Liệt sĩ DK1 - thanh xuân ở lại trùng khơi

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Trần Tuấn - Trung Du - Anh Tú - Thứ bảy, 27/07/2024 06:30 (GMT+7)

35 năm lịch sử nhà giàn DK1, bốn mùa bão đã đi qua khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Có người khi mất chưa vợ, chưa người yêu, với lá thư kết bạn nằm dưới đáy balo.
Liệt sĩ DK1 - thanh xuân ở lại trùng khơi

Nhà giàn DK1 sừng sững trên biển. Ảnh: Trần Tuấn
Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1).
Với mệnh lệnh “bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, những người lính hải quân lữ đoàn 171 đã khẩn cấp lên tàu ra khơi, trấn giữ vùng biển chủ quyền của đất nước.
Theo tài liệu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, qua 35 năm, kể từ khi xây dựng các nhà giàn DK1, bốn mùa bão đã đi qua vào các năm 1990, 1996, 1998 và 2000 khiến nhiều chiến sĩ DK1 hy sinh. Nhiều người khi mất chưa vợ, chưa người yêu, với những lá thư kết bạn còn nằm dưới đáy balo.
Ký ức người trở về
Những ngày đầu tháng 7, trong dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Tiểu đoàn DK1 (thuộc Lữ đoàn 171, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), ngồi trong căn phòng nhỏ ở quận Tân Bình (TPHCM), trung tá Nguyễn Hữu Tôn cứ một lúc lại ngước lên nhìn bức ảnh chụp nhà giàn DK1 giữa mênh mông sóng nước.
Trung tá Tôn là một trong 6 người còn sống sót trở về khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập vào tháng 12.1998. Ba đồng đội của ông đã mãi nằm lại giữa biển khơi.
26 năm đã trôi qua, nhưng ký ức chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người lính biển...
Ngày 12.12.1998, cơn bão Faith quét qua vùng biển DK1. Tất cả các con tàu đã đi tránh bão, chỉ còn lại những nhà giàn cô đơn trên biển.
Cuốn sách "Truyền thống Nhà giàn Phúc Nguyên (1990 - 2007)" của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, xuất bản năm 2007, có miêu tả lại khoảnh khắc nhà giàn trong trận bão năm ấy như sau:
"Trong một thời gian dài, liên tiếp gồng mình chống chọi với những trận cuồng phòng; những con sóng lớn, đỉnh sóng cao 15 - 16m đánh mạnh vào chân đế, chùm kín qua cả sàn công tác của Nhà giàn, cùng với sức gió mạnh làm cho nhà giàn bị rung chấn dữ dội và nghiêng, lắc mạnh".
26 năm trôi qua nhưng ký ức chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người lính biển Nguyễn Hữu Tôn. Ảnh: Anh Tú

26 năm trôi qua nhưng ký ức chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người lính biển Nguyễn Hữu Tôn. Ảnh: Anh Tú
Khoảng 23h, một cơn sóng cực lớn đánh trùm lên nhà giàn làm nó nghiêng hẳn một bên, những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, tủ lương thực đổ sập, nhiều đồ đạc như bàn ghế, tủ, tivi... đổ ngổn ngang, xô đi xô lại.
Sau khi ra lệnh cho chiến sĩ báo vụ Hoàng Xuân Thủy báo cáo tình hình về đất liền, chỉ huy nhà giàn là đại úy Vũ Quang Chương, 30 tuổi, người Thái Bình, họp anh em rồi cương quyết: "Chúng ta giữ trạm đến cùng, trường hợp nguy cấp, có lệnh của tôi mới được rời vị trí".
Đến giữa đêm, nguồn điện của máy liên lạc về Sở chỉ huy bị hỏng, Hoàng Văn Thủy đã cố gắng nối lại để thông tin với Sở chỉ huy ở đất liền, báo tin nhà giàn không thể trụ được qua đêm nay. Từ Sở chỉ huy, chị Vân - người trực thông tin liên tục động viên: "Nếu trường hợp xấu nhất nhà đổ thì đã có tàu của ta sẵn sàng vớt, các đồng chí yên tâm".
Sóng mỗi lúc một to, tất cả chín anh em nhà giàn đã mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển vẫn tìm thấy nhau.
"Lúc đó, mọi người hiểu là có thể phải hi sinh, nhưng rất bình tĩnh, đôi khi còn nở những nụ cười lạc quan và trêu nhau chuyện này chuyện nọ", thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn nhớ lại.
Khoảng 3h50 sáng 13.12.1998, một cơn sóng kinh hoàng, dựng đứng như vách núi, đập mạnh vào nhà giàn, trùm lên đầu họ. Nhà giàn không trụ được nữa.
Đại úy Chương lệnh cho tốp đầu bám phao cứu sinh nhảy xuống biển trước, gồm: trung úy Nguyễn Văn Hoan, sĩ quan quân y Nguyễn Hữu Tôn, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng...
Riêng Chương, trước khi rời nhà giàn, anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, vì nếu nhà giàn đổ thì anh em không bị nước xoáy hút vào trong, rồi nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, anh cùng chiến sĩ báo vụ Hoàng Xuân Thủy là 2 người cuối cùng lao xuống biển.
9 chiến sĩ nhà giàn vật lộn với sóng dữ. 30 phút sau, Tôn, Hoan, Thủy, Thuật, Dụng và Thơ bám được vào phao bè cứu sinh. Họ nương tựa vào nhau giữa những con sóng phủ đầu lạnh buốt. Nhưng không ai biết Chương, An và Hồng đang ở đâu...
Phóng viên Lao Động trong đoàn công tác đến thăm các nhà giàn DK1 vào đầu năm 2024. Ảnh: Trần Tuấn

