Đồng bào Dao Tiền bảo tồn nghề in hoa văn bằng sáp ong

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Ông Lý Hữu Tăng (sinh năm 1976), Trưởng xóm Hoài Khao chia sẻ: Bà con trong xóm rất tự hào về nghề thêu và in hoa văn sáp ong của dân tộc mình. Bên cạnh việc giúp tôn vinh những nét văn hóa khác biệt, độc đáo của bà con Dao Tiền thì sử dụng sáp ong để tạo hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền cũng là cách bà con nơi đây bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thể hiện bằng việc giữ cây rừng thu hút ong về làm tổ.
Ông Lý Hữu Tăng giới thiệu các sản phẩm với khách du lịch. (Ảnh: THI PHONG)
Ông Lý Hữu Tăng giới thiệu các sản phẩm với khách du lịch. (Ảnh: THI PHONG)

Hiện nay người dân Hoài Khao rất chú trọng bảo vệ các tổ ong trên 2 vòm hang đá trong làng là Hang Chán Vềnh và hang Tà Lạc. Dân làng không tùy tiện lấy mật ong mà bảo vệ đàn ong để khi ong rời đi mới vào lấy vỏ tổ ong, từ đó lọc lấy sáp ong.
Theo bà con Hoài Khao, trên vòm, vách đá của hai hang, mỗi năm thường có đến 25 đến 30 tổ ong khổng lồ, với hàng nghìn con ong vây quanh tổ. Mỗi tổ sẽ làm ra khoảng 37 lít mật một năm. Bên ngoài tổ là hàng nghìn con, bám theo từng lớp. Do đó bà con Hoài Khao gọi nơi đây là hang Ong Đá và coi những tổ ong trong hang là tài sản chung của cộng đồng nên được bảo vệ, giữ giữ rất nghiêm ngặt.
Việc lấy mật phải được sự thống nhất trong cả xóm, người ngoài không được tự ý vào khai thác. Người dân Hoài Khao cho rằng luôn có một sự gắn kết và mối quan hệ hòa hợp giữa bầy ong và dân làng Hoài Khao hàng trăm năm qua, bởi vậy người dân bảo vệ tuyệt đối để loài ong sinh tồn và đến thời điểm đàn ong di cư. Bà con quan niệm đàn ong để lại cho dân làng hàng chục tổ sáp ong như là cách đàn ong trả ơn loài người đã bảo vệ mình.
Việc thu hoạch sáp ong được tiến hành vào thời điểm chớm thu (thường là trước rằm tháng 7), đây cũng là lúc đàn ong bay đi để tránh rét để lại xác tổ ong. Việc khai thác sáp ong được người Hoài Khao thực hiện như một nghi lễ: Sau khi chọn được ngày tốt, từ sáng sớm trưởng xóm sẽ phân công nhau, mỗi người một việc, nhóm được phân công làm đồ lễ để thầy mo đi cúng, nhóm đi lấy củi, nhóm đi lấy sáp ong, nhóm nấu sáp ong… Mâm cúng gồm 3 con gà, 6 nắm cơm tẻ, rượu, hương, giấy bản. Nghi lễ cúng thần ong, thần rừng, cầu các vị thần phù hộ cho cả đoàn đi lấy sáp ong gặp may mắn và cầu cho năm sau ong quay về nhiều hơn.
Muốn lấy được sáp ong, bà con phải đi chặt những cây mai, cây vầu dài, buộc đấu nối theo những thân cây to gần sát vòm hang để tạo thành cái thang, sau đó mới có thể leo lên trên cao, dùng sào chọc lấy tổ ong khoái. Việc leo lên thang cao dùng sào để chọc xác tổ ong xuống từ độ cao 2,3 chục mét khá nguy hiểm, vì vậy dân làng sẽ cử những người đàn ông khỏe mạnh và có tính cẩn thận để thực hiện công việc này. Các chị em có nhiệm vụ nhặt và buộc sáp ong đem về.
Ngày lấy sáp ong thực sự như một ngày hội của dân làng, mọi người đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ của mình và khi kết thúc công việc, họ cùng nhau ăn uống vui vẻ sau một mùa sáp ong bội thu.
Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn đề cao ý thức giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc. (Ảnh: THI PHONG)
Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn đề cao ý thức giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc. (Ảnh: THI PHONG)

Vỏ tổ ong sau khi thu hoạch về được bẻ nhỏ, cho vào chảo gang đun với nước. Khi nước sôi bà con vớt những vỉa tổ ong cho vào giỏ tre rồi kẹp để ép nước sáp ong nguyên chất chảy xuống chảo nước lạnh. Sáp ong gặp nước lạnh sẽ kết tinh, tạo thành từng vỉa vàng óng nổi lên mặt nước.
Sau đó, vỏ sáp ong được vớt lên rửa sạch và bóp cho ra hết nước, cuối cùng là công đoạn cho vào chảo cô sáp ong thành từng miếng to.
Khi hoàn thành sáp ong sẽ được cân chia đều cho các gia đình trong làng.
Tự hào về nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc mình, chị Bàn Thị Liên mong muốn trong tương lai các sản phẩm do chị em Hoài Khao tạo nên sẽ được nhiều người biết đến, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tiền.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top