Hào khí Tân An

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Đền thờ Cô Tân An thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn (Lào Cai). Từ IC 198, xuống nút giao, đi theo con đường chạy dọc bờ sông Hồng chừng 2km là đền được đền Cô. Ngôi đền tọa lạc bên tả ngạn sông Hồng, phía bên hữu ngạn là đền Bảo Hà, nơi thờ tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy.
Theo lời kể của cư dân bản địa và lý lịch di tích, ngôi đền có từ xa xưa, trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh, nay đã được trùng tu khang trang, là chốn tâm linh nổi tiếng vùng Tây Bắc, để du khách thập phương đến chiêm bái. Bấy lâu nay, trong cõi tâm linh với tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ, thờ Mẫu, ngôi đền được coi là nơi thờ Công Chúa Thượng Ngàn. Dừng chân nơi đền thiêng, chúng tôi được cư dân và các bậc cao niên trong vùng Tân An kể cho nghe bằng những tư liệu lịch sử về vị nhân thần được thờ trong ngôi đền thiêng mà người dân và du khách mọi miền vẫn gọi là Cô Tân An.

 
Tư liệu lịch sử ghi rằng, Cô Tân An có tên húy là Nguyễn Hoàng Bà Xa, vốn là con gái của Thần Vệ Quốc Nguyễn Hoàng Bẩy. Vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), khắp vùng Quy Hóa, nhất là Châu Thủy Vỹ, Châu Văn Bàn là vùng đất hoang sơ, rậm rạp miền biên ải, luôn bị giặc tràn sang tàn phá, cướp bóc, khiến cho cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đói khổ, lầm than, loạn lạc. Đứng trước tình cảnh đó, khi cha là tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình cử lên miền biên ải đánh giặc, bảo vệ bờ cõi, bà Nguyễn Hoàng Bà Xa đã theo cha lên vùng Văn Bàn, Bảo Hà chiêu dụ, đoàn kết các thổ ty, tộc trưởng quanh vùng cùng nhau hợp sức đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cuộc sống ấm no.

Khi bà mất, nhân dân nơi đây đã suy tôn bà là Thánh Mẫu, lập đền thờ ngay bên bờ sông Hồng để hương khói phụng thờ, đời đời tri ân công lao của người đã có công với quê hương, đất nước. Năm 2010, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến tháng 10 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đền Cô Tân An là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Lễ hội đền Cô được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm trong tiết trời mùa xuân ấm áp với các nghi lễ và hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc và những giá trị tâm linh.

Khung cảnh miền sơn cước Bảo Hà, Tân An đưa con người vào chốn sơn thủy hữu tình mà quên đi bao ưu phiền, mệt mỏi. Phía sau ngôi đền là dòng sông Hồng phù sa đỏ nặng, lững lờ chảy trong tiết trời mùa hạ thoáng đãng. Xa xa là những dải núi trùng điệp, xanh thẳm, chạy mãi đến chân trời như gợi lên cảnh sắc của một bùng biên ải xa xôi.

 
Bước chân vào không gian ngôi đền thiêng, du khách như cảm nhận được những sắc màu tâm linh hòa vào nét kiến trúc độc đáo của ngôi đền, khói nhang trầm tỏa ngát, bảng lảng hòa vào điệu hát chầu văn ca ngợi công lao của vị Thánh nữ chốn rừng xanh nơi biên ải. Trời càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng. Dòng sông Hồng lững lờ chảy. Điệu hát văn càng trở nên dặt dìu, văng vẳng những thanh âm ngọt ngào, du dương nơi bờ sông. Con người như hòa vào không gian huyền bí, linh thiêng để tìm về những tích xưa oai hùng nơi miền biên viễn.

Trong cung thờ, tượng thờ bà Nguyễn Hoàng Bà Xa với khuôn mặt vừa ngời lên vẻ đẹp hiền hòa, phúc hậu của người phụ nữ Việt Nam, vừa toát lên sự uy nghiêm, mạnh mẽ. Trong niềm ngưỡng vọng, tri ân công đức của người xưa, chúng tôi như lắng nghe được những thanh âm vang vọng của những cuộc chiến đấu hào hùng, oanh liệt nơi biên ải của tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy và bà Nguyễn Hoàng Bà Xa.

Hào khí nơi miền biên ải thuở nào như tỏa rạng nơi chốn đền thiêng. Để mỗi người khi dừng chân nơi đây, luôn cảm nhận được những giá trị lịch sử trường tồn với thời gian. Ngôi đền thờ Cô Tân An không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nơi đây với hào khí trường tồn, luôn là địa chỉ giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top