Chiều sâu văn hóa làm nên khát vọng Tây Hồ - Bài 3: Khai thác hiệu quả chuỗi ngọc quý Tây Hồ (tiếp theo và hết)

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Đó là nhận định của ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) trong cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Điện tử.
Kiến tạo không gian phát huy tiềm năng, giá trị di sản

PV: Những năm gần đây, phát triển Công nghiệp văn hóa (CNVH) đã và đang trở thành nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô nói chung và quận Tây Hồ nói riêng, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, thế mạnh và kết quả của quá trình phát triển CNVH quận Tây Hồ thời gian qua?

Ông Trương Quốc Toàn: Trước hết, cần khẳng định rằng CNVH là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực và nhiều chuyên ngành khác nhau. Cho đến nay, không chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay tại các nước công nghiệp phát triển vẫn luôn xuất hiện những chủ đề tranh luận về khái niệm này.

 
Nói đến CNVH, người ta thường nghĩ ngay đến những chuyên ngành liên quan tới các lĩnh vực xuất bản, âm nhạc, điện ảnh, nghe nhìn, giải trí và du lịch. Nhưng có một thực tế là khi nhắc đến CNVH, người ta thường bị thu hút chủ yếu vào khái niệm “văn hóa” mà rất dễ bỏ qua khái niệm “công nghiệp”, nhất là ở Việt Nam. Tôi nêu ra vấn đề này bởi đã làm “công nghiệp” thì phải tạo ra “sản phẩm” và sản phẩm đó phải có tính thương phẩm hoá, tức là phải bán được hay nói đúng hơn là bán phải có người mua, chứ không chỉ đơn thuần tạo ra những món quà miễn phí. Những sản phẩm đó có thể được bán trực tiếp, tức là người ta phải chi tiền để được thưởng thức hoặc sở hữu sản phẩm văn hoá, cũng có thể được bán gián tiếp, tức là nhờ sản phẩm đó mà mọi người phải chi tiền để sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ khác đi kèm, góp phần tạo nguồn thu cho kinh tế địa phương.

Nói cách khác, làm CNVH không chỉ dừng ở tổ chức các sự kiện văn hoá mang tính nhất thời mà cần tạo ra các chương trình, sản phẩm dịch vụ văn hoá có tính dài hơi và tạo nguồn thu bền vững.

Quay trở lại với thực trạng của quận Tây Hồ, có thể khẳng định trên địa bàn quận có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để làm CNVH. Những tiềm năng và thế mạnh này phong phú như những nguồn tài nguyên được biểu hiện ở cả hai hình thái: Vật thể và phi vật thể. Đối với những tiềm năng mang tính vật thể, trước hết phải nói đến hồ Tây, một danh thắng tự nhiên từ lâu đã đi vào các tác phẩm thơ ca, nhạc, họa vô cùng sinh động. Không chỉ có lợi thế về cảnh quan, Hồ Tây còn là địa điểm duy nhất trong nội thành Hà Nội hiện có diện tích mặt nước rất lớn chưa được khai thác nhiều cho các dịch vụ liên quan đến CNVH.

Bên cạnh đó, hệ thống các di tích kiến trúc cổ như đình, đền, chùa trên địa bàn quận cũng là một tiềm năng vô cùng to lớn để khai thác các sản phẩm du lịch, khám phá có chiều sâu về văn hoá. Tôi cho rằng chuỗi di tích đình, đền, chùa quanh Hồ Tây thực sự là một chuỗi vòng ngọc mà mỗi hạt ngọc đều kết tinh rất nhiều giá trị văn hoá chưa được khai thác. Tiềm năng thứ ba cần kể đến chính là các sản vật từ lâu đã làm nên thương hiệu của Tây Hồ như hoa đào Nhật Tân, quất Tứ Liên và đặc biệt là sen Tây Hồ.

 
Đối với các tiềm năng và thế mạnh mang tính phi vật thể, trước hết phải kể đến các lễ hội, tín ngưỡng gắn với hệ thống đình, đền, chùa trên địa bàn quận. Tiếp theo là các nghề truyền thống gắn với những ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm, như giấy dó Kẻ Bưởi, xôi Phú Thượng, trà sen Tây Hồ.

Ngay cả các nghề trồng đào Nhật Tân hay quất Tứ Liên cũng xứng đáng được khai thác các giá trị phi vật thể chứ không chỉ đơn thuần cung cấp các sản phẩm cây cảnh vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bên cạnh đó, có lẽ trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ duy nhất quận Tây Hồ có được một giá trị văn hoá phi vật thể nữa mới hình thành vài thập niên gần đây thôi, nhưng chưa được nhận diện.

Đó là tính đa dạng văn hoá trong các không gian cư trú xung quanh hồ Tây. Điều này có được là nhờ tỷ lệ rất lớn người nước ngoài khi đến công tác, lưu trú lâu dài tại Hà Nội thường có xu hướng lựa chọn khu vực quanh hồ Tây. Họ góp phần hình thành nên những “ngôi làng quốc tế” với những thói quen sinh hoạt, phong tục, tập quán đan xen với các giá trị bản địa và tạo nên nét đặc trưng cho các không gian sinh hoạt cộng đồng mà chỉ có quận Tây Hồ mới có. Ví dụ như các phiên chợ đồ cũ vào cuối tuần, các sự kiện trao đổi sách cũ, trao đổi đồ dùng vì mục đích chia sẻ cộng đồng là những nét đặc trưng hết sức thú vị.

