Đâu chỉ một màu hoa

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Đâu chỉ những người trẻ sẵn sàng dậy sớm, xin nghỉ làm, đến đổi vé máy bay, đứng giữa lòng cầu tạo dáng, chen chân xếp hàng... để chụp ảnh với hoa bằng lăng mà đến cả người trung niên, người già cũng không ngoại lệ. Mới đây, bộ ảnh "Trở về tuổi học trò" của hai cụ Lê Thị Thuyết (101 tuổi) và Trần Thị Mai Lâm (78 tuổi) ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) sau khi được chia sẻ trên diễn đàn đã thu hút hơn 10.000 lượt yêu thích. (theo: Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam). Người già yêu đời như một người còn trẻ. Đó là cách tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp trong một xã hội văn minh.
Đâu chỉ một màu hoa -0

Lễ hội hoa tam giác mạch là một cách tạo chỗ đứng cho loài hoa trong đời sống tinh thần. Ảnh Thiện Tâm - Báo Phụ nữ Việt Nam

Tình yêu của chúng ta dành cho các loài hoa cũng là một vẻ đẹp trong cuộc sống này. Từ khi mạng xã hội có tầm ảnh hưởng, sở thích đó trở thành trend, trend giúp người ta trẻ trung, yêu đời, cái đẹp là nhu cầu "sống ảo", "xuyên không" vượt ra ngoài những lo toan, áp lực...
Nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ tình yêu ấy đã đến lúc cần phải được nâng lên thành một ý tưởng về du lịch, như ý kiến của tác giả Mỹ Anh hay chưa: "Và, khi những câu chuyện được viết lên, là lúc những cành hoa không chỉ là nỗi niềm của riêng người Hà Nội. Vẻ đẹp thiên nhiên, tinh thần trân trọng khoảnh khắc từ màu tím bằng lăng sẽ lan tỏa. Khi ấy, du lịch theo mùa hoa sẽ trở thành một đặc sản của "Thành phố mười hai mùa hoa". Đó là hướng tiếp cận bền vững, truyền tải những hình ảnh đẹp về thành phố vì hòa bình, thành phố hào hoa và sáng tạo" (Lễ hội hoa bằng lăng, tại sao không? - Tạp chí Lao động và Công đoàn).
Khi cộng đồng mạng đang phát sốt, phát cuồng với màu hoa ấy, chúng ta nhận ra đó mới chỉ là sự háo hức của bản thân chứ chưa phải là một yêu đến tận cùng những con đường, góc phố và chính mảnh đất mà mình đang sinh sống. Hoa cỏ vốn nở tự nhiên theo mùa nhưng từ màu đỏ rực, màu tím thẫm hay xanh biếc, vàng tươi... đến một sự kiện văn hóa là bước tiến dài từ nhận thức. Khi hoa chiếm lĩnh không gian, thành chủ điểm của thời gian, mang hồn vía của mùa màng, hoa không chỉ còn là thiên nhiên nữa.
Và, ở nhiều quốc gia, hoa đã thành sứ giả văn hóa, du lịch, gắn kết các nền văn hóa với nhau và thu hút sự quan tâm của du khách về những câu chuyện lịch sử, văn hóa. Ví như, từ yêu màu hoa tulip (biểu tượng của đất nước Hà Lan), bạn sẽ tìm hiểu và nhận ra một huyền thoại: "hoa tulip bắt nguồn từ vùng Himalaya, sau đó, được chuyển đến và trồng nhiều ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Nó là quốc hoa của Iran và Afghanistan. Tên "tulip" xuất phát từ chữ "tulbend" của Thổ Nhĩ Kỳ và "delband" của người Ba Tư, gọi theo hình dáng của hoa, có nghĩa là khăn quấn. Thâm nhập châu Âu từ đế chế Ottoman vào thế kỷ thứ XVI, tulip lần đầu xuất hiện ở Hà Lan năm 1593, tại vườn cây của Trường Đại học Leiden và nhanh chóng chiếm được tình yêu, sự ưa thích của người dân nơiã đây. Vào những năm 1630, giá mỗi củ tulip khoảng 10.000 guilder Hà Lan - tương đương giá một căn nhà nổi trên sông ở Amsterdam" (Theo: Hương Giang/VOV.VN). Còn với chúng ta, ngoài "sống ảo" với hoa, đã bao giờ bạn tìm hiểu về nó?
Trên thực tế, bên cạnh những lễ hội Đền Hùng, hội Lim, hội đền Trần - Nam Định, hội Gióng... mang giá trị truyền thống, lịch sử thì các lễ hội hoa đem đến một tư duy khác về giá trị. Khi chúng ta tôn vinh các loài hoa như: Lễ hội hoa ban (Điện Biên), lễ hội hoa phượng đỏ (Hải Phòng) lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang, Yên Bái)... sẽ tạo ra thông điệp gửi đến mỗi người: Phải giữ gìn không khí, đất, nguồn nước... như thế nào để không mất đi sự tồn tại kì diệu ấy. Có thể hoa phượng, hoa tam giác mạch không chứa đựng một tích truyện hấp dẫn như hoa ban nhưng cũng đủ sức hấp dẫn để có những sáng tạo nghệ thuật.
Đâu chỉ một màu hoa -1

