Hiệp định Geneva: Dấu mốc lịch sử trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam - Bài 2: Đàm phán trong tư thế ngẩng cao đầu

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Tiếng Việt Nam lần đầu tiên vang lên tại Hội nghị quốc tế
Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả và đặc biệt là tin Chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đến hội nghị, nên từ ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Tham gia hội nghị gồm 9 thành viên: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp), Campuchia, Lào. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.

Đại diện Pathet Lào và Khmer Issarak có đến Geneva nhưng không được các nước lớn đồng ý cho tham dự. Đồng Chủ tịch hội nghị là Ngoại trưởng Anh Anthony Eden và Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov, hai người này thay phiên nhau làm chủ tọa.

 
Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho biết, hội nghị bắt đầu lúc 16 giờ 30 phút ngày 8-5-1954, tại phòng V, Palais des Nations. Đến giờ họp, người từ các buồng đi ra phòng họp khá đông, dễ đến vài trăm người. Vào phòng họp, ai vào bàn nấy, không bắt tay nhau. Có 9 bàn bày thành hình bầu dục, theo thứ tự A, B, C,… Mỗi bàn có ba ghế hàng đầu, hàng sau 4 ghế, còn sau ghế nhỏ. Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi giữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh ngồi bên phải, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ngồi bên trái. Đồng chí Hoan, Tường và một đồng chí phiên dịch ngồi sau.

Bộ trưởng Phan Anh kể lại trong nhật ký: “Buổi này Eden chủ tọa (với kinh nghiệm ngót 30 năm trên trường ngoại giao). Mở đầu, Eden trao lời ngay cho Bidault. Bidault nói, như người say rượu, mình cứ cảm tưởng là Bidault không tin vào những câu tự mình nói ra. Bidault nói xong đến lượt đoàn ta, tất cả mọi người chăm chú. Ai cũng đeo máy nghe để nghe, nhưng thất vọng. Anh Tô (Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng-PV) nói tiếng Việt (đế quốc tưởng ta nói tiếng Pháp), Hoàng Nguyên dịch ra tiếng Pháp. Thế là lần đầu tiên tiếng Việt Nam vang trong Hội nghị quốc tế” (1).

Cam go trên bàn đàm phán

Tại phiên họp toàn thể thứ hai ngày 10-5-1954, Việt Nam đã đưa ra đề nghị 8 điểm về một giải pháp toàn diện cả về quân sự và chính trị cho vấn đề Đông Dương. Về quân sự, đề nghị ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Về chính trị, đề nghị bảo đảm hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.

Những đề nghị của Việt Nam được Đoàn đại biểu Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ và dư luận báo chí ở Geneva hoan nghênh. Trong khi đó, đoàn Pháp kiên quyết chỉ giải quyết vấn đề quân sự.

Các bên tham dự Hội nghị Geneva đều có các chiến lược khác nhau, song cơ bản đều muốn tìm giải pháp chấm dứt xung đột ở Đông Dương, đáp ứng cao nhất lợi ích của mình. Như vậy, vấn đề Đông Dương ở Hội nghị Geneva năm 1954 đã trở thành vấn đề quốc tế nóng bỏng thời điểm đó, bị tác động bởi tương quan so sánh lực lượng của các bên tham dự hội nghị.

 
Ngày 29-5-1954, sau 4 phiên họp toàn thể và 8 phiên họp cấp Trưởng đoàn, Hội nghị Geneva ra quyết định ngừng bắn toàn diện và thống nhất đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương gặp nhau tại chỗ (Việt Nam) và ở Geneva để bàn về bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, kể lại câu chuyện của cha mình-nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu-ở Geneva năm 1954: “Trong cuộc đàm phán, các vấn đề quân sự là vấn đề căng thẳng và kéo dài nhất, cả về phần Việt Nam, lẫn phần Lào và Campuchia. Ông Tạ Quang Bửu nhận trách nhiệm đàm phán với phía Pháp, chủ yếu có Delteil và Brébisson.

