Kết nối văn hóa đọc: Kể chuyện lịch sử khu tập thể

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
"Những mảnh ghép đô thị: Ngày xưa, KTT..." là công trình nghiên cứu tâm huyết của tác giả Trần Minh Tùng về mô hình KTT. Cuốn sách được in màu toàn bộ và đích thân tác giả Trần Minh Tùng minh họa bìa. Với 434 trang sách cùng hàng trăm hình ảnh minh họa phong phú, tác giả đã đưa người đọc đến với hành trình khám phá lịch sử hình thành và phát triển của KTT, từ bản chất cho đến quá trình xây dựng, quy hoạch và đời sống cộng đồng.
Nội dung cuốn sách được chuyển tải trong 9 chương theo thứ tự diễn tiến vòng đời của các KTT từ quá khứ đến hiện đại và tương lai, được chia làm 3 phần: Phần 1 "Nền tảng và khởi sinh" tìm hiểu về nguồn gốc, sự xuất hiện các KTT trong các đô thị (miền Bắc) Việt Nam; Phần 2 "Vận động và tiến triển" phân tích về quá trình hình thành và phát triển của các KTT dưới cả góc độ vật chất lẫn cộng đồng dân cư; Phần 3 "Thoái trào và tái sinh" đặt ra câu hỏi về sự biến đổi theo thời gian cùng sự chuyển giao vai trò trong tiến trình phát triển không gian các đô thị.

 
Từng trang sách như thước phim quay chậm, tái hiện khung cảnh những dãy nhà san sát nhau, những con đường nhỏ hẹp rợp bóng cây xanh, những sân chơi chật ních tiếng cười trẻ thơ. KTT hiện lên như một bức tranh sinh động về đời sống cộng đồng gắn kết, nơi tình làng nghĩa xóm được vun đắp qua những bữa cơm chan canh múc chung, những gánh hàng rong len lỏi qua từng hè phố và những tiếng rao vang vọng trong đêm khuya.

Tác giả không chỉ đơn thuần kể về lịch sử hình thành và phát triển của KTT mà còn lồng ghép vào đó những câu chuyện đời thường, những ký ức gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Bằng việc sử dụng những ví dụ minh họa sinh động về quy hoạch đô thị, cụ thể là nhà ở tập thể cho nhân dân từ các nước lớn như Liên Xô trước đây, Trung Quốc, tác giả Trần Minh Tùng đã làm sáng tỏ bản chất, cội nguồn của KTT. Việc so sánh mô hình KTT ở Việt Nam với các nước khác giúp người đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, vai trò và giá trị của KTT trong bối cảnh lịch sử và văn hóa riêng.

Tác giả đã phân tích sự tương đồng trong bố trí các khu nhà, tiện ích chung, mảng xanh... giữa KTT Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc; đồng thời nêu bật những điểm khác biệt do điều kiện địa lý, văn hóa và nhu cầu sử dụng khác nhau. Nhờ đó, người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về mô hình KTT, hiểu rõ hơn về sự du nhập và biến đổi của KTT Việt Nam trong quá trình phát triển.

Đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết vấn nạn về nhà ở cho người dân Việt Nam thời kỳ bao cấp, nhưng khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, KTT đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt tiện nghi sinh hoạt hiện đại, mật độ dân cư cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Dù vậy, KTT vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt khi không ngừng thích nghi với hoàn cảnh mới.

“Những mảnh ghép đô thị: Ngày xưa, KTT...” không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học giá trị mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc. Qua ngòi bút tài hoa của tác giả Trần Minh Tùng, những dãy nhà san sát nhau, những con đường nhỏ hẹp không chỉ là những mảng tường gạch, khối bê tông vô tri mà trở thành những nhân vật có tâm hồn, có câu chuyện.

THANH XUÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top