Chiều sâu văn hóa làm nên khát vọng Tây Hồ - Bài 1: Mài ngọc, giữ nghề làm gốc để phát triển công nghiệp văn hóa

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Với quan điểm “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”, tăng cường đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực, phát triển sản phẩm gắn với thị trường, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng giao lưu, hợp tác về phát triển công nghiệp văn hóa…, đang là những hướng đi bài bản, sáng tạo, chuyên nghiệp của Tây Hồ.
Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của quận Tây Hồ hướng trọng tâm vào phát triển sản phẩm và thị trường công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Du lịch văn hóa; làng nghề truyền thống; lễ hội truyền thống; không gian văn hóa sáng tạo; phát huy giá trị của các di tích. Đây đều là những lợi thế của quận Tây Hồ, phù hợp với mục tiêu định hướng tập trung đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội.

Hồi sinh từ những làng nghề truyền thống

Làng giấy Dó Yên Thái từ thế kỷ 15 đã trở thành niềm tự hào của người dân Kẻ Bưởi (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ) với nghề sản xuất giấy bản và in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Mãi cho đến năm 1993, nhu cầu sử dụng giấy Dó không còn nhiều, người dân làng nghề phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm khiến làng nghề bị xóa sổ hoàn toàn.

 
Thực hiện Chương trình số 02 của Quận ủy Tây Hồ về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch gắn với lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận, giai đoạn 2020-2025”, UBND phường Bưởi được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi. Đến ngày 13-5-2024, Điểm dịch vụ, du lịch văn hoá và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy Dó” của vùng Bưởi xưa tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài (phường Bưởi) chính thức mở cửa đón du khách.

Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: “Việc phục dựng nghề làm giấy Dó sẽ giúp phường Bưởi phát huy giá trị nghề sản xuất truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh để xây dựng nên một loại hình du lịch đặc thù của địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển quận Tây Hồ thành một trong những trung tâm du lịch của thành phố và các tỉnh lân cận”.

Hay như phường Quảng An với “Đề án Trung tâm giới thiệu và thưởng thức chè sen Quảng An” được UBND phường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm duy trì ngành nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch của địa phương.

Ông Trần Gia Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, mặc dù hiện nay sản lượng, diện tích trồng sen không thể tăng, nghề làm chè sen cũng chưa đủ điều kiện trở thành làng nghề nhưng những nghệ nhân làm chè sen vẫn luôn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống đã làm nên bản sắc của một vùng đất ven hồ Tây. Nghệ thuật ướp trà sen đã trở thành niềm tự hào của người dân Quảng An từ bao đời nay. Tháng 7-2012, chè sen Quảng An đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ Cục Sở hữu trí tuệ.

Một vinh dự lớn của trà sen Tây Hồ đó là vào tháng 12-2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc thưởng thức 3 loại trà được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có trà mạn sen Đầm Trị (phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Thực tế nhiều năm qua trong đời sống văn hóa của người Hà Thành, trà sen Tây Hồ là thức uống thanh tao luôn được ưu tiên lựa chọn trong các hoạt động ngoại giao, vừa là để quảng bá văn hóa trà truyền thống, vừa là công cụ tạo lập và duy trì quan hệ quốc tế, là cầu nối văn hóa và hòa bình giữa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Nhận thức được ưu thế đó, văn hóa làng nghề nói chung, nghề ướp trà sen nói riêng đã được quận Tây Hồ quan tâm đặc biệt bằng các hoạt động quảng bá, tôn vinh. Mới đây nhất, ngày 12-7, lần đầu tiên Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức tại Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ nhằm phát huy các giá trị tự nhiên và con người, đặc biệt là những làng nghề nổi tiếng có thương hiệu, để phát triển công nghiệp văn hóa.

Như khẳng định của Bí thư quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng: "Đây là hoạt động quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô".