Về những kết quả đạt được trong phát triển CNVH thời gian qua, phải ghi nhận rằng chính quyền quận Tây Hồ đã nỗ lực rất lớn để từng bước kiến tạo được những không gian cộng đồng, đặc biệt tại khu vực quanh hồ Tây. Những nỗ lực này đã thu hút được sự quan tâm của người dân Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là những cơ hội tốt, những không gian tạo thuận lợi để phát huy được các giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn quận như tôi đã nêu ở trên.

Lấy văn hóa nuôi văn hóa

PV: Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, trong quá trình phát triển CNVH quận Tây Hồ cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Trương Quốc Toàn: Theo tôi, quận Tây Hồ cần có một kế hoạch mang tính tổng thể và có hệ thống. Tính tổng thể ở đây không phải là các nội dung được thể hiện trên các văn bản chỉ đạo hay kế hoạch hành động mà là các hoạt động cụ thể được triển khai thực hiện trên thực tế.

Ví dụ, với không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn, chúng ta cần xây dựng một kế hoạch khai thác tổng thể cho cả một năm, dự kiến các sự kiện tiêu điểm cho từng quý, từng tháng bên cạnh những hoạt động thường kỳ hằng tuần. Và điều quan trọng hơn cả là người dân và du khách phải được tiếp cận những thông tin này. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình phát triển CNVH với tư cách là những mô hình kinh doanh văn hoá đúng nghĩa, tạo ra nguồn thu bền vững và từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngân sách của chính quyền địa phương. Nói cách khác là CNVH phải đi theo hướng “lấy văn hoá nuôi văn hoá”.

PV: Vậy giải pháp cho những tồn tại đó là gì, thưa ông?

Ông Trương Quốc Toàn: Theo tôi, trước hết quận Tây Hồ cần xây dựng một kế hoạch khai thác đồng bộ các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là không gian cảnh quan Hồ Tây, bởi mặt nước Hồ Tây có lợi thế lớn cho các dịch vụ trải nghiệm, thư giãn và thể thao mặt nước. Các dịch vụ này cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản và đặc biệt phải đảm bảo thân thiện với môi trường, tuyệt đối không có bất kỳ tác động nào có hại cho hệ sinh thái trong lòng hồ cũng như các không gian tự nhiên quanh hồ.

Thứ hai là thiết kế và phát triển các dịch vụ du lịch văn hoá gắn với các công trình kiến trúc cổ. Hệ thống đình, đền, chùa quanh Hồ Tây thực sự là những chất liệu tốt để hình thành các tour du lịch văn hoá đặc thù gắn với nhiều truyền thuyết, sự tích và nhân vật lịch sử.

 
Ngoài ra, các sản vật nổi tiếng như đào, quất, sen cần được khai thác theo hướng đa dạng, có nhiều sản phẩm phái sinh để không chỉ tạo được dấu ấn theo mùa mà trở thành những sản phẩm nổi tiếng quanh năm (ví dụ như siro quất, mứt quất, sản phẩm làm đẹp hoặc dưỡng sinh từ hoa đào, khai thác tất cả các bộ phận của cây sen để phát triển nhiều loại sản phẩm khác nhau như tơ sen, …).

PV: Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam được tổ chức cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, khơi thông nguồn lực thúc đẩy CNVH phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cơ sở pháp lý trong sạch - lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển CNVH. Theo ông, điều này có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy ngành CNVH của Tây Hồ phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Thủ đô?

Ông Trương Quốc Toàn: Hiện tại, vấn đề tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách khơi thông các nguồn lực thúc đẩy CNVH thực sự là một vấn đề chung của tất cả các địa phương có nguồn tài nguyên văn hoá dồi dào. Vấn đề nổi cộm nhất mà tôi thấy cần tháo gỡ càng sớm càng tốt chính là việc sử dụng công sản. Từ lâu nay, chúng ta vẫn liên tục kêu gọi phát huy mô hình hợp tác công - tư (PPP), nhưng hầu hết các cơ quan, đơn vị quản lý các địa danh, di tích lịch sử - văn hoá đều vấp phải rào cản rất lớn là vấn đề định giá tài sản công để có thể áp dụng mô hình PPP một cách hiệu quả.

Chúng ta cũng biết giá trị bất động sản nói chung ở Hà Nội rất cao, đặc biệt là trong phạm vi các quận nội thành. Vì vậy, nếu muốn kêu gọi các đối tác tư nhân tham gia làm CNVH nhưng luôn mang công sản ra định giá như một sản phẩm trên thị trường bất động sản thì không có đối tác nào có đủ khả năng đáp ứng được tỷ lệ góp vốn, cho dù họ có đam mê với văn hoá đến mức độ nào thì cũng phải dừng bước trước một rào cản như vậy. Mặt khác, đầu tư cho văn hoá là đầu tư dài hơi, không thể ăn xổi mà phải rất kiên trì, nên cần có định hướng rõ ràng và cam kết thời gian ổn định cho nhà đầu tư. Phát triển văn hoá hoàn toàn không giống với đầu tư bất động sản. Vậy nên nếu muốn phát huy giá trị di sản nói riêng và công sản nói chung để làm CNVH, nên nhìn nhận từ góc độ là “nếu không làm gì thì chúng ta sẽ chẳng có gì”.

PV: Xin cảm ơn ông!

THANH HƯƠNG - THU THỦY (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top