Thế giới Động lực có thể thúc đẩy Nga tính lại biên giới trên Biển Baltic

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Các quốc gia Baltic cáo buộc Nga muốn leo thang căng thẳng và thử thách mức độ phản ứng của NATO, khi đăng dự thảo đề xuất tính lại biên giới Biển Baltic.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 đăng trên website một dự thảo nghị quyết nhằm mở rộng lãnh hải trên Biển Baltic bằng cách thay đổi biên giới trên biển với Phần Lan và Litva kể từ tháng 1/2025. Dự thảo liệt kê các tọa độ mới để "tính chiều rộng lãnh hải Nga, đường bờ biển và các đảo trên Biển Baltic", với lý do cách tính theo sắc lệnh Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ tháng 1/1985 đã áp dụng những bản đồ lỗi thời.
Dự thảo mô tả cách tính mới sẽ "làm hiện ra một đường cơ sở mới ở phía nam các đảo của Nga tại khu vực phía đông Vịnh Phần Lan, gần Baltiysk và Zelenogradsk", do đó vùng nội thủy trên biển Baltic được mở rộng và "biên giới trên biển của Nga sẽ thay đổi".
Sau khi Litva phát hiện điều này và triệu tập đại diện Nga để yêu cầu giải thích đầy đủ, dự thảo nghị quyết đã bị xóa khỏi trang lưu trữ công khai trên website của Bộ Quốc phòng Nga vào chiều 22/5 mà không có lời giải thích hay bình luận nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay dự thảo đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga "không mang tính chính trị", nhưng lưu ý rằng tình hình chính trị thực tế đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Liên Xô và các nước vùng Baltic xác định đường biên giới trên biển năm 1985.
Pierre Thevenin, chuyên gia luật hàng hải và chuyên nghiên cứu khu vực Bắc Cực, Baltic, Đại học Tartu, Estonia, cho hay đây không phải là lần đầu tiên Nga có động thái "xét lại" về các văn kiện pháp lý liên quan đến biên giới trên biển có từ thời Liên Xô. Một văn bản tương tự liên quan Biển Bắc cũng được Nga gác lại suốt nhiều năm, trước khi nó bất ngờ tái xuất hiện trước Hạ viện Nga năm 2021, Thevenin cho hay.
Các vùng đặc quyền kinh tế ở biển Baltic. Đồ họa: FT
"Do dự thảo đã bị xóa, rất khó để xác định tính toán thực sự của Nga trong ý định tính lại đường biên giới trên biển, nhưng bối cảnh pháp lý dường như liên quan đến quy định hồi năm 1985", theo Lauri Malksoo, chuyên gia về Liên Xô và luật quốc tế tại Đại học Tartu.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các biên giới trên Biển Baltic trở thành thứ gì đó mơ hồ và Nga dường như đang muốn làm rõ di sản này. Ví dụ, biên giới trên biển giữa Nga và Estonia vẫn chưa giải quyết xong. "Hai bên đã ký hiệp ước phân định biên giới trên biển hồi năm 2014, nhưng phía Nga chưa phê chuẩn", Malksoo nói.
Khu vực Biển Baltic trên thực tế vẫn có những "vùng xám" cần được làm rõ và Moskva có thể đang tìm cách tận dụng vấn đề này. Giới chức Nga nói chỉ muốn cập nhật biên giới trên biển vốn được thiết lập dựa trên những dữ liệu địa lý đã cũ, không còn đáng tin cậy, nhưng các chuyên gia nhận định Moskva dường như có ý định vẽ lại một phần cái gọi là "đường cơ sở" trên Biển Baltic. Đây là ranh giới ngoài của vùng nội thủy và được dùng để xác định phạm vi lãnh hải.
Trong hầu hết trường hợp, đường cơ sở dễ dàng được xác định bằng cách theo ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nêu trường hợp bờ biển "lồi lõm hoặc có những hòn đảo nằm sát dọc bờ biển", quốc gia ven biển có thể thiết lập đường cơ sở thẳng bằng cách "nối các điểm thích hợp".
"Nga và các nước phương Tây có cách diễn giải khác nhau với nội dung về 'điểm thích hợp' này", Thevenin nói.
Theo cách diễn giải của mình, Nga có thể coi một số đảo trên Vịnh Phần Lan, như Hogland cách St. Petersburg 180 km, là "điểm thích hợp" để vẽ đường cơ sở. Khi đó, vùng biển bên trong đảo này sẽ được coi là vùng nội thủy, nơi Nga có toàn quyền kiểm soát, trong đó có việc hạn chế tàu nước ngoài đi vào nếu chưa được phép.
Tàu chiến trong cuộc diễn tập Zapad-2013 giữa Nga và Belarus trên Biển Baltic, ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga hồi tháng 9/2013. Ảnh: Reuters
Theo Rinna Kullaa, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga tại Đại học Tampere, Phần Lan, xác định lại biên giới trên biển Baltic không chỉ vì lợi ích pháp lý đơn thuần. "Đây là một trong loạt sự việc đánh dấu sự leo thang căng thẳng tại khu vực", bà nói.
Dự thảo xuất hiện ngay sau khi Phần Lan ngày 21/5 đề xuất dự luật siết kiểm soát biên giới với Nga. Động thái "vẽ lại biên giới biển" của Nga dường như là một phần trong nỗ lực đáp trả Phần Lan.
"Dự thảo còn được đưa ra trong bối cảnh Nga muốn tăng cường kiểm soát không phận ở Kaliningrad", Kualla bổ sung, nhắc đến vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga. Moskva từng nhiều lần bị cáo buộc gây nhiễu tín hiệu GPS từ vùng lãnh thổ nằm giữa Ba Lan và Litva này.
Với Basil Germond, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Lancaster, Anh, Nga dường như còn muốn "gia tăng áp lực chính trị tại khu vực, nhằm đo lường phản ứng từ NATO".
"Đây rõ ràng là sự leo thang căng thẳng nhằm vào NATO và Liên minh châu Âu, cần có phản ứng đáp trả phù hợp", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis viết trên X. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói Nga "không thể đơn phương thay đổi biên giới như vậy". Estonia và Phần Lan cũng có chung quan điểm.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cho rằng việc Nga đưa ra một dự thảo gây tranh cãi như vậy vào thời điểm căng thẳng này là động thái nhằm "gieo rắc sự hỗn loạn ở vùng Baltic". Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói Helsinki đang phân tích các thông tin và nước này luôn hành động bình tĩnh, dựa trên sự thật.
Động thái của Nga cũng có thể liên quan đến nỗ lực của trong củng cố phần lịch sử liên quan Liên Xô.
"Không có gì bất ngờ khi Nga muốn xét lại các ranh giới trên biển được đàm phán năm 1985, thời điểm Liên Xô hòa hoãn với phương Tây", Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế London, nói. "Ông Putin tin rằng Nga khi đó đã bị phương Tây lừa. Do đó, với Tổng thống Putin, đây còn là cách để thể hiện rằng ông muốn khắc phục sai lầm đó".
Như Tâm (Theo France 24, Newsweek)

 

Chủ đề tương tự

Back
Top