Hiệu ứng tích cực từ festival

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Nghề làm muối ở Bạc Liêu có bề dày lịch sử hàng trăm năm, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020. Tại cuộc họp báo thông tin về Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024 tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo địa phương cho biết hạt muối Bạc Liêu sẽ được tôn vinh, nâng tầm qua sự kiện này.
Nâng giá trị muối Bạc Liêu
Với diện tích đồng muối gần 1.500 ha, Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương sản xuất muối lớn nhất nước. Trong đó, huyện Đông Hải được xem là "thủ phủ" sản xuất muối của Bạc Liêu với diện tích 1.306 ha, năng suất khoảng 34.110 tấn/ năm.
"Thương lái thu mua muối đen với giá khoảng 900 đồng/kg, còn muối trắng trải bạc thì dao động 1.000 - 1.200 đồng/kg. Những hộ dân có điều kiện thì trữ muối lại, chờ giá cao mới bán; còn hộ có hoàn cảnh khó khăn thì bán ngay sau khi thu hoạch để trang trải cuộc sống" - ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, trăn trở.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề làm muối và nâng cao thu nhập của diêm dân, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu vào tháng 12-2024. Trong khuôn khổ sự kiện này còn có hội thảo bàn giải pháp phát triển bền vững nghề muối.
Hiệu ứng tích cực từ festival- Ảnh 1.

Khi giá trị hạt muối Bạc Liêu được nâng tầm sẽ giúp nâng cao thu nhập cho diêm dân. Ảnh: VÂN DU
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng muối Bạc Liêu được sản xuất trên vùng đất phù sa nên có vị mặn nhưng không đắng chát. Các sản phẩm làm từ muối Bạc Liêu không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang nhiều nước.
Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng một số festival, lễ hội về nông sản, thủy sản còn phô trương, hình thức, thiếu thực chất; chương trình còn đơn điệu, nhàm chán, trùng lắp…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, diêm dân làm ra được hạt muối phải dãi dầu nắng gió nhưng giá bán chỉ từ vài trăm đồng đến hơn 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, doanh nghiệp Singapore áp dụng công nghệ vào sản xuất "muối làm đẹp" thì 100 g đã có giá bán tới 1,8 triệu đồng.
Muốn nghề muối phát triển, bên cạnh những chính sách hỗ trợ thì cần đa dạng sản phẩm để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. "Qua công tác truyền thông, sau sự kiện Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024, tôi hy vọng địa phương sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào nghề sản xuất muối, chế biến chuyên sâu. Khi giá trị hạt muối Bạc Liêu nâng tầm thì giá bán sẽ cao hơn, giúp gia tăng lợi nhuận cho diêm dân" - ông Thiều bày tỏ.
Hợp tác phát triển, tăng sức cạnh tranh
Trước đó, nhiều festival được tổ chức ở ĐBSCL đã kịp thời tháo gỡ "điểm nghẽn" cho các ngành hàng chủ lực, mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy du lịch.
Trong đó, điển hình là Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết sự kiện này đã mang lại nhiều cảm xúc cho bạn bè trong nước và quốc tế về vùng đất, con người ở khu vực cực Nam của Tổ quốc; tạo cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu, hợp tác để phát triển những lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Không ít khó khăn, vướng mắc của tỉnh và doanh nghiệp cũng đã được cấp thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ kịp thời thông qua các hội thảo.
"Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 đã góp phần tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa những tỉnh, thành trong vùng và các nền kinh tế trọng điểm của cả nước. Sự kiện chỉ diễn ra vài ngày nhưng Cà Mau đã thu hút được hơn 40.000 lượt du khách, mang về nguồn thu lớn cho hoạt động du lịch" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, các hoạt động tại Festival quốc tế Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 đã thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực NN-PTNT. Sự kiện này góp phần giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý, tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
"Triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" với chủ đề "Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt" trong khuôn khổ festival này không chỉ nhằm truyền thông, quảng bá mà còn mang đến cho du khách nhiều khám phá thú vị, ấn tượng" - ông Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh.
Tại Vĩnh Long, vào tháng 9-2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long. Đến nay, sự kiện này vẫn còn được nhắc tới bởi quy mô và cách tổ chức khá bài bản. Theo ban tổ chức, sau 7 ngày diễn ra, lễ hội này đã thu hút gần 100.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận: "Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ tích cực cho Vĩnh Long và các địa phương trên cả nước giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị nghề truyền thống, nhất là những thành tựu phát triển nông thôn mới. Festival diễn ra với một chuỗi chương trình, hoạt động, bổ trợ lẫn nhau trong một chương trình tổng thể gắn với các hoạt động văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa".
Nâng cao nhận diện thương hiệu
Bà Phạm Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất mứt vỏ bưởi sấy Vân Phượng (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cho rằng việc trưng bày sản phẩm tại Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long đã mang lại hiệu quả đáng kể cho cơ sở. Nhiều khách hàng mới đã biết đến và quan tâm mứt vỏ bưởi sấy Vân Phượng. Sau đó, số lượng đơn đặt hàng của Vân Phượng tăng đáng kể. Điều này không chỉ giúp cơ sở tăng doanh thu mà còn nâng cao việc nhận diện thương hiệu của sản phẩm.
"Tôi đánh giá cao vai trò của lễ hội trong việc kết nối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với người tiêu dùng, đồng thời tạo cơ hội quảng bá sản phẩm địa phương ra thị trường rộng lớn hơn" - bà Phượng bày tỏ.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top