Đời sống Lắp thiết bị gì để phát hiện cháy trong nhà?

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Sau nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề, tôi muốn lắp đặt hệ thống báo cháy trong gia đình. Nên lắp đặt thiết bị nào và cần chú ý những gì để tránh hỏa hoạn?
Xuân Quang
Kiến trúc sư Vũ Hồng Hiếu, công ty Fujita Việt Nam cho hay, sau những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, các gia đình nên trang bị một số thiết bị phòng cháy để sớm khắc phục sự cố.
Đối với phòng cháy, hiện nay có hai dòng thiết bị được ứng dụng phổ biến là: Hệ thống báo cháy có dây (hệ thống chữa cháy thông thường) và hệ thống báo cháy không dây.
Hệ thống báo cháy có dây: Gồm tủ trung tâm; thiết bị cảm biến báo cháy khói nhiệt, nút ấn bằng tay; thiết bị cảnh báo như chuông, còi đèn...
Hệ thống này hoạt động nhờ dây nối các đầu nhận tín hiệu về hệ thống tủ trung tâm. Ưu điểm là giá thành rẻ, vận hành ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm là số lượng dây lắp đặt lớn, phức tạp, khó xác định chính xác vị trí cháy để có phương án chữa cháy hiệu quả. Hơn nữa, độ nhạy của các loại đầu dò khói được mặc định, không thể điều chỉnh nên có thể xảy ra sự cố báo cháy giả ở một số môi trường đặc biệt. Khả năng liên kết với các hệ thống khác của công trình khá hạn chế.
Để khắc phục nhược điểm trên, có thể dùng hệ thống báo cháy địa chỉ - thông báo địa chỉ của từng đầu báo cháy, xác định chính xác được khu vực nào xảy ra cháy. Hệ thống này hoạt động linh hoạt hơn, cần ít cáp lắp đặt hơn hệ thống báo cháy loại thường.
Tuy nhiên, hệ thống báo cháy có dây chỉ thích hợp lắp đặt cho ngôi nhà ngay từ khi đang xây dựng.
Một căn nhà bị cháy tại đường Mai Xuân Thưởng, phường 4, quận 6, TP HCM ngày 2/3/2024. Ảnh: Đình Văn
Hệ thống báo cháy không dây
: Gồm thiết bị cảm biến khói nhiệt, bộ xử lý trung tâm, thiết bị cảnh báo sẽ liên kết với nhau bởi tín hiệu không dây.
Hiện trên thị trường có hai loại thiết bị báo cháy không dây phổ biến là sử dụng kết nối wifi và sử dụng mạng viễn thông.
Theo đó, tại nhà thông minh (smart home) thường sử dụng thiết bị báo cháy tự động thông qua kết nối với wifi. Các thiết bị đầu nhận tín hiệu được duy trì hoạt động bằng pin, kết nối với điện thoại, giúp người dùng nhận biết được pin còn hay hết để sạc hoặc thay thế. Khi phát hiện có khói, nhiệt độ tăng, các đầu nhận tín hiệu sẽ báo về tủ trung tâm qua hệ thống wifi và hệ thống báo cháy gồm đèn, chuông sẽ được kích hoạt.
Vì không dây nên hệ thống báo cháy này dễ dàng lắp đặt cho những ngôi nhà đã hoàn thiện và đang ở. Tuy nhiên, hệ thống cũng có những hạn chế như giá thành thiết bị cao hơn hệ thống có dây, tốn chi phí duy trì (thay pin), phải thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như phải có hệ thống wifi ổn định.
Hiện có nhà cung cấp hệ thống báo cháy không dây dùng mạng viễn thông có chức năng báo động tại chỗ, gửi cảnh báo đến trung tâm quản lý thông qua đường truyền GPRS/SMS, đồng thời gọi điện thoại, gửi tin nhắn cảnh báo đến số điện thoại của chủ tòa nhà, các đơn vị phòng cháy chữa cháy...
Ông Phương Thuấn, người có hơn 10 năm kinh nghiệm về lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhận định việc đầu tư những thiết bị phòng cháy tại nhà riêng hiện chưa được nhiều người quan tâm do tính chủ quan. Nhiều người cũng e ngại chi tiền cho các thiết bị chữa cháy nhưng không chắc đã sử dụng. Và cuối cùng là chưa có quy định rõ ràng trong luật về trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy bắt buộc trong các hộ gia đình đơn lẻ.
"Điều này khiến những đơn vị cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy khó tiếp cận đến nhóm khách lẻ, dù giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng", ông Thuấn nói.
Theo ông Thuấn, hiện phần lớn các vụ hỏa hoạn là do sự cố về điện hoặc sự bất cẩn của con người. Vì vậy cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.
- Không sử dụng nhiều thiết bị điện tại một vị trí ổ cắm.
- Nắm bắt và theo dõi thường xuyên dây dẫn điện, ổ cắm, công tắc, aptomat đang hoạt động.
- Hạn chế và theo dõi thường xuyên các vị trí trong nhà có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (khu vực bếp, gian thờ, khu vực hút thuốc....).
- Trước khi ra khỏi nhà tắt hết nguồn điện không cần thiết.
- Theo dõi và dập tắt hoàn toàn các nguồn lửa, nguồn nhiệt (đốt hương, đốt thuốc lá, bếp nấu ăn...) trước khi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, để đảm bảo khả năng thoát nạn khi tình huống hỏa hoạn xảy ra, cần chú ý các việc sau:
- Các lối thoát nạn, cửa ra vào, lối đi lên mái, cửa tầng mái, cầu thang phải thông thoáng, không để hàng hóa hay vật dụng làm hạn chế lối đi.
- Không nên làm hàng rào, chuồng cọp tại ban công các tầng hoặc tầng mái. Nếu làm phải thiết kế có cửa mở không nên hàn kín, để có thể sử dụng khi cần thiết.
Hiền Trịnh - Quỳnh Nguyễn

 

Chủ đề tương tự

Back
Top