Để xanh lại tâm hồn

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Kể từ khi cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip được xuất bản và trước đó là những cuốn sách, như: “Nào, mình cùng đạp xe đến Paris!” của Nguyễn Thị Kim Ngân (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, 2016); “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” của Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức (Alpha Books và NXB Thế giới ấn hành, 2016); "Quảy gánh băng đồng ra thế giới" của Nguyễn Phi Vân (Cty Anbooks và NXB Trẻ, 2016)... Thậm chí, có hẳn một ca khúc mang tên “Chuyến đi của thanh xuân” (sáng tác của Suni Hạ Linh) được nhiều người ưa thích. Những tác phẩm này đã dần dần tạo ra một sự thay đổi trong quan điểm sống: thay vì chạy theo mua sắm tích góp, con người dành thời gian và tiền bạc cho thú xê dịch. Đi để tìm thấy những khác biệt của mình.
Để xanh lại linh hồn -0

Biểu diễn âm nhạc dân tộc trên chuyến tàu Kết nối di sản miền Trung. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Nhưng, đâu phải ai xách ba lô lên cũng phượt, cũng đi thật xa. Thật oái oăm, ngày nay không ít người xách ba lô và đến “cắm rễ” ở một quán cà phê có wifi và điều hòa. Chủ quán ngao ngán bởi mô hình kinh doanh của mình đâu phải kiểu cà phê workspace chuyên biệt. Họ cần sự luân chuyển khách, cần những cuộc hẹn ngắn. Nhiều người trẻ mặc kệ, họ chọn không gian này để làm việc trên máy tính, làm việc nhóm và nghiễm nhiên dùng quyền sở hữu một ly cà phê, cốc sinh tố để biến thành không gian văn phòng, muốn người khác phải giữ yên lặng.
Người trẻ nghĩ gì về người trẻ, bạn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ về bất cập này: “Bạn cần làm việc nhưng tôi cần giải trí" (theo: Quỳnh Nguyễn-vnexpress.net). Câu nói ấy là sự trả lời thuyết phục cho những tranh luận về mang trẻ em đến quán cà phê hay làm ồn, gây mất tập trung.
Tuy nhiên, trong bài này, người viết không có ý định đi sâu vào phân tích chủ đề đó mà chỉ hướng đến một điều: Người trẻ đang có thêm những sự lựa chọn khác, đâu phải cứ đi thật xa, đâu phải đi nhanh mới tìm thấy những giá trị. Điều bí mật nhất, kho báu lớn nhất lại nằm chính trong... tâm hồn mình. Người trẻ hôm nay sớm nhận ra cách thay đổi cuộc sống như thế và đưa ra những lựa chọn thú vị. Nhiều người đã biến ngôi nhà thành không gian giải trí khi derco những góc chill và biến thiên nhiên thành không gian làm việc thoáng mát, thân thiện.
Gần đây, thay vì đi máy bay hay ô tô đường dài, nhiều bạn đã chọn đường sắt như một phát hiện bất ngờ. Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội đã có những phân tích sâu sắc, trong đó có đoạn viết: “Trước đây, đi tàu chỉ đơn thuần là ngồi trên toa như một phương tiện vận tải. Sản phẩm du lịch đường sắt khác ở chỗ đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách như phục vụ đặc sản địa phương, biểu diễn nghệ thuật trên tàu, đầu tư làm mới nội thất” (theo: Bích Phương-vnexpress.net).
Để xanh lại linh hồn -1

Du khách ngày càng ưa thích du lịch bằng đường sắt như một cách trải nghiệm chứ không đơn thuần là di chuyển. Ảnh: Võ Thạnh

