Mỹ thuật truyền thống luôn thân thương với người Việt

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Phóng viên (PV): Cơ duyên nào khiến ông dấn thân vào nghiên cứu mỹ thuật cổ, một lĩnh vực hiếm người theo đuổi?
Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi vào học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành hội họa. Khoảng năm thứ hai, chúng tôi được học môn Nghiên cứu mỹ thuật cổ. Môn học hồi đó vẫn gọi đơn giản là Ghi chép vốn cổ. Thầy Phạm Ngọc Sĩ và thầy Phan Cẩm Thượng đưa chúng tôi sang chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Thật may mắn, chúng tôi được học ở di tích với hai thầy giáo hướng dẫn ghi chép hoa văn, họa tiết mỹ thuật cổ. Thầy Thượng đọc được chữ Hán nên giảng giải văn bia và những hoành phi, câu đối, chữ trên mộc bản ở chùa. Tôi bắt đầu bén duyên với mỹ thuật cổ từ đó.

Vì chúng tôi học hội họa, môn Nghiên cứu mỹ thuật cổ có mục đích phục vụ sáng tác nên phần lớn mọi người dừng lại hoạt động tìm hiểu mỹ thuật cổ sau khi ra trường. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng do yêu thích mỹ thuật cổ, lại có dịp đi du học ở Học viện Mỹ thuật Trung ương của Trung Quốc và thật có duyên vì giáo sư hướng dẫn Yuan Yunsheng của tôi là người say mê tìm hiểu mỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Chúng tôi không chỉ học ở một xưởng họa, trong khoảng 3 năm du học, tôi được khuyến khích đi rất nhiều nơi để tìm hiểu.

 
Tôi còn chịu ảnh hưởng của Giáo sư Lu Shengzhong. Ông là người đặc biệt thành công khi đưa những nghiên cứu mỹ thuật dân gian Trung Hoa vào sáng tác đương đại. Sau khi trở về Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi đảm nhận công tác giảng dạy môn Nghiên cứu mỹ thuật cổ. Đây cũng là duyên và nghiệp đã thúc đẩy tôi nghiên cứu mỹ thuật cổ. Chính quá trình dạy học đó đòi hỏi tôi phải nghiên cứu sâu để trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Tự nhận là người may mắn có một số công trình nghiên cứu sau gần 30 năm ra trường, được dư luận quan tâm, được một số giải thưởng, như: “Song xưa phố cũ”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở hai đền vua Đinh-vua Lê, “Phác họa nghê-Gã linh vật bên rìa”, “Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám”, “Đi tìm khuôn mặt La Hầu”, “Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống-Hình tượng tiên nữ”, “Mỹ thuật Việt-Soi từ phía khác”...

PV: Những kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp có tác động đến đời sống mỹ thuật đương đại thế nào?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Trong cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” của Nguyễn Thị Thu Hòa có một phần đề cập trực tiếp đến những đóng góp của giới nghiên cứu với hoạt động sáng tác đương đại. Chính là mục ứng dụng tranh dân gian Kim Hoàng trong đời sống hiện đại. Ở nội dung này, tác giả đề cập khá nhiều lĩnh vực, từ hội họa đến đồ họa, thiết kế.

Xét từ gốc rễ, vấn đề sáng tạo có hai điều được cho là quan trọng, đó là cảm hứng sáng tác và dữ liệu sáng tạo. Không thể phủ nhận được những công trình nghiên cứu của chúng tôi đã có giá trị truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế trẻ. Có thể kể đến một số nghệ sĩ sáng tác từ cảm hứng mỹ thuật cổ như: Nguyễn Xuân Lam, Bùi Thanh Tâm, Nguyễn Thế Hùng, Lê Đăng Ninh, Vũ Xuân Đông, Nguyễn Tấn Phát, Trần Nam Tước, nhà thiết kế La Sen Vũ...

PV: Ông có thể cho biết cụ thể thành tựu ứng dụng mỹ thuật cổ trong sáng tác hiện nay?

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế: Sự hiểu biết tường tận tinh hoa mỹ thuật truyền thống khởi lên niềm tự hào với di sản nghệ thuật của cha ông. Với nghệ thuật thị giác, hình ảnh là đơn vị đầu tiên cấu thành tác phẩm hình ảnh tạo nên từ các hoa văn, họa tiết đồ án. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế đã dựa vào những dữ liệu này để sáng tạo nên các tác phẩm. Sự kế thừa, dù là vay mượn trực tiếp hay biến đổi thêm, bớt ứng tác với nguyên gốc tùy thuộc vào ý đồ tác phẩm, cho nên không có một công thức duy nhất cho sự sáng tạo. Nếu so sánh thành công của họa sĩ Nguyễn Xuân Lam với họa sĩ Bùi Thanh Tâm, ta thấy có hai hướng đi khác nhau.

Ở Nguyễn Xuân Lam, gần như người ta ít thấy tạo ra những thay đổi về bố cục. Những tác phẩm của Bùi Thanh Tâm thì vay mượn các hoa văn, họa tiết, hình ảnh của các bức tranh dân gian để tạo nên những tác phẩm mới. Rẽ sang một hướng khác, đưa nghệ thuật vào không gian công cộng, Lê Đăng Ninh đã tạo ra sự kết hợp giữa tranh khắc gỗ của Henri Oger với đồ án “sóng núi” trong mỹ thuật Lý-Trần trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Với thời trang, khả năng đưa các họa tiết hoa văn truyền thống lên trang phục cũng vô cùng đa dạng. Nhà thiết kế La Sen Vũ đã khá ấn tượng khi đưa những chú nghê tinh nghịch lên bộ sưu tập áo dài năm 2018 hay gần đây hơn là hình ảnh tiên nữ trên bộ sưu tập gợi về hình ảnh cha Rồng mẹ Tiên.

Nếu coi nghệ thuật như một phương án giao tiếp là sự kết nối tâm hồn thì ưu thế của mỹ thuật truyền thống chính là sự thân thương, thân thuộc vốn có, dễ gần, dễ cảm, dễ chạm tới cảm xúc của mọi người Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy, có thể tin tưởng xu hướng ứng dụng mỹ thuật cổ vào đời sống đương đại sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HƯƠNG SEN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top