Pháp luật Luật sư: 'Moi tiền' bệnh nhân có thể bị quy tội cưỡng đoạt tài sản

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Mạnh đến phòng khám tư cắt bao quy đầu, tổng chi phí lên tới hơn 20 triệu đồng vì những dịch vụ phát sinh mà bác sĩ đợi Mạnh "lên bàn mổ mới thông báo".
Theo chia sẻ của Mạnh, khi vào tư vấn và khám, bác sĩ khẳng định mọi thứ bình thường, sẵn sàng làm tiểu phẫu, chi phí trọn gói 5,3 triệu đồng không phát sinh thêm.
Nhưng khi Mạnh nằm trên bàn mổ, chuẩn bị tiểu phẫu, bác sĩ nói phát hiện bên trong bộ phận có vài mụn màu trắng, nói không xử lý ảnh hưởng sức khỏe về sau, chi phí 20 triệu đồng, "giảm giá" còn 15 triệu.
"Họ cứ giục em quyết định nhanh vì thuốc tê sắp hết. Em như "cá nằm trên thớt", đành đồng ý", Mạnh chia sẻ.
Sau đó Mạnh bị nhân viên bệnh viện kiểm tra ví và số dư tài khoản ngân hàng khi anh nói không đủ tiền trả. Mạnh bị yêu cầu viết giấy ghi nợ, gọi điện thoại người nhà mang tiền đến.
Anh nhờ tư vấn có nên báo công an về việc này không?
84% ý kiến độc giả VnExpress tham gia thăm dò ủng hộ Mạnh làm đơn tố cáo. "Mình nghĩ đã có nhiều người bị lừa. Nếu bạn im lặng thì sẽ tiếp tục có người khác bị lừa, mong bạn báo công an và bóc phốt phòng khám đó lên mạng xã hội để mọi người biết rộng rãi", bình luận của độc giả thienducvu được hơn 200 lượt ủng hộ.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội), việc đưa "thêm" tình huống, buộc Mạnh chấp nhận "sự đã rồi" mặc dù trước đó bác sĩ xác nhận mọi thứ bình thường là có dấu hiệu của hành vi "bắt chẹt", "nhũng nhiễu" người đến khám, chữa bệnh.
Theo khoản 8 Điều 7 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh thể hiện ở việc đòi người đến khám bệnh, chữa bệnh phải thanh toán đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh "phát sinh" mà chưa được thỏa thuận trước, chưa được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.
Điểm b, khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cho phép phạt 1-3 triệu đồng với hành vi "yêu cầu người bệnh thanh toán đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh chưa được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật".
Với trường hợp của bạn Mạnh, luật sư Bình cho rằng, ngoài hành vi "bắt chẹt", "nhũng nhiễu" người đến khám, chữa bệnh, phòng khám này còn có các động thái tiếp theo nghiêm trọng hơn mang dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản là bắt mở ví và điện thoại ra kiểm tra rồi yêu cầu gọi người nhà mang tiền trả mới cho về...
Bộ luật Hình sự xác định cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc "có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản".
Theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 3-5 triệu đồng và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 với mức phạt tù 1-20 năm; phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần ngăn ngừa những trường hợp tương tự, luật sư Bình khuyến cáo, bạn Mạnh và những nạn nhân tương tự làm đơn gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi phòng khám tư đặt trụ sở tố cáo và đề nghị xử lý hành vi "bắt chẹt", "nhũng nhiễu" người đến khám, chữa bệnh của phòng khám này.
Bạn cũng có thể làm đơn tố giác gửi cơ quan công an địa phương để yêu cầu xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản của phòng khám tư này và buộc họ phải hoàn trả lại số tiền "phát sinh" từ ca phẫu thuật, luật sư nêu.
Hải Thư

 

Chủ đề tương tự

Back
Top