Ngăn chặn lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Mới đây, sau khi nhận được yêu cầu của đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Long đề nghị xem xét, xử lý đối với Cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo hàng hóa là bút bi nhãn hiệu Thiên Long tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Hà Nội đã giám sát, thu thập thông tin về đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Song song với giám sát hành vi kinh doanh offline theo địa chỉ đại diện Công ty Thiên Long đề xuất, lãnh đạo Đội QLTT số 1 đã chỉ đạo các tổ công tác khác thực hiện nghiệp vụ giám sát trên môi trường online và phát hiện tài khoản mạng xã hội Zalo “Kho gia dụng Vũ Minh” có giới thiệu sản phẩm, hình ảnh bút bi Thiên Long; tìm kiếm trên sàn TMĐT Shopee đối với mặt hàng bút bi Thiên Long có dấu hiệu giá bán thấp hơn so với hàng thật và kết quả xác định được gian hàng “Bún Xinh”...
Ngăn chặn lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả -0

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh bút bi giả mạo nhãn hiệu Thiên Long.

Đội QLTT số 1 thực hiện xác minh với Công ty TNHH Shopee để xác định số lượng hàng giả mạo nhãn hiệu đã được tiêu thụ trên môi trường TMĐT làm căn cứ để xác định việc thu lời bất chính của các cơ sở kinh doanh. Ngay sau đó ngày 22/5, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra địa điểm tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức phát hiện, tạm giữ 5.635 sản phẩm bút bi, bút chì giả mạo nhãn hiệu Thiên Long; xác định được hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu không chỉ thực hiện trực tiếp tại cơ sở mà còn kinh doanh thông qua tài khoản trên sàn thương mại điện tử shopee, cụ thể trên tài khoản “Bún Xinh” có đường link là: https://shopee.vn/product/160634537...0q01e5&utm_content=1111DdiHrvXon48AJDWgZeChPV.
Ngày 28/5, Đội QLTT số 1 đã nhận được văn bản của đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Long xác nhận toàn bộ sản phẩm đang bị tạm giữ tại Đội QLTT số 1 là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Thiên Long. Cùng ngày, Đội QLTT số 1 cũng nhận được công văn của Công ty TNHH Shopee cung cấp thông tin về số lượng hàng giả sản phẩm Thiên Long bán trên sàn TMĐT Shopee.vn thông qua tài khoản mang tên “Bún Xinh”.
Cũng liên quan đến việc lợi dụng TMĐT để bán hàng giả mạo nhãn hiệu, mới đây, qua theo dõi các hoạt động bán hàng mạng xã hội (facebook, zalo) và nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, ngày 28/5, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh Hải Dương phối hợp cùng với Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an Hải Dương tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Đặng Thị Nhung tại địa chỉ thôn Phương Bằng, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc. Lực lượng chức năng phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh 790 đôi dép giả mạo các nhãn hiệu "BALENCIAGA" (260 đôi); nhãn hiệu "D&G" (200 đôi); nhãn hiệu "adidas và hình" (145 đôi); nhãn hiệu "GUCCI" (60 đôi) và 125 đôi dép không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bước đầu, bà Đặng Thị Nhung không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa và thừa nhận mua số hàng hóa trên trôi nổi ở khu vực chợ Ninh Hiệp (Hà Nội). Sau khi mua về, đăng lên tài khoản facebook cá nhân để chào bán.
Cũng trong tháng 5, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng đã thu giữ hàng trăm sản phẩm kính mắt vi phạm kinh doanh trên môi trường TMĐT; 208 sản phẩm quần áo, giày dép các loại giả mạo nhãn hiệu Calvin Klein, adidas, GUCCI và gần 163 sản phẩm thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Ngày 27/5, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh đã vi phạm trong hoạt động TMĐT với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm và buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp gần 220 triệu đồng.
Hay tại Vĩnh Phúc lực lượng chức năng tạm giữ gần 25.000 sản phẩm ốp điện thoại, miếng dán cường lực nhập lậu bán qua kênh TMĐT. Tổng trị giá hàng hóa là 205.500.000 đồng.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, theo dõi chặt chẽ các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng TMĐT, kịp thời có phương án, kế hoạch kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp, chủ thể quyền phản ánh nhiều về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái đặc biệt tiêu thụ trên môi trường online, do vậy cần sự phối hợp chặt chẽ từ Biên phòng, Hải quan, Công an, thanh tra chuyên ngành… để ngăn chặn các vi phạm. Để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT, ông Linh cho rằng, trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu. Đồng thời, các sàn TMĐT cần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát người bán, chất lượng sản phẩm và đánh giá người bán và đánh giá sản phẩm và công khai thông tin đánh giá để người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn và mua sản phẩm phù hợp.
Bên cạnh sự phối hợp của cơ quan chức năng, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho rằng, ứng dụng công nghệ số, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong việc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả khi mua sắm online là giải pháp quan trọng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, tổ chức các hội thảo, qua đó cảnh báo cho chủ sở hữu hàng hóa, ký cam kết nói không với hàng giả và đấu tranh với hàng giả trên môi trường trực tuyến.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top