Danh tiếng “ba nổi bảy chìm”

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Hướng đến một chữ danh theo nghĩa tích cực như vậy là một trong những động lực thúc đẩy con người dùi mài kinh sử, bền bỉ rèn luyện, kiên trì phấn đấu để bản thân không chỉ có địa vị xã hội, được cộng đồng vị nể mà sâu xa hơn là không muốn mình trở thành kẻ nhạt nhòa, vô tích sự trong con mắt nhân quần.
Do vậy, phấn đấu để có một chữ danh đích thực, một danh xưng quang minh chính đại, một danh vị tử tế, một danh hiệu đàng hoàng là nhu cầu chính đáng, khát vọng thiết thân của con người chân chính ở mọi thời đại.

 
Tuy vậy, vì hiểu chữ danh không chính đáng và tìm mọi cách để có cái danh hào nhoáng nhằm lòe mắt thiên hạ mà không hiếm cá nhân, tổ chức thời nay đã khiến danh tiếng của mình rơi vào thảm cảnh “ba nổi bảy chìm”, tức là chỉ nổi nhất thời nhưng lại bị chìm sâu vào tủi hổ.

Thời gian gần đây, mỗi khi báo chí, truyền thông rầm rộ đưa tin doanh nhân này bị khởi tố, doanh nghiệp kia bị phá sản thì chúng ta càng thêm thấm thía câu “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” mà người xưa nhắc nhở hậu thế. Nghĩa là, việc tạo dựng thanh danh, uy tín khó gấp vạn lần so với việc làm mất đi giá trị của thanh danh, uy tín đó.

Thật không khó để nhận ra những gương mặt nổi đình nổi đám trong thiên hạ từng nhiều năm “mua danh ba vạn”, nhưng phút chốc đã “bán danh ba đồng” thành mây khói. Đó là một ngân hàng chỉ trong vòng 8 năm (2015-2022) đã giành được tới 72 giải thưởng trong nước và quốc tế với những mỹ từ như: Danh giá, hàng đầu, tốt nhất, đẳng cấp, vượt trội, ưu tú... Tính trung bình mỗi năm nhà băng này giành được 9 giải thưởng. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng phanh phui, người ta mới vỡ lẽ ra rằng những giải thưởng danh giá đó phần nhiều cũng chỉ là tấm bình phong để người trong cuộc làm ăn phi pháp, gây thiệt hại ngân sách nhà nước cả trăm nghìn tỷ đồng.

Một số người từng được xã hội biết đến là những doanh nhân thành đạt, bề ngoài ăn mặc bảnh bao, tham dự vô số cuộc tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ giới trẻ để truyền cảm hứng tinh thần vượt khó sáng tạo, khởi nghiệp thành công; thậm chí có doanh nhân nhiều năm ngồi “ghế nóng” trên các gameshow truyền hình ăn khách, khẩu khí lanh lợi, có tài nói năng cuốn hút nên trở thành thần tượng của rất nhiều người trẻ. Nhưng khi cung cách kinh doanh bí hiểm của họ bị cơ quan chức năng bóc gỡ, đổ bể và thần tượng của nhiều người bị khởi tố, bắt giam, thiên hạ mới hiểu mặt trái cái danh hão của doanh nhân.

Lại có một số kẻ làm ăn phi pháp (cầm đồ, cho vay nặng lãi, bảo kê đường dây ma túy, buôn bán hóa đơn điện tử...) còn tinh vi che giấu thân phận, khéo léo đội lốt thành danh “ông bụt”, “bà tiên”, “mạnh thường quân” thường xuyên đi làm từ thiện, tặng quà trẻ nhỏ, người già khó khăn. Họ đúng là những kẻ "xanh vỏ đỏ lòng", bề ngoài tỏ ra hiền lành, tử tế nhưng bên trong lại toan tính, mưu mô, xảo trá. Chỉ đến khi bị pháp luật đưa ra ánh sáng, cái danh “giả nhân, giả nghĩa” của họ trở nên tẽn tò, rẻ rúng trong con mắt người đời.

Suy cho cùng, cái danh không có lỗi. Lỗi là người ta hiểu sai về chữ danh, ứng xử không đúng mực với giá trị của chữ danh chân chính. Nếu ai đó còn lợi dụng chữ danh (danh xưng, danh vị, danh hiệu...) để làm sai đạo lý, trái pháp luật thì trước sau, cái danh (tên gọi) của họ cũng sẽ rơi vào số phận “ba nổi bảy chìm” với thời gian.

CHÍNH NGÔN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top