Làm phim về Bộ đội Cụ Hồ là sự thôi thúc từ trái tim nghệ sĩ

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Phóng viên (PV): Bà có thể tiết lộ với khán giả về tên của bộ phim cũng như bối cảnh của dự án phim Bộ đội Cụ Hồ năm 2024?
Biên kịch Khánh Hà: Với kinh nghiệm làm phim lâu năm về đề tài chính luận, nhất là sau thành công của bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến” phát sóng năm 2023, được đông đảo khán giả hưởng ứng, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Danh Dũng tiếp tục được tín nhiệm đạo diễn bộ phim mới của dự án phim Bộ đội Cụ Hồ năm 2024. Tôi rất may mắn được các lãnh đạo của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và VFC tin tưởng giao viết kịch bản, biên kịch bộ phim lần này. Chúng tôi tạm đặt tên phim là “Không thời gian”, dự kiến dài 60 tập (25 phút/tập).

Bộ phim về Bộ đội Cụ Hồ năm 2024 sẽ tái hiện một phần cuộc chiến đấu của các thế hệ cha anh trong chiến tranh (giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đầy hy sinh, mất mát; đồng thời khắc họa những khó khăn, gian khổ, những cống hiến thầm lặng của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Hai câu chuyện quá khứ và hiện tại được kể đan xen, khắc họa rõ nét chân dung Bộ đội Cụ Hồ ở mỗi thời kỳ tạo nên sự soi chiếu, cho thấy sự tiếp nối truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng-đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Bộ phim cũng là lời hồi đáp của nhân dân với Quân đội, với những người lính sẵn sàng hy sinh cuộc đời để giữ bình yên cho Tổ quốc; hàng triệu trái tim của Tổ quốc cũng luôn hướng về các anh-những người lính Cụ Hồ dù trong thời chiến hay thời bình.

PV: Đảm nhận biên kịch bộ phim với bối cảnh rộng, dài về thời gian, không gian như vậy có khiến bà gặp nhiều khó khăn?

Biên kịch Khánh Hà: Quả thực khi bắt đầu đi thực tế và viết kịch bản, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn xen lẫn lo lắng. Bố tôi cũng là một người lính trở về sau chiến tranh, tôi thường được ông kể lại, tôi cũng đọc nhiều sách, tài liệu về chiến tranh. Nhưng việc nghe và đọc với câu chuyện mình tái hiện và đưa lên phim khác xa nhau. Bất cứ chi tiết nào cũng không nằm trong sự hình dung của mình. Ngay cả đời sống của người lính thời bình thì nhịp sống, giờ giấc luyện tập, ăn nghỉ cũng rất khác với đời sống của người dân. Trong khi bối cảnh phim lại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, do đó chúng tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều, phải nghiên cứu từ phục trang, đạo cụ... Rất may mắn có sự tổng lực của hội đồng cố vấn các bên, nhất là các lực lượng, cơ quan, đơn vị Quân đội luôn sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ để chúng tôi có điều kiện tốt nhất trong khai thác, sáng tác và sản xuất.

 
Chúng tôi xây dựng kịch bản phim dự kiến 60 tập, khoảng 10 tập đầu kể câu chuyện quá khứ, còn phần lớn phim (khoảng 50 tập) xây dựng hình ảnh người lính thời bình. Chúng tôi đã được các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để đi thực tế ở khá nhiều đơn vị. Khi bắt tay thực hiện dự án phim mới thấy dường như tình yêu với người lính đã nằm trong máu huyết của tất cả mọi người, chỉ cần chạm vào thôi là tuôn trào. Với niềm cảm xúc đó, chúng tôi muốn tạo ra hình hài một tác phẩm nghệ thuật tôn vinh chân dung người lính ngày hôm nay, và thông qua đó nhìn thấy hình bóng cha ông trong quá khứ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trước đây từng có những bộ phim về người lính khá thành công và để lại dấu ấn trong lòng công chúng, vậy ê kíp làm phim có bị áp lực?

Biên kịch Khánh Hà: Đúng là có khá nhiều bộ phim nổi tiếng về người lính. Đặc biệt là những người viết kịch bản, thành phần sáng tạo phim cũng chính là những người lính. Dĩ nhiên, người lính khi viết kịch bản về mình thì họ hiểu rất rõ mình và đồng đội, câu chuyện quanh họ. Nhưng với dự án phim này thì chúng tôi-người dân viết về người lính có một tâm thế khác, đó là tình yêu hồi đáp từ nhân dân đối với người lính. Chúng tôi được tạo điều kiện thuận lợi, được bù đắp kiến thức về người lính bằng việc đi thực tế, được trải nghiệm, tương tác với đời sống của người lính. Vì thế, cùng với sự trợ giúp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, chúng tôi tự tin sẽ kể với khán giả một câu chuyện hấp dẫn về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ của ngày hôm nay, dĩ nhiên sẽ có áp lực nhưng rất đỗi tự hào.

PV: Từ bộ phim, đoàn làm phim sẽ truyền đi thông điệp gì, thưa bà?

Biên kịch Khánh Hà: Qua câu chuyện phim, chúng tôi mong muốn xây dựng, ngợi ca hình ảnh người chiến sĩ, người lính Cụ Hồ và phẩm chất của họ trong thời chiến lẫn thời bình vẫn luôn sẵn sàng hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; bên cạnh đó còn là sự nhường nhịn, giúp đỡ đồng đội, nhân dân. Người lính cho đi, người lính luôn vì mọi người, ngược lại họ hạnh phúc khi được nhân dân trân trọng, sống trong lòng nhân dân.

Chúng tôi nghĩ rằng, làm phim về người lính như một nhiệm vụ, đó là một sự thôi thúc của con tim và cũng là niềm tự hào chung của đội ngũ khi được phục vụ trong dự án này.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HÀ NGUYÊN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top