Hiệu quả “Tủ sách pháp luật” ở Trường Sa

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Tủ sách pháp luật của đảo Đá Lớn B được đặt ở vị trí trang trọng trong hội trường. Hàng trăm đầu sách pháp luật, từ Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự đến các luật chuyên ngành quân sự như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng...
Thượng úy Phan Ngọc Anh, Chính trị viên đảo Đá Lớn B cho biết: "Phần lớn sách tại đây là do Quân chủng Hải quân cấp và các đại biểu từ đất liền tặng". Theo Thượng úy Phan Ngọc Anh, Tủ sách pháp luật trên đảo như một cẩm nang quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho quân, dân trên đảo. Cán bộ đơn vị căn cứ vào sách pháp luật để tuyên truyền nhân Ngày Pháp luật hằng tháng. Chiến sĩ tranh thủ thời gian nghỉ đọc sách nâng cao kiến thức pháp luật để sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự biết tự bảo vệ cho mình và người thân.

 
Bên Tủ sách pháp luật của đảo Đá Lớn B, chúng tôi thấy Binh nhất Trương Văn Thắng, quê ở xã Lộc Sơn (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang chăm chú đọc Luật Hôn nhân và gia đình. Hỏi lý do đọc cuốn sách này, Thắng bẽn lẽn trả lời:

- Cháu chưa có người yêu. Cháu đọc để sau này lấy vợ, nuôi dạy con cái theo đúng quy định của pháp luật.

Đến đảo Đá Lát, chúng tôi khá bất ngờ bởi xung quanh đảo có rất nhiều thuyền đánh bắt cá của ngư dân. Đại úy Phạm Văn Đạt, Đảo trưởng đảo Đá Lát thông tin: “Biển quanh đảo là ngư trường tấp nập của bà con ngư dân. Xung quanh đảo thường xuyên có khoảng 220 tàu đánh cá. Đảo là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ra khơi bám biển. Bình quân mỗi năm đảo cấp miễn phí cho bà con hàng trăm lít nước ngọt, 500kg gạo, khám, chữa bệnh cho khoảng 100 ngư dân bị ốm đau, tai nạn. Mỗi khi ngư dân lên đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngoài việc thăm hỏi, hỗ trợ họ còn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm pháp luật trong đánh bắt hải sản. Tủ sách pháp luật trên đảo chính là người thầy trang bị kiến thức pháp luật cho bộ đội”. Đại úy Nguyễn Tấn Diện, Chính trị viên đảo Đá Lát cho biết thêm: Để khuyến khích cán bộ, chiến sĩ trên đảo đọc sách pháp luật, đơn vị đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật “mini” để mọi người cùng tham gia với các câu hỏi được chọn theo chủ đề của từng tháng. Người có phương án trả lời đúng nhất sẽ là người thắng cuộc, được biểu dương và tính vào tiêu chí thi đua của năm.

 
Đến thăm Trạm hải đăng trên đảo An Bang (do Bộ Giao thông vận tải quản lý), các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi ai cũng có cảm tình đặc biệt với đồng chí Trạm trưởng là Đoàn Hoàng Bách. Bách có dáng người nhỏ nhắn, cương nghị, nói năng rất có duyên. Hỏi ra mới biết đồng chí là con của quê hương cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Bách tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải 1 rồi xung phong ra Trường Sa công tác. Đến nay, anh đã có 7 năm công tác ở Trường Sa, trong đó có hơn 3 năm gắn bó với đảo An Bang.

Đoàn Hoàng Bách cho biết: “Hải đăng An Bang nằm gần đường biển quốc tế, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của giao thông đường biển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Cán bộ và nhân viên của trạm thay phiên nhau để bảo đảm ngọn đèn biển tỏa sáng từ 17 giờ 30 phút hôm trước đến 5 giờ 30 phút hôm sau với cơ chế ánh sáng trắng, chớp nhóm 2 chu kỳ 15 giây. Tất cả thông số của hải đăng đã được đăng ký với Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế để ghi lên hải đồ quốc tế về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm báo hiệu hàng hải và quốc gia thiết lập. Đây là những dấu hiệu để người đi biển xác định được vị trí, phương hướng, tốc độ, khoảng cách trước và sau con tàu. Người đi biển chỉ cần căn cứ vào đặc điểm của đèn biển đã được đăng ký và thông báo trên hải đồ quốc tế là có thể biết được đó là đèn và vùng biển của quốc gia nào. Đây chính là sự khẳng định chủ quyền biển, đảo của quốc gia”. Để nâng cao trình độ chuyên môn, Bách và anh em trong trạm phải thường xuyên đọc sách về kỹ thuật và pháp luật. “Tủ sách pháp luật trên đảo là bạn tri kỷ của chúng em”, Đoàn Hoàng Bách thổ lộ.

Quan sát cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đọc sách, Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội, cho biết: "Người Trường Sa rất yêu sách. Tôi có hỏi một số cán bộ, chiến sĩ về nội dung sách pháp luật đã đọc, mọi người đều trả lời khá chính xác. Điều đó chứng tỏ rằng kiến thức từ sách đã “ngấm” vào người đọc”.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top