 
Phát triển thương hiệu làng nghề gắn với du lịch

Nằm ở phía Tây của Hồ Tây, làng xôi phường Phú Thượng có lịch sử lâu đời, vang danh khắp đất Hà Thành, ngày 17-2-2024, từ nghề của làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống và ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó vào năm 2020, làng nghề xôi Phú Thượng cũng đã đạt OCOP 4 sao, với 3 loại xôi: Xôi chè, xôi xéo, xôi ngũ sắc, được làm hoàn toàn từ màu tự nhiên như: Gấc, nghệ tươi, hoa hiên.

 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết: “Để phát huy hết những giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tiếp cận thị trường du lịch bằng hình thức trải nghiệm thực tế, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử văn hóa địa phương. Từ đó, hình ảnh làng nghề đất Việt theo chân du khách quảng bá trên khắp thế giới”.

Theo bà Tuyến, người dân phường Phú Thượng đã biết tận dụng nguồn lực văn hóa sẵn có từ di tích có giá trị văn hóa - lịch sử như chùa Bà Già (chùa Phú Thượng), đình Phú Gia; di tích cách mạng kháng chiến như: Nhà bà Hai Vẽ, nhà cụ An; đình - chùa Phú Xá… kết hợp làng nghề tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách thông qua những dấu ấn mang tính bản sắc văn hóa của Phú Thượng.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết thêm, thực hiện Chương trình 02 của Quận ủy Tây Hồ, UBND phường luôn xác định chủ động phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế phát triển theo định hướng “dịch vụ - thương mại - nông nghiệp" được ổn định. Trong đó tập trung phát triển dịch vụ làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với du lịch, nhờ đó mà tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn phường hằng năm tăng từ 15% đến 20%.

Hay như Nhật Tân - một trong những địa danh nổi tiếng với nghề trồng hoa đào có tuổi đời hàng trăm năm qua. Đứng trước xu thế của thời đại toàn cầu hóa, Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân được công nhận vào năm 2015 đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ và giữ vững thương hiệu và danh hiệu làng nghề “Hoa đào Nhật Tân” gắn với dịch vụ - du lịch và dịch vụ đô thị trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Chương trình 02 đã đề ra.

 
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết, năm 2023, Nhật Tân được công nhận là Khu du lịch cấp thành phố với thế mạnh chủ lực là cây hoa đào, phường đã có định hướng phát triển kinh tế “dịch vụ - thương mại - nông nghiệp”, khuyến khích tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển đúng hướng; đồng thời luôn coi trọng phát triển dịch vụ đô thị, giữ gìn và nâng cao chất lượng thương hiệu “Hoa đào Nhật Tân”. Nhờ đó mà giá trị sản xuất nông nghiệp năm sau cao hơn năm trước từ 10 đến 15%.

Đại diện UBND phường Nhật Tân cũng khẳng định, phường Nhật Tân sẽ tập trung mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để xây dựng phường trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của quận Tây Hồ”.

 
Ngoài câu chuyện về hồi sinh và phát triển làng nghề, thời gian qua công nghiệp văn hóa quận Tây Hồ còn nhiều điểm sáng có thể kể đến, như mô hình Phường văn hóa của quận. Phường Văn hoá chính là mô hình tiệm cận với những tiêu chí khả thi và sát thực tế của địa phương để triển khai thực hiện, làm tiền đề cho việc xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh. Từ đó giúp các phường từng bước có định hướng xây dựng, phát triển thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa thông qua phát triển văn hoá và công nghiệp văn hóa, xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, sinh thái đặc trưng của quận Tây Hồ, gắn với Hồ Tây.

Tại buổi làm việc với Quận ủy Tây Hồ ngày 18-10-2023, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng ủy - UBND quận Tây Hồ đã cụ thể hóa các chương trình, nghị quyết của Thành ủy về việc phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời đề nghị quận Tây Hồ khắc phục những hạn chế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của địa phương; qua đó phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị của hệ thống di sản đặc sắc, độc đáo; thúc đẩy các thương hiệu làng nghề trở thành phương tiện hiệu quả để phát triển công nghiệp văn hóa.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG - THU THỦY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top