Thời sự Không để lỡ cơ hội phát triển xe điện: Cần cú hích về chính sách

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Nhiều tiềm năng phát triển xe điện tại Việt Nam?
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), cứ 5 ô tô bán ra tại châu Âu hiện nay thì có 1 chiếc là xe thuần điện. Số lượng xe điện đến tay khách hàng trong những tháng gần đây đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 21% tổng doanh số ô tô bán ra. Xét ở bình diện châu lục, châu Âu đang là khu vực có tốc độ điện hóa các phương tiện giao thông nhanh nhất trên thế giới, do các quốc gia có chính sách đẩy nhanh phát triển xe sử dụng năng lượng sạch, tác động đến các hãng sản xuất xe trong khu vực.
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… đều xây dựng nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô điện, dành cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và cả người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, Chính phủ cũng có những chính sách ưu tiên dành riêng cho xe điện như miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025), giảm thuế tiêu thụ đặc biệt,... Ngoài ra, Chính phủ đã có chủ trương, giao các bộ, ngành tiếp tục đề xuất cơ chế, giải pháp hỗ trợ phát triển xe điện.
Các chuyên gia về ô tô đánh giá, nếu Việt Nam có chính sách ưu đãi kịp thời và đồng bộ, thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện, pin xe điện tại Việt Nam, việc xuất khẩu xe ô-tô điện sang các nước trong khu vực và trên thế giới là rất khả thi vì pin xe điện chiếm khoảng 33-35% giá trị của xe. Ngoài ra, còn có thêm các giá trị về sản xuất (hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra xuất xưởng...) chiếm gần 8% trong tỷ trọng khối sản xuất, lắp ráp xe. Tổng cộng hai tiêu chí này, cùng những chính sách đủ mạnh để thu hút nhà sản xuất xe điện và pin xe điện của các tập đoàn sản xuất xe điện lớn trên thế giới đã đầu tư tại Việt Nam thì việc xuất khẩu xe điện trong 3-5 năm tới rất khả thi.
Là doanh nghiệp tiên phong và tích cực nhất trong việc tung ra thị trường các dòng xe hybrid, ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm, Truyền thông và thương hiệu (Toyota Việt Nam) cho biết, hiện nay, Toyota Việt Nam là nhà sản xuất tiên phong giới thiệu xe hybrid trong phân khúc xe phổ thông, mở đầu là xe Toyota Corolla Cross giới thiệu vào năm 2020, riêng trong năm 2023 giới thiệu 3 mẫu xe mới có phiên bản hybrid. Đến nay có tổng 6 mẫu xe hybrid tại thị trường Việt Nam trải dài trong nhiều phân khúc, từ phân khúc phổ thông nhất là Yaris Cross cho đến phân khúc xe sang là mẫu xe Toyota Alphard.
Trong năm 2023, doanh số xe hybrid đạt được trên 2.600 xe và tổng số xe hybrid Toyota bán ra tại Việt Nam đến nay là 8.600 xe.
"Hiện số xe bán ra của Toyota tại Việt Nam chưa thực sự là bùng nổ so với các nước khác trên thế giới, nhưng có xu hướng tăng rõ rệt tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng mẫu xe hybrid sẽ ngày càng phổ biến trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận", đại diện Toyota Việt Nam bày tỏ.
Phát triển các dòng xe điện hóa phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), phát triển xe điện và xe thân thiện môi trường là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi xây dựng chiến lược phát triển ngành ô tô giai đoạn 2030-2045.
Chia sẻ về nội dung này, ông Phan Lê Hoàng Linh - Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp cho biết, các cấp độ điện hóa của ô tô sẽ được phân loại theo mức độ phát thải khí CO2 ra môi trường và vai trò của động cơ điện.
Theo cách phân chia này, xe điện hóa (EV) gồm bốn dòng chính: Xe hybrid điện (HEV), Xe hybrid điện sạc ngoài (PHEV), Xe điện chạy pin (BEV) và Xe sử dụng pin nhiên liệu (FCEV). Trong đó, Hybrid là cấp độ cơ bản nhất của xe xanh là loại xe sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống kết hợp với mô tơ điện.
Xe PHEV có cấu tạo giống xe HEV (sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống kết hợp với mô tơ điện), tuy nhiên, pin trên xe PHEV có dung lượng lớn hơn, động cơ điện có công suất cao hơn và có thêm cơ chế sạc điện từ bên ngoài thông qua một cổng sạc. Do đó, xe PHEV có thể đi được quãng đường dài hơn so với dòng xe HEV.
Xe sử dụng pin nhiên liệu (FCEV) là loại xe điện chạy hoàn toàn bằng điện năng được cung cấp từ một phản ứng hóa học của khí hydro ngay trên xe.
Tại mỗi thị trường, chiến lược điện hóa ngành công nghiệp ô tô có sự khác nhau, tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng ít nhất trong khoảng hơn 10 năm nữa (đến năm 2035 và có thể là xa hơn), hầu hết các thị trường lớn trên thế giới vẫn có kế hoạch phát triển các dòng xe HEV và PHEV, bởi phát triển các dòng xe hybrid là phương án hỗ trợ hữu hiệu cho quá trình chuyển đổi điện hóa và để bảo đảm tính tiện dụng cho người tiêu dùng trong quá trình điện hóa ngành công nghiệp ô tô.
Từ đó, ông Linh nhìn nhận, việc chuyển đổi điện hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần chú trọng lộ trình phát triển các dòng xe điện hóa cần phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, trong đó, tất cả loại xe thân thiện môi trường đều cần có lộ trình phù hợp.
"Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các đề xuất từ chuyên gia và doanh nghiệp với số liệu, nghiên cứu cụ thể để khi trình lên các cấp cao hơn sẽ có những chính sách thiết thực hơn với xe điện hóa, tiến tới phổ biến xe điện các loại tại Việt Nam", ông Linh nêu rõ, đồng thời cho biết, cần thêm những công trình nghiên cứu khoa học với kết quả cụ thể cho phép căn cứ vào đó thiết kế chính sách cho phù hợp nhất.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã có Báo cáo trình Chính phủ về lộ trình và chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam, tại đó đã phân tích chi tiết, cụ thể thực trạng phát triển của ô tô điện, các khó khăn, vướng mắc, thách thức và đề xuất các chính sách, giải pháp trọng điểm để thúc đẩy sản xuất xe điện tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để không bị lỡ thời cơ, bị “bỏ lại phía sau” trong ngành công nghiệp ô tô điện với nhiều “cơ hội vàng”, các bộ, ngành chức năng, cơ quan quản lý tại Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi như bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện chạy pin, sản xuất lắp ráp pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Bên cạnh đó, sớm đánh giá lại việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó ban hành nghị quyết, chính sách cụ thể rõ ràng để các bộ, ngành, đơn vị có cơ sở thực hiện.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top