Dự án giao thông trọng điểm vẫn chậm vì giải phóng mặt bằng

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Cứ mỗi dịp lễ, Tết hoặc các ngày cuối tuần, tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ thường xuyên bị ùn tắc kéo dài vì lượng phương tiện lưu thông quá lớn. Để giải quyết, tháng 7/2023, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã khởi công dự án đường nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3 trên cao. Theo tiến độ, dự án hoàn thành trong năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư 3.241 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố.
Theo thiết kế, tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3 có chiều dài khoảng 3,4 km, điểm đầu giao với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (tại xã Tứ Hiệp, Thanh Trì), điểm cuối giao với đường vành đai 3 (đoạn gần nút giao Tam Trinh), nền đường rộng 60m. Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án cùng với tuyến đường vành đai 4 đang được đầu tư, các cầu vượt sông Hồng, sẽ mang lại hiệu quả cao trong phát triển, kết nối vùng, đồng thời tăng khả năng lưu thông cho các phương tiện từ các tỉnh phía nam với thành phố Hà Nội thông qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 trên cao và các nút giao thông khu vực lân cận.
Tại lễ khởi công vào tháng 7/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu: “Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội trong công tác giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo phường Yên Sở, xã Tứ Hiệp tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng dự án ủng hộ, bàn giao mặt bằng để sớm hoàn thành theo tiến độ phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Yêu cầu là như vậy, nhưng ghi nhận thực tế tại công trường sau gần một năm khởi công lại thấy hoàn toàn khác. Khu vực công trường tại xã Tứ Hiệp vẫn có máy móc, nhưng bên trong lại khá... yên tĩnh. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, cả chủ đầu tư và các nhà thầu đều không giấu được sự sốt ruột vì tiến độ quá chậm này.
Dự án được khởi công vào tháng 7/2023 nhưng đến tháng 11/2023 mới bắt đầu thi công, do phải hoàn tất công tác chuẩn bị gồm: đàm phán với Bộ Giao thông vận tải về việc đấu nối vào cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; phương án tổ chức, phân luồng giao thông từ xa để rào đường tổ chức thi công. Hiện nay, các nhà thầu đang thi công trên phần đất thuộc phạm vi cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và đường vành đai 3 nên phạm vi thi công khá hẹp. Diện tích còn lại chưa được bàn giao mặt bằng từ địa phương.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Phương Thành - một trong liên danh các nhà thầu tham gia thi công dự án cho biết, kể từ khi dự án được triển khai thi công đến nay, các nhà thầu vẫn thi công cầm chừng tại hai điểm đầu, cuối của dự án, trên phạm vi đất dự án đã được giải phóng mặt bằng trước đó.
Tuy nhiên, nếu từ tháng 6/2024 mà không được bàn giao mặt bằng để thi công, thì các nhà thầu sẽ phải tạm dừng thi công, máy móc lại đắp chiếu. “Chúng tôi đã ký hợp đồng và cam kết với chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án trong vòng 760 ngày, nhưng với điều kiện phải có mặt bằng kịp thời, rất mong thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho dự án theo đúng tiến độ các bên đã đưa ra và cam kết”, đại diện Công ty Phương Thành kiến nghị.
Đại diện Ban Quản lý dự án thông tin, trong thời gian tới, để thi công được các hạng mục dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng diện tích khoảng hơn 316.000m2, trong đó có 8.709 m2 đất ở, còn lại phần lớn là ao, hồ, đất nông nghiệp.
Đến nay hai địa phương mới có thông báo thu hồi 1.568 phương án trong tổng số 2.233 phương án giải phóng mặt bằng, riêng 115 phương án đất ở hiện còn chờ xác định giá đất. Việc tổ chức thi công sẽ khó khăn, phức tạp và cần có mặt bằng sớm để có đủ thời gian xử lý nền đất yếu trên diện tích rộng, trải dài qua địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Khó khăn nữa khi tổ chức thi công nút giao Tứ Hiệp và nút giao với đường vành đai 3 sẽ phải tổ chức di chuyển đường dây điện cao thế 220 kV, 110 kV cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật.
Theo phương án vừa được đưa ra giữa các bên, huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sẽ tập trung thu hồi mặt bằng đối với các phương án đất nông nghiệp, đất cơ quan tổ chức theo từng đợt từ quý II và quý III/2024; triển khai thu hồi phần đất ở từ quý III và quý IV/2024. Ban Quản lý dự án đề nghị huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công bảo đảm tiến độ đề ra.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top