Phóng viên Lao Động trong đoàn công tác đến thăm các nhà giàn DK1 vào đầu năm 2024. Ảnh: Trần Tuấn
Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức, đến đêm 13.12 đã cứu được 6 chiến sĩ. Ba người đã anh dũng hy sinh, gồm: Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp, nhân viên radar Lê Đức Hồng và Chuẩn úy chuyên nghiệp, nhân viên cơ điện Nguyễn Văn An.
Lúc hy sinh, đại uý Chương vừa tròn 30 tuổi, vẫn còn nợ cha mẹ lời hứa cưới vợ, sinh con. Chiến sĩ radar Nguyễn Văn An mang nỗi niềm chưa gặp con trai vừa chào đời, chưa kịp đặt tên. Còn chiến sĩ cơ điện Lê Đức Hồng, chàng trai 21 tuổi - chưa biết tình yêu là gì.
Nhành san hô trên ban thờ liệt sĩ
Cũng trong những ngày tháng 7, tại ngôi nhà nhỏ ở thôn Tri Chỉ Nam, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), ban thờ của liệt sĩ Vũ Quang Chương - người chỉ huy nhà giàn hy sinh trong trận bão năm 1998, nghi ngút hương khói.
Điều đặc biệt là trên ban thờ đó có một nhành san hô.
Lúc chúng tôi đến, em trai liệt sĩ là ông Vũ Quang Chuyên (SN 1974) đang lặng lẽ bê nhành san hô xuống để lau chùi.
Nhành san hô trên ban thờ liệt sĩ Vũ Quang Chương. Ảnh: Trần Tuấn

Nhành san hô trên ban thờ liệt sĩ Vũ Quang Chương. Ảnh: Trần Tuấn
"Nhà nước và lực lượng Quân đội cũng đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng biển cả mênh mông không thể tìm được xác anh.
Sau đó, bố tôi đề nghị đơn vị lấy giúp nhành san hô ở khu vực nhà giàn bị đổ để đặt lên bàn thờ, coi như đó là tro cốt của anh Chương", ông Vũ Quang Chuyên nói.
Liệt sĩ Vũ Quang Chương là con cả trong gia đình có 4 anh em. Bố của liệt sĩ là ông Vũ Quang Dương, năm nay gần 80 tuổi, trước đây là lính đặc công Lữ đoàn 429 (Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công), từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Ông Vũ Quang Chuyên là em trai thứ ba của liệt sĩ Chương, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Hai em gái liệt sĩ là Phương và Hồng cũng thường xuyên trở bệnh.
Liệt sĩ Vũ Quang Chương trong ký ức em trai là mỗi lần anh về phép vội, có khi về chưa tròn một ngày đã phải lên đường vào đơn vị.
Ông Vũ Quang Chuyên - em trai liệt sĩ Vũ Quang Chương trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Vũ Quang Chuyên - em trai liệt sĩ Vũ Quang Chương trong ngôi nhà được xây một phần từ hỗ trợ của Quân chủng Hải quân và lữ đoàn 171 . Ảnh: Trần Tuấn
"Lần cuối về, anh nói năm sau sẽ xây nhà cho cha mẹ, lo cho các em rồi cưới vợ.
Khi anh mất, hơn một tháng sau, gia đình mới hay tin. Tôi và mẹ không chịu được cú sốc quá lớn phải nhập viện. Mấy năm sau thì mẹ mất. Sức khỏe bố cũng suy giảm nhiều. Giờ bố sống trong Đắc Lắc cùng gia đình cô em gái út", ông Chuyên nói, mắt ngấn lệ.
Ông Chuyên cho hay, điều an ủi với gia đình là luôn nhận được sự động viên cả về tinh thần và vật chất từ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Lữ đoàn 171 và Tiểu đoàn DK1, cùng các đồng đội của liệt sĩ Vũ Quang Chương.
Tối 26.7, chúng tôi liên hệ với ông Chuyên thì được biết, ông Vũ Quang Dương cũng vừa từ Đắc Lắc về Thái Bình được mấy ngày. Cả gia đình đang chuẩn bị cơm cúng liệt sĩ ngày 27.7.
Nhiều chương trình hướng về biển đảo, DK1
Đại tá Trần Chí Tâm - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân - nói, từ công sức, mồ hôi và cả xương máu đổ xuống của các thế hệ đi trước, các nhà giàn DK1 hôm nay đã có những đổi thay rõ nét.
Nhiều chương trình hướng về biển đảo được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp, tạo niềm tin cho cán bộ chiến sĩ vững chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, tháng 1.2024. Ảnh: Trần Tuấn

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, tháng 1.2024. Ảnh: Trần Tuấn
“Mỗi lần đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đi qua các nhà giàn đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Đây là dịp để tri ân công lao của các liệt sĩ; đồng thời giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay noi gương, tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển” - Đại tá Trần Chí Tâm nhấn mạnh.
Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật

 

Chủ đề tương tự

Back
Top