Một ngày ở Khâu Đấng

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Thôn Khâu Đấng ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn gồm 100% đồng bào dân tộc Sán Chỉ, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn gần một trăm cây số. Một ngôi làng yên bình giữa lưng núi với 36 nóc nhà, là nơi cư ngụ của 202 cư dân. Từ trung tâm xã men theo chân núi lên thôn chừng 2km, những ngôi nhà sàn dần xuất hiện thấp thoáng dưới bóng cây, vững chãi và trầm mặc. Mái ngói âm dương ngả màu sẫm nâu, phảng phất những dấu ấn, câu chuyện của thời gian đọng lại.
Một chút hiếu kỳ, thú vị khi chúng tôi bước chân trên những hòn đá to nhẵn thín dẫn vào chân cầu thang nhà Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cầu, hẳn đã có thật nhiều dấu chân để lại nơi này, bằng sự yêu mến và trân trọng. Bấy nhiêu thôi niềm yêu mến đã đủ gọi thành tên.

 
Được biết, câu chuyện thôn Khâu Đấng chuẩn bị xây dựng làng du lịch cộng đồng bắt đầu từ vài năm trước, huyện Pác Nặm dành nguồn lực đầu tư cho thôn về đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội. Người dân nơi đây luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày và các lễ hội truyền thống. Từ khi có chủ trương của huyện tập trung phát triển thôn trở thành điểm tham quan du lịch, bà con trong thôn đồng lòng, sẵn sàng làm đường, tu sửa nhà cửa, trồng hoa và cây xanh góp phần làm nên diện mạo tươi đẹp hơn cho bản làng.

Từ ngôi nhà sàn của nghệ nhân Hoàng Văn Cầu, hướng nhìn ra phía trước là khung cảnh của trung tâm xã dưới chân núi cao hùng vĩ. Thiên nhiên nơi này hoang sơ, phóng khoáng tạo cảm giác bình yên, dễ chịu. Hít thở bầu không khí trong lành, lắng nghe âm thanh của bản nhỏ trong buổi chiều lấp lánh hoàng hôn, chợt thấy niềm vui len lỏi nhẹ nhàng trong tâm trí.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Cầu đứng bên khung cửi dệt vải giới thiệu với chúng tôi, giọng nói hiền từ, nhỏ nhẹ, bà con trong thôn quý trọng văn hóa của dân tộc mình lắm, ngoài việc đi nương, làm ruộng đồng, phụ nữ vẫn cặm cụi dệt vải, may vá trang phục dân tộc và duy trì điệu hát lượn. Còn con trai từ 10 tuổi trở lên khi đã được cấp sắc sẽ tham gia múa mặt nạ gỗ (hay còn gọi là múa mặt nạ quỷ) trong mỗi dịp lễ, tết, mừng đầy tháng, lễ trưởng thành, cầu mùa, cầu bình an. Những bản sắc văn hóa của ông cha xưa truyền lại qua bao đời, nay con cháu ở Khâu Đấng tiếp tục gìn giữ và kế tục.

Khâu Đấng đẹp tựa một bức tranh, một phần do thiên tạo, còn lại nhờ sự đồng lòng, chung sức của bà con nơi đây tạo dựng nét đẹp văn hóa, ứng xử, cải tạo cảnh quan, môi trường hài hòa. Chúng tôi xuôi con dốc vào trong thôn, đúng lúc gặp trưởng thôn Hoàng Văn Thành vừa đi lấy lá và cỏ cho hươu về. Anh cho biết, năm 2022, thôn được UBND tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ 32 con hươu, có 8 hộ gia đình chăn nuôi.

Mới tháng trước, gia đình chị Mộng, Bí thư Chi bộ thu hoạch 4 lạng nhung, bán được 8 triệu đồng. Từ trước tới nay, người dân trong thôn nuôi trâu, bò, lợn, gà tự cung tự cấp cho gia đình. Nay một số hộ nuôi thêm hươu, chăn bằng cỏ, lá cây rừng chỉ mất chút công sức chứ không cần bỏ tiền mua thức ăn chăn nuôi, bước đầu cho thu nhập khá, bà con ai cũng phấn khởi.

Đời sống của bà con thôn Khâu Đấng hoàn toàn dựa vào 7ha đất nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là ngô, lúa và các loại cây ăn quả ngắn ngày. Nguồn nước cả thôn dùng sinh hoạt được dẫn từ trên núi cao cách khu dân cư chừng 4-5km, dòng nước dồi dào, trong mát. Những ngày này, các gia đình của Khâu Đấng trồng dưa hấu theo dự án “Bánh mì cho thế giới”.

