Giảm lệ phí trước bạ ô tô: Việt Nam khó chống đỡ nếu bị ‘trả đũa’

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Mới đây, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giảm lệ phí trước bạ ô tô: Việt Nam khó chống đỡ nếu bị ‘trả đũa’- Ảnh 1.

Theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục giảm LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, khả năng khiếu nại, khiếu kiện có thể xảy ra
Trong hồ sơ, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia. Theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), phân tích: Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và đến nay đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trong các hiệp định đều có yêu cầu đối xử quốc gia, tức là không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
"Trước đây, Việt Nam đã 3 lần giảm LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và bị WTO, EU có ý kiến. Nếu Việt Nam tiếp tục giảm nữa, họ sẽ coi đây là vi phạm nghiêm trọng vì vi phạm nhiều lần, mang tính lặp đi lặp lại", ông Phương nói.
Nhấn mạnh đã tham gia hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thì phải tôn trọng, ông Phương lo ngại: "Nếu không tôn trọng, bất cứ nước nào tham gia WTO cũng như các nước tham gia FTA với Việt Nam đều có quyền khởi kiện và trả đũa".
Đồng tình cao với những phân tích từ phía Bộ Tài chính, cho rằng không nên tiếp tục giảm LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm: "Các nước có thể sẽ trả đũa ngay và bị trả đũa khá phức tạp, Việt Nam khó có khả năng chống đỡ".

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thay vì giảm phí trước bạ?

Đưa ra phương án để Việt Nam có thể tiếp tục giảm LPTB với ô tô mà không vi phạm, không bị khởi kiện, theo ông Phương, có thể áp dụng giảm LPTB với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Phương, theo cách này thì "ô tô nhập khẩu sẽ tràn vào và xe trong nước sẽ không cạnh tranh được".
Vị chuyên gia cho rằng, nhằm hỗ trợ ngành ô tô nội địa phát triển, cần thực thi những chính sách căn cơ, bền vững hơn. Trước hết là tạo môi trường tốt cho nền sản xuất ô tô trong nước bằng cách phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ô tô; ưu đãi nhưng không vi phạm các cam kết quốc tế.
"Quan trọng nhất hiện nay là tập trung ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng cung cấp linh phụ kiện, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Sản xuất được linh phụ kiện trong nước sẽ góp phần giảm giá thành ô tô, thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển", ông Phương nói.
Chính sách thứ hai được ông Phương đề cập liên quan tới giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. "Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì không bị coi là vi phạm. Tất nhiêu, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô trong nước cũng phải giảm cho cả ô tô nhập khẩu. Đó là chính sách mang tính bền vững, căn cơ hơn chính sách ngắn hạn giảm LPTB", ông Phương nhìn nhận.
Đề cập khía cạnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Long nêu vấn đề: "Giảm thuế thì giá giảm, nhưng điều này phải phụ thuộc hầu bao. Hiện nay, nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt rất quan trọng, giảm nữa thì ảnh hưởng nguồn thu ngân sách hay không?".
Tại công văn ngày 26.4 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31.5, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: cân nhắc không giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án 2: giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Tuy nhiên, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19.6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến: hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách, rút gọn.
Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ nghị định về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó lưu ý bổ sung nội dung phân tích, đánh giá tác động đảm bảo đầy đủ, toàn diện, nhất quán (tác động số thu ngân sách nhà nước, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ vi phạm các cam kết, khả năng khiếu nại, khiếu kiện), báo cáo Chính phủ trong tháng 6.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại thông báo nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top