Trong một cuộc gặp riêng giữa ông Tạ Quang Bửu và ông Hà Văn Lâu với Deltail và Brébisson, ông Tạ Quang Bửu chỉ tay trên tấm bản đồ bao trùm cả Bắc Bộ và miền Trung Trung Bộ, nói: “Chúng tôi cần có một khu vực hoàn chỉnh, có thủ đô, nhiều hải cảng, trung tâm kinh tế, văn hóa từ vĩ tuyến 13 trở lên”. Ông Bửu phân tích rằng, từ Quy Nhơn trở ra là vùng tự do Liên khu V của ta sẵn có từ lâu nên lấy vĩ tuyến 13 là đúng hơn cả. Đối phương không chịu, đòi lấy vĩ tuyến 18 đến tận Đồng Hới vì cần con đường số 9 để liên lạc với Lào”.

Theo ý kiến chỉ đạo của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thì ta cần đấu tranh để ranh giới quân sự tạm thời là vĩ tuyến 13, sau đã lùi ra đến vĩ tuyến 16 để được có Huế và Đà Nẵng. Để hội nghị kết thúc được, ta chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, thời hạn tổng tuyển cử là hai năm; lấy hai tỉnh Phongsaly và Sầm Nưa làm vùng tập kết tạm thời của quân Pathet Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam...

 
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Geneva, chính trường Pháp đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Ngày 18-6-1954, Nghị sĩ Pierre Mendès France lên làm Thủ tướng Pháp thay cho người tiền nhiệm Laniel đã từ chức vài ngày trước đó. Ông Mendès France cam kết với Quốc hội Pháp rằng sẽ từ chức nếu đến ngày 20-7 không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Khi chỉ còn 10 ngày đến thời hạn cam kết với Quốc hội mà hai vấn đề hóc búa nhất là giới tuyến và thời hạn tổng tuyển cử vẫn nằm trên chương trình.

“Nếu sau ngày 20-7 mà có ngừng bắn ở Đông Dương thì cũng tốt, nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết. Nếu quá ngày 20-7 mà hội nghị không đi đến kết quả gì thì lời cam kết rõ ràng không thực hiện được. Có thể nói chìa khóa thành công của Hội nghị Geneva nằm trong tay ông Phạm Văn Đồng. Mọi người nhìn ông. Bỗng ông nhẹ nhàng giơ tay: - Tôi đồng ý vĩ tuyến 17 và thời hạn hai năm. Mọi người hân hoan”, ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, từng chia sẻ khi còn sống.

Đúng 24 giờ ngày 20-7-1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tướng Henry Delteil, đại diện cho Chính phủ Pháp đã cùng ký các hiệp định để đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, kết thúc 75 ngày đàm phán cam go. Ngày 21-7-1954, Việt Nam cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng của hội nghị.

Phát biểu trong phiên họp bế mạc, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tuyên bố: “Việc ký kết các Hiệp định đình chiến ở Đông Dương là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, nhân dân các nước Đông Dương, nhân dân Pháp, nhân dân châu Á và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình. Kết quả tốt đẹp của Hội nghị Geneva về Đông Dương một lần nữa chứng tỏ rằng mọi việc tranh chấp quốc tế và những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất đều có thể giải quyết được bằng thương lượng” (2).

Trong lời kêu gọi ngay sau khi Hội nghị Geneva thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hội nghị Geneva đã kết thúc, ngoại giao ta đã thắng lợi to” (3).

Hiệp định Geneva là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và các nước tham gia hội nghị phải cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước.

Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, dũng cảm của toàn dân và toàn quân ta, từ truyền thống hòa bình và hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam và là kết quả của sự kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, phát huy tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn hội nghị.


Không khí đàm phán ngoại giao sôi động trong nhiều tuần là dịp để thế giới lần đầu phải ngạc nhiên trước sự khôn khéo và bền bỉ của các nhà đàm phán. Bên cạnh những gương mặt phương Tây quen thuộc như đại diện của Mỹ John Foster Dulles, đại diện của Pháp Georges Bidault, đại diện của Anh Anthony Eden và đại diện của Nga Vyacheslav Molotov, thì còn xuất hiện những gương mặt mới như Phạm Văn Đồng, đại diện Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chu Ân Lai, đại diện Phái đoàn Trung Quốc…











 (Còn nữa)

LINH OANH

(1) Luật sư Phan Anh, Nxb Công an Nhân dân, tr.425, 426

(2) Báo Nhân Dân, số 208, từ ngày 25 đến 27-7-1954

(3) NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, trang 1.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top