Người Hà Nội chen chân chụp ảnh hoa bằng lăng.Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn-vnexpress.net

Ngẫm ra, các ca khúc "Hoa sữa" của nhạc sĩ Hồng Đăng; "Thời hoa đỏ" (thơ: Thanh Tùng, nhạc: Nguyễn Đình Bảng); "Mimosa từ đâu em tới" của nhạc sĩ Trần Kiết Tường; "Bông điên điển" của nhạc sĩ Hà Phương... đã "cấp" cho các loài hoa một tình yêu, một "căn cước" bước vào thế giới nghệ thuật và cũng chính là thương hiệu cho du lịch. Nhưng, điều đặc biệt hơn nữa, các loài hoa, những mùa hoa còn là phép thử để đo mức độ nhận thức, ứng xử văn hóa của cộng đồng xã hội.
Người viết còn nhớ một chuyện cách đây chừng mười năm trước, có người phụ nữ Mông ở Mộc Châu (Sơn La) đã ghi trên tấm biển: "Cấm chụp ảnh vườn cải". Tác giả bài báo nhận xét: "Bởi hoa mận rụng, cây cải gãy sẽ kéo theo ngay cái đói, cái nghèo ở đằng sau..." (theo: Báo Pháp luật Việt Nam). Cho đến những năm gần đây, bài toán "vừa trồng trọt, vừa làm du lịch" vẫn khiến nhiều người nông dân gặp khó. Nguyên nhân của sự hủy hoại đó là sự thiếu ý thức hay phông văn hóa?
Người viết cho rằng, con người hôm nay không thiếu thông tin và có nhu cầu thưởng thức văn hóa. Có điều, khi nhìn vào những "cơn sốt", vào việc check in bất chấp mất an toàn giao thông, hủy hoại cảnh quan, môi trường mới thấy không ít người chỉ yêu bản thân chứ không phải các loài hoa. Đúng như nhà thơ nổi tiếng Rabindranath Tagore (1861-1941) từng nói: "Đẹp hơn đóa hồng là tâm hồn chiêm ngưỡng nó". Đến bao giờ "tâm hồn chiêm ngưỡng" ấy theo kịp hoa hay chỉ mãi níu, kéo, bứt, tỉa và giẫm đạp... lên chính giá trị xanh của cộng đồng.
Đâu chỉ một màu hoa -2

Nếu không có nhận thức thấu đáo để có thị hiếu đúng đắn thì cộng đồng mạng sẽ quyết định mình thích gì. Ảnh: Internet

Nói đến đây, chúng ta liên tưởng tới cách mà nhiều người đang ứng xử với các sản phẩm văn hóa khác. Cách đây chưa lâu, trong một bài báo có nhan đề: "Tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa", tác giả Minh Anh có cung cấp một thông tin: "Nhạc sĩ Quốc Trung đã từng chia sẻ về hiện trạng đau lòng là kho tàng âm nhạc dân gian phong phú đã và đang trở thành những món "fast-food", phục vụ du khách theo những cách nghiệp dư hay dịch vụ một cách suồng sã" (Theo: Báo Nhân dân). "Cách nghiệp dư hay dịch vụ một cách suồng sã" ở đây phải chăng là một thói quen khai thác của một số người làm du lịch hay sự dễ dãi trong thị hiếu của chúng ta?
Gác lại câu chuyện của hoa, người viết xin kể một câu chuyện khác. Một trong các yếu tố tác động đến thị hiếu của con người hôm nay là các top-trending trên mạng xã hội. Với một thế hệ trẻ "sợ nghe điện thoại", ngại tiếp cận thông tin thì hiện tượng mạng đôi khi thành chân lý duy nhất. Hay, nói cách khác: họ tin hiện tượng mạng hơn tự tìm hiểu hoặc nói như Rapper ICD (Phạm Ngọc Huy): "Thời buổi mà chúng ta không được quyết định mình thích gì. Cộng đồng mạng sẽ quyết định mình thích gì! Chúng ta đang chỉ trích mạng xã hội trên mạng xã hội ư?" (theo: vtv.vn). Giữa hiệu ứng mà cộng đồng mạng tạo ra và thực tế đôi khi là một khoảng cách không hề nhỏ.
Trở lại với câu hỏi: bạn yêu hoa phượng, hoa ban, hoa bằng lăng... hay mạng xã hội khiến bạn phải yêu? Nói gì đi nữa, sức hút và trend này đã đem lại sắc màu đẹp cho cuộc sống. Có điều, hãy yêu bằng cả niềm tự hào về bản sắc địa văn hóa, địa khí hậu (đã tạo ra hệ thực vật ấy) và tạo lập chỗ đứng cho hoa bằng sự trân trọng nhất chứ đừng chỉ thiển cận yêu một màu hoa...

 

Chủ đề tương tự

Back
Top