Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Những bức thư đặc biệt từ chiến trường K

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Mới đây, tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam) đã trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh". Trong hàng ngàn kỷ vật trưng bày có nhiều bức thư của những người lính là con của các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), với những bức đong đầy cảm xúc, hoặc viết trong hoàn cảnh đặc biệt.

Chấp nhận kỷ luật để viết thư báo đồng đội hy sinh​

Đó là bức thư của anh Hoàng Thanh Đề, đồng đội chung tiểu đội với liệt sĩ (LS) Nguyễn Văn Thịnh là con trai Mẹ VNAH Hồ Thị Cọt (ngụ xã Xuân Lâm, H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), viết gửi gia đình mẹ Cọt báo tin anh Thịnh hy sinh. Ngày 1.8.1978, người đồng đội của anh Đề hy sinh trong trận truy kích quân Pol Pot ở biên giới Tây Nam. Quy định của quân đội lúc bấy giờ không cho phép, nhưng trước sự ra đi vĩnh viễn của người đồng đội hằng ngày sát cánh chiến đấu, anh Hoàng Thanh Đề đã chấp nhận bị kỷ luật để viết thư gửi về cho gia đình mẹ Cọt. Sau này, gia đình mẹ Cọt có tìm về gia đình của anh Hoàng Thanh Đề ở H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng anh Đề cũng đã hy sinh tại biên giới Tây Nam. Năm 2019, ông Nguyễn Văn Phùng, con trai của Mẹ VNAH Hồ Thị Cọt, đã tặng lại bức thư cho Ban Quản lý Tượng đài Mẹ VNAH để trưng bày giới thiệu đến khách tham quan.
Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Những bức thư đặc biệt từ chiến trường K- Ảnh 1.

Trang thư của LS Hoàng Thanh Đề
BQL Tượng đài Mẹ VNAH cung cấp
Bức thư có đoạn: "Theo luật quân đội thì con không được viết nhưng tình anh em đã chung sống 5 năm trời vui buồn có nhau. Em mất đi thì con cũng như gia đình rất đau khổ, bởi thế không thể giấu gia đình được, trước sau thì gia đình cũng biết, làm thế nào gia đình lo 100 ngày cho em nên phải viết cho gia đình rõ, và gia đình có điều kiện vào thăm mộ em. Con chẳng biết gì hơn chỉ chúc gia đình khỏe, vơi bớt nỗi buồn để dữ [giữ] lấy sức khỏe, lo cuộc sống cho các em của Thịnh được chu toàn".
Trong thư, anh Thịnh còn căn dặn chu đáo: "Cường ơi, anh rất đau lòng nhưng em thông cảm cho anh vì lúc này anh không thể viết gì hơn, nếu em bóc thư xem nếu thấy hoàn cảnh của ông bà không chịu nổi thì giấu đừng cho ông bà và gia đình biết, chắc sau này đơn vị báo tử sẽ báo ngày 30.7 vì hôm nay anh đến gặp em thấy họ ghi ngày 30 nhưng đúng ngày 1/8=28-6 em nhớ mà làm dỗ [giỗ]. Còn sơ đồ như sau để lúc nào em có điều kiện đi thăm mộ, tính từ thị xã Tây Ninh, từ Sài Gòn đi Tây Ninh em biết rồi chứ, lên Tây Ninh em hỏi đường đi vào sõi (đường 13) khi ra khỏi thị xã gặp ngã tư trước mặt là ngã ba huyện Châu Thành, bên trái là đi lên sõi[?]. Còn rẽ phải 1.000 m là vào nghĩa địa. Hàng thứ nhất số mộ 18 là đúng".

Lá thư của cậu học trò cầm súng​

"Cô ơi! Tiếng ve sầu hàng phượng vĩ hay mùa thi lục cá nguyệt [học kỳ] quen quen của mái trường thời áo trắng có chờ đón cháu nữa không? Có phải tất cả những hình ảnh đó nay đã chôn lịm tuổi xanh hết rồi cô biết không. Hiện giờ cháu đang buồn và nhớ đến hình ảnh đó vô cùng". Đó là một đoạn trong phần đầu tiên bức thư được viết bởi anh Nguyễn Thanh Xuân, con trai Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thừa (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), gửi về cho cô ruột của mình.
Kỷ vật - Ký ức chiến tranh: Những bức thư đặc biệt từ chiến trường K- Ảnh 2.

Thư của LS Thanh Xuân
Bích Hạnh
Đang học dở dang lớp 12, cậu học trò Nguyễn Thanh Xuân tình nguyện tòng quân để được cầm súng. Sau đó anh được điều sang chiến trường Campuchia. Thời gian ở quân ngũ, hình ảnh áo trắng, sân trường luôn hiện về trong tâm trí của anh Xuân. Lá thư là nỗi nhớ nhà da diết, nhớ bạn bè, thầy cô của người lính trẻ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại chiến trường K.
Lá thư của chàng học trò khoác áo lính này được một người bạn đem về trao lại cho người cô ruột ở Đắk Lắk. Theo gia đình kể lại, cầm lá thư trên tay, người cô có cảm giác bất an về đứa cháu thân yêu của mình và bà đã nghĩ rằng: "Phải chăng đây là lá thư đầu tiên cũng như cuối cùng của cháu". Đến năm 1979, người cô của LS Nguyễn Thanh Xuân về thăm quê mới đem lá thư này theo, đúng lúc gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thừa cũng nhận được tin anh Xuân đã hy sinh. (còn tiếp)
Những lá thư nhuốm màu thời gian, ố vàng với nét chữ đơn giản lại ẩn chứa một câu chuyện về hồi ức đầy xúc cảm, chất chứa hạnh phúc, yêu thương và cả nỗi đau sinh tử. Khát khao cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc đều có sức thu hút mọi thế hệ, bởi những gì họ viết ra đều chân thật, sống động như thời họ còn sống.
Hoàng Thị Bích Hạnh,
Giám đốc Ban Quản lý Di tích danh thắng Quảng Nam


 

Chủ đề tương tự

Back
Top