Thời sự Đề xuất Bộ trưởng Công an có quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi quy định Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết với các trường hợp không thuộc diện được cảnh vệ.
Chiều 20/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ông cho biết đề xuất nêu trên nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đồng ý với đề xuất này. Ông Tới cho rằng trong mọi trường hợp thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội luôn được ưu tiên. Hiện nay, việc áp dụng cảnh vệ cho các trường hợp không quy định trong luật do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trong thực tế gặp nhiều khó khăn, không kịp thời, ảnh hưởng đến công tác cảnh vệ.
Theo trung tướng Lê Tấn Tới, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc trường hợp cảnh vệ nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của Bộ ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Cảnh vệ diễn tập tình huống bảo vệ yếu nhân. Ảnh: Giang Huy
Trong dự thảo Luật trình Quốc hội lần này, Bộ Công an giữ nguyên đề xuất như các lần trước về ba trường hợp bổ sung vào diện được cảnh vệ, gồm người giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.
Thường trực Ban Bí thư sẽ được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc; khi đi công tác bằng ôtô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết. Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, xe cảnh sát dẫn đoàn trong trường hợp cần thiết.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn và thu hẹp phạm vi được cảnh vệ với sự kiện đặc biệt quan trọng. Sự kiện thuộc diện này là: hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tổ chức hoặc đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương tổ chức.
Theo đại tướng Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư phụ trách, chủ trì công việc hàng ngày của Ban Bí thư, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức của Đảng, Nhà nước. Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đứng đầu các cơ quan tư pháp, có vai trò, tác động với công tác xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, pháp chế, quyền con người, quyền công dân. Họ cũng được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nên bổ sung vào diện được cảnh vệ là cần thiết.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất này vì phù hợp với tầm quan trọng của các vị trí trong hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật cảnh vệ sửa đổi, chiều 20/5. Ảnh: Media Quốc hội
Ngoài các nội dung trên, dự thảo cũng cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng cảnh vệ để thuận lợi trong công việc. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được bổ sung quyền phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong và ngoài nước. Khi cần thiết, Tư lệnh được quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ ở nước ngoài.
Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa 14 thông qua tháng 6/2017, có hiệu lực từ tháng 7/2018. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Luật hiện hành quy định 37 cán bộ thuộc trường hợp được cảnh vệ là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng và các ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội và Phó thủ tướng.
Phạm Dự

 

Chủ đề tương tự

Back
Top