 5 vừa qua mới cảm nhận được rằng, trong lĩnh vực sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, TP Hải Phòng đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng như: Duy trì 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hiện có (chèo, múa rối, cải lương, kịch nói, ca múa nhạc); Đề án Sân khấu truyền hình, mỗi tháng có 1 chương trình nghệ thuật do các đoàn nghệ thuật thành phố thực hiện với nhiều chủ đề khác nhau bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau, biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả; ghi hình, phát sóng trực tiếp phục vụ nhân dân và lưu diễn tại các địa phương; triển khai kế hoạch Đề án Sáng đèn Nhà hát thành phố, mỗi tối thứ bảy, chủ nhật có 1 chương trình nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn tại nhà hát để phục vụ nhân dân... Đây là mô hình mà chưa có tỉnh, thành phố nào làm và duy trì được, ngay cả với hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là điều đáng để học tập.

Thiếu niên, nhi đồng là khán giả tương lai của sân khấu Việt Nam và còn là người làm sân khấu Việt Nam tương lai. Chúng ta xác định được rõ đối tượng, vậy cần phải xác định thêm rằng làm thế nào để đưa nghệ thuật đến với khán giả tương lai. Khi xác định được đối tượng khán giả thì phương pháp sáng tạo nghệ thuật như thế nào? Cách thức biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên ra sao để kể câu chuyện nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi, làm rung động tâm hồn trẻ thơ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Đó là thách thức rất lớn với người làm sân khấu.

 
 
Ở khía cạnh người làm sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng phải xem lại định hướng thẩm mỹ cho các cháu đã được quan tâm hay chưa. Nhất là thông qua nghệ thuật sân khấu, chúng ta có thể dẫn dắt các cháu hiểu thêm về văn hóa dân tộc, về lịch sử, hiểu được các trận đánh của cha ông ta, hiểu được về quá khứ hào hùng của các thế hệ trong quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc thì đó là điều đáng quý.

Lấy ví dụ điển hình như vở nhạc kịch sử Việt “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”-một tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống hiếm hoi của Sân khấu Sen Việt-đơn vị nghệ thuật xã hội hóa của TP Hồ Chí Minh mang tới liên hoan thể hiện tâm huyết của người làm sân khấu phía Nam. Dù trước đây hình tượng anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản với “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” đã được dàn dựng với nhiều loại hình sân khấu như tuồng, chèo, cải lương... nhưng lần này với phiên bản mới là nhạc kịch dân ca Nam Bộ (sử dụng gần 50 bài lý dân ca) đã thể hiện cách kể chuyện lịch sử vừa dân tộc vừa hiện đại, hòa âm phối khí phù hợp với xu hướng thưởng thức của trẻ nhỏ, tạo nên sự phấn khởi cho các nghệ sĩ biểu diễn, truyền cảm xúc chân thật đến khán giả qua từng cung bậc yêu thương.

Vở diễn cũng đã thể hiện đúng với tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hy vọng sẽ có nhiều đơn vị nghệ thuật làm những tác phẩm có chất lượng, đậm màu sắc lịch sử dân tộc để truyền cảm hứng, định hướng thẩm mỹ, tâm hồn, nhân cách cho thiếu niên, nhi đồng như Sân khấu Sen Việt.

Trách nhiệm của người lớn

Thiếu vắng kịch bản sân khấu cho thiếu nhi là thực trạng lâu năm của nghệ thuật sân khấu, ngay cả với kịch bản dành cho người lớn cũng thiếu. Các đơn vị nghệ thuật chưa hiểu hết, còn lúng túng trong việc xác định đối tượng biểu diễn; hay nói cách khác chúng ta đang sáng tạo, dàn dựng những tác phẩm cho khán giả nhí theo cách của chúng ta, cái chúng ta đang có mà chưa soi vào tâm tư, nguyện vọng của các cháu, điều các cháu cần. Khoảng cách giữa đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương cả về nghệ thuật, phương thức hoạt động, nhân lực, nguồn tài chính... cũng là vấn đề dẫn tới thực trạng thiếu vắng tác phẩm sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng.

Lấy dấu mốc giải phóng Điện Biên, tiến về giải phóng Thủ đô năm 1954, năm nay vừa tròn 70 năm. 70 năm chúng ta có 4 thế hệ thiếu niên, nhi đồng. Qua 70 năm lịch sử sân khấu cách mạng Việt Nam gắn với lịch sử dân tộc, nhưng cho đến năm nay chúng ta mới lần đầu tiên tổ chức được một cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng. Trách nhiệm của người lớn với các cháu đã xứng với lịch sử chưa? Các cấp bộ, ngành Trung ương, địa phương đã có cơ chế chính sách đối với các đơn vị nghệ thuật sân khấu sáng tạo nên những tác phẩm văn học-nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng đến đâu, như thế nào?...

Nếu như có sự quan tâm đúng mức thì liên hoan nghệ thuật sân khấu thiếu niên, nhi đồng mang tính chất toàn quốc sẽ có 30-40 đơn vị nghệ thuật tham gia, chứ không phải con số ít ỏi 14 đơn vị như lần này. Nhưng bởi vì cả quá trình chưa thực sự quan tâm, các đơn vị không có tác phẩm... TP Hồ Chí Minh có tới 10 sân khấu xã hội hóa, dựng vở cho thiếu niên, nhi đồng sôi động nhất cả nước, được biết dịp này có tới 5-6 vở dành cho khán giả nhí, nhưng không tới Hải Phòng tham dự liên hoan được, bởi không có kinh phí vì hầu hết là đơn vị sân khấu xã hội hóa. Nhiều nghệ sĩ cứ dành tâm huyết, vắt kiệt sức, nhưng lực bất tòng tâm.

Nghệ thuật sân khấu hiện nay có hơn 100 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, tại sao lại ít và vắng bóng các sân khấu làm tác phẩm cho thiếu niên, nhi đồng thế. Vì người lớn chưa quan tâm, bản thân các đơn vị nghệ thuật cũng chưa dành sự quan tâm đầu tư cho khán giả nhí. Vậy tại sao cứ kêu khán giả quay lưng với sân khấu. Có quan tâm tới đối tượng khán giả đâu, có nuôi dưỡng nguồn lực khán giả đâu mà hy vọng có khán giả. Biết rằng các đơn vị sân khấu rất khó khăn, nhất là sau khi cơ chế sáp nhập đơn vị nghệ thuật khiến nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố khó khăn hơn. Khi chúng ta được nhân dân, khán giả yêu mến, tin tưởng gọi với danh hiệu nghệ sĩ, thì trách nhiệm của người làm nghệ thuật, sân khấu vừa là vinh dự, vừa là động lực thôi thúc cống hiến.

Xét về tổng thể, từ liên hoan lần này đã cho thấy chuyển biến tích cực từ giới làm nghề đến các nhà quản lý đã dành sự quan tâm đến sân khấu thiếu niên, nhi đồng. Để có được liên hoan, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã có những kế hoạch căn cơ trong nhiều năm, mới nhất là cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em vào năm 2023 mà một số kịch bản trong cuộc thi đã được dàn dựng tại liên hoan lần này. Mong rằng các cấp quản lý, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục gắn bó để nối tiếp lần thứ nhất sẽ có liên hoan lần thứ 2, thứ 3... mỗi lần diễn ra với sự hội ngộ, tâm huyết, sáng tạo sẽ góp phần nâng cao đời sống nghệ thuật, đời sống sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng, đóng góp tích cực trong việc phát triển, đào tạo ra thế hệ mới cho nghệ thuật sân khấu cả về đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo và khán giả.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG (Phó chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top