Có thể, không ít người trong số chúng ta đã được trải nghiệm những chuyến tàu vào Nam, ra Bắc nhưng không mấy khi nghĩ đến thế mạnh ấy của đường sắt: bạn chỉ cần kiên nhẫn ngồi ngắm sẽ được đi dọc qua các miền văn hóa. Và, nếu như khi đi qua vùng đất nào, trên bàn xuất hiện thứ hoa trái của địa phương đó thì thật thú vị. Đường sắt chậm nhưng sẽ không tụt hậu nếu đi theo cách riêng của mình...
Vậy là, thay vì phải vượt qua nắng gió khi phượt bằng xe máy hay chỉ đơn thuần là di chuyển như với ô tô, máy bay, ngành đường sắt đã nhận ra cần biến toa tàu của mình thành căn phòng, thành quán cà phê di động. Chúng ta ngồi xem, cảm nhận, suy ngẫm nhưng thu nạp các tri thức chứ không tự tiêu tốn thời gian vô bổ.
Nhìn rộng ra, con người ngày nay một mặt tích cực mở rộng mối quan hệ, tăng cường kết nối nhưng cũng không quên định vị lại bản thân, sống chậm, sống lặng để bảo vệ sức khỏe và di dưỡng tinh thần. Đôi khi, du khách bỏ tiền tham gia một tour du lịch chỉ để ngủ một giấc ngon lành. Khái niệm giấc ngủ du lịch (sleep tourism) không còn là chuyện hiếm gặp. Thậm chí, còn trở thành một trend hút khách: “Công ty nghiên cứu thị trường HTF Market Intelligence ước tính loại hình này sẽ tăng trưởng khoảng 8%, thu về 400 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2028” (theo: Quang Nghĩa-Báo Tuổi trẻ).
Nhưng, tại sao chúng ta không “ngủ nướng” trên chính chiếc giường giá 0 đồng của mình mà lại cần đến một “cú hích” từ dịch vụ du lịch? Các chuyên gia cho rằng: “con người nhận ra mình cần thoát khỏi guồng quay công việc và cải thiện thói quen ngủ đã xuống cấp từ lâu” (theo: Báo Tuổi trẻ). Cải thiện thói quen ngủ, tái tạo lại bản năng, nhu cầu thiết yếu của một cơ thể sống cũng chính là khi ta tái tạo lại “tài nguyên” sức khỏe và tâm trí. Con người đi tìm lại chính nhu cầu thiết thực của mình mà lâu nay phải đánh đổi cho công việc.
Publilius Syrus (thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên) từng khuyên chúng ta: “Sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn là hai điều hạnh phúc nhất của cuộc đời”. Chân lý đó sau hơn hai ngàn năm vẫn nguyên giá trị. Ngồi ở một không gian chill, view đẹp hay đi dọc miền đất nước trên tàu hỏa hoặc “thức dậy ở một nơi xa” sau giấc ngủ ngon giúp bạn hạnh phúc hơn bởi đã vượt thoát ra khỏi con người trách nhiệm, áp lực của mình. Đó có phải là sự trốn chạy, sự cởi trói cho bản thân?
Để xanh lại linh hồn -2

Xu thế người trẻ chọn quán cà phê làm nơi làm việc ngày càng gia tăng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Người viết cho rằng phải có một độ lùi để nhận diện điều này. Sau gần hai thập niên ra đời, thuật ngữ "Ghosting" (tạm dịch là: đột ngột chấm dứt mọi giao tiếp) không còn quá xa lạ. Con người ngày nay không cả nể với cả thế giới này mà sẵn sàng buông bỏ để cứu rỗi bản thân, cắt đứt mọi ràng buộc. Nhìn rộng ra, đó là một sự phản kháng dữ dội về văn hóa chứ không chỉ là hiện tượng của lớp người trẻ, của nhóm người này, người khác. Tìm đến sự suy tư, chọn một không gian để trải nghiệm hay trốn vào giấc ngủ không phải sự thụ động mà là một dạng thức hành động khác: thanh lọc tâm hồn, nhận thức lại và làm mới bản thân. Mới ở đây không phải sự thay đổi, sự cứu vãn mà chính là nâng tầm suy nghĩ, tỉnh táo, minh mẫn hơn và sáng suốt hơn. Một người trở về từ giấc ngủ, từ một góc cà phê hay hành trình dọc miền văn hóa trên chuyến tàu hỏa... biết đâu sẽ có một cái nhìn cởi mở hơn về công việc, cuộc sống trước đây.
Nếp nghĩ dù đã hằn sâu vẫn có thể bị phá vỡ bởi tầm kiến văn được mở rộng. Thực tiễn cuộc sống giúp chúng ta nhận ra để sống khỏe, sống thanh thản và tỉnh táo thì cần đến một không gian đặc biệt. Ở không gian ấy trong quá khứ, dẫu ông bà ta không chăm bẵm nhiều nhưng mảnh vườn vẫn sẵn có các loại rau dại, là khoảnh sân mát rượi, là mảnh vườn đầy ắp tiếng chim, là ao cá lan man bóng nước mây trời... Ngày nay, vì nhiều lý do chúng ta đã không thể có được không gian sống ấy. Nhiều người đã tìm mọi cách để tìm về, sống xanh lại tâm hồn như một cách tự nhiên nhất. Xin hãy cảm nhận và lắng nghe từ người trẻ và suy ngẫm về điều đó với chính chúng ta...

 

Chủ đề tương tự

Back
Top