Bà con siêng năng, chăm chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật bằng phương pháp bón phân vi sinh nên cây cho nhiều quả, ngon ngọt và dễ tiêu thụ trên thị trường địa phương. Ở đây nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng các loại rau theo mùa, những luống rau nhỏ xinh, xanh tươi, đầy sức sống là hiện thân của đất đai ngọt lành, của sự chăm chút đợi mong. Con đường và cỏ cây đưa lối chúng tôi cứ như dẫn dụ, gọi mời. Bắt gặp khách lạ, người đi làm nương về hay trẻ nhỏ đang chơi đùa cũng ngoái nhìn theo và cười hiền như lời chào thân thiện.

Chiều xuống, cơm xôi tỏa ngào ngạt khắp gian nhà, chiếc nồi đồng hình tròn vần cạnh bếp được mở ra, mùi thức ăn hấp dẫn. Chúng tôi quây quần quanh bếp vuông đang rực lửa, bên trên gác những tảng thịt hun khói đã dần khô dẻo, ngả màu vàng sậm. Hôm nay nhà anh Món đón khách phương xa, gian nhà bỗng trở nên rộn ràng, ấm cúng hơn thường lệ.

Anh em trong thôn đến chung tay làm cơm và tiếp khách, hầu như người già và phụ nữ ai cũng mặc trang phục của dân tộc mình, dù họ kiệm lời nhưng qua cử chỉ và ánh mắt ai cũng thấy được ở họ sự hiền hậu và mến khách. Sau lời mời chân tình, dân dã của chủ nhà, chúng tôi cùng mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm. Từng món ăn lần lượt được bày ra thết đãi, nào cá nướng, gà đồi, măng luộc, rau thơm và không thể thiếu chút rượu ủ bằng men lá nồng nàn, đủ hồng đôi má. Xen lẫn giữa tiếng nói cười, chúc tụng là những câu hát lượn do các cô, các chị trong thôn cất lên, thể hiện niềm vui và gửi gắm tốt lành.

Không khí mỗi lúc rôm rả, câu chuyện không còn là xã giao mà dần thấm đượm tình người. Dù không biết uống rượu nhưng tấm chân tình của bà con dân bản đã khiến chúng tôi lâng lâng say tự bao giờ. Sau vài lượt chào hỏi, trò chuyện, chúng tôi ấn tượng với chị Lỳ, người phụ nữ có vóc dáng thon thả, mũi cao, nét đẹp bình dị pha chút gió sương của người lao động nhưng vẫn có một sức hút thân thiện.

Chị Lỳ cười, nét duyên ngời lên trong ánh mắt. Qua lời giới thiệu của mọi người trong thôn, chúng tôi được biết, hai mươi năm trước, chị Lỳ được tỉnh chọn tham dự cuộc thi người đẹp khu vực Đông Bắc và giành giải cao. Vẻ đẹp của thiếu nữ Sán Chỉ tuổi đôi mươi khi ấy và bộ trang phục duyên dáng, cầu kỳ đã thuyết phục Ban giám khảo tuyệt đối. Kỷ niệm ấy theo chị Lỳ đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến, ánh mắt chị lại ngời lên niềm vui, đó cũng chính là động lực để dù bận bịu vất vả với công việc đồng áng nhưng chị luôn tranh thủ khâu vá, miệt mài với từng đường kim mũi chỉ.

Chị có ý định truyền dạy cho người trẻ cách may trang phục dân tộc không? Không chút ngập ngừng, chị liền bảo phụ nữ Sán Chỉ ở Khâu Đấng phải biết thêu thùa, may mặc trang phục của dân tộc mình, cái đẹp nhất định phải giữ gìn. Thế nên, chị đã truyền dạy cho cô con gái của chị cách làm nên bộ trang phục dân tộc Sán Chỉ với niềm tự hào không có gì sánh được. Nhìn lên vách nhà sàn của gia đình anh Món cũng sẽ thấy những bộ trang phục Sán Chỉ được treo ngay ngắn, những túi vải, khăn thêu trang trí bắt mắt, khéo léo phô ra nét đảm đang của những người phụ nữ nơi đây.

Về Khâu Đấng như gặp tri kỷ và gặp lại chính mình. Những đứa trẻ hồn nhiên chỉ tay về phía những thửa ruộng bậc thang khoe mùa xuân về hoa nở đẹp lắm, hoa cải, hoa bướm thật nhiều màu sắc. Ở đây, chẳng phải chỉ gặp núi, gặp cây đâu mà còn có dòng suối Nà Nghè hiền hòa, đi thêm nữa sẽ thấy cọn nước ở Nà Lẩy bền bỉ, đầy sức sống tưới tắm cho mùa màng, róc rách như bản nhạc êm đềm của núi. “Đi hết thôn này lại đến thôn khác, chẳng sợ bị lạc đâu, người thôn trên thôn dưới đều như anh em đấy mà”. Lời trưởng thôn Hoàng Văn Thành mộc mạc, văng vẳng bên tai chúng tôi, khiến mỗi bước chân càng thêm chộn rộn, háo hức...

Ghi chép của HƯƠNG LY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top