Nguồn cảm hứng cho vị Đại tướng đọc thơ

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Từ cảm xúc ấy gợi cho tôi nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc trong thời gian là Hiệu trưởng nhà trường. Một buổi sáng cuối năm 2018, trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 10 năm tái lập, Trường Sĩ quan Chính trị được đón Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm. Trong bữa cơm thân mật, ấm cúng trưa hôm ấy, chúng tôi được nghe ông tâm sự nhiều điều. Bất ngờ và thú vị nhất là được nghe ông đọc bài thơ “Chiếc áo màu xanh” của tác giả Lê Văn Vọng. Đây là dịp hiếm hoi được thấy chất lãng mạn toát ra từ vị Đại tướng dạn dày trận mạc, vì trước đây, chúng tôi chỉ thường được nghe từ ông những mệnh lệnh, chỉ thị của một vị chỉ huy cao nhất của Quân đội đầy uy nghi, nghiêm nghị.
Chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm của Đại tướng đưa chúng tôi về bao kỷ niệm trong sáng, tươi đẹp trên những chặng đường quân ngũ, nơi người lính luôn được đón nhận nhiều sắc thái, cung bậc tình cảm, có thể là thầm kín, dung dị nhưng rất đỗi chân thành: “Nghe nhiều rồi, bây giờ mới thấy đây/ Chiếc áo của anh mang màu xanh của lá/ Khi mặc vào trông anh hiền quá/ Sớm lại chiều em cứ muốn tìm thôi/ Hôm anh phơi chiếc áo tầng hai/ Thấy trời sắp mưa mà em sốt ruột/ Em muốn sang nhưng cầu chưa bắc/ Muốn cất áo cho anh nhưng sợ người ngoài/ Dãy nhà bên kia, dãy nhà bên này/ Chỉ cách nhau một con đường nhỏ/ Nhà em rộng sao anh không ở/ Để lén người ngoài, em cất áo cho anh...”.

 
Tôi hiểu, Đại tướng Phùng Quang Thanh đang trong tâm trạng rất vui của người gieo hạt được thấy cây nảy mầm, tươi cành, xanh lá. Ông đã có một buổi sáng với nhiều ấn tượng sâu sắc khi được nghe, được thấy kết quả thu được của nhà trường sau 10 năm tái lập. Mái trường này đã khơi gợi từ sâu thẳm tâm hồn vị Đại tướng nguồn cảm xúc đặc biệt, để ông trải lòng với chúng tôi như vậy.

Khi dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng tưởng niệm của nhà trường, đọc đôi câu đối: “Theo tư tưởng Bác, xây non sông phồn thịnh/ Học đạo đức Người, luyện nhân cách sáng trong” do tôi sáng tác, Đại tướng Phùng Quang Thanh trầm ngâm, gật đầu khen ý nghĩa, vần điệu, rồi nán lại hồi lâu trong phòng, vui vẻ gợi lại những kỷ niệm quanh chuyện chúng tôi làm thơ trên cùng chuyến đi Trường Sa năm 2003. Lúc đó, ông đang là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chúng tôi mời Đại tướng Phùng Quang Thanh đi thăm các khu nhà ở học viên, thao trường, bãi tập, khu hậu cần-kỹ thuật, vườn tăng gia, khu giảng đường... Vừa mấy năm trước, khi Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi kiểm tra dự án xây dựng, nơi đây vẫn còn là một đại công trường ngổn ngang, lầy lội bùn đất. Vì vậy, ông không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo của một doanh trại chính quy, khang trang, sạch đẹp, đối lập hoàn toàn với cơ ngơi xập xệ của trường lúc vừa mới tái lập.

Đại tướng Phùng Quang Thanh như được trẻ lại trong không khí hoạt động sôi nổi, giàu năng lượng của các chàng học viên tuổi đôi mươi. Tại tầng 1 khu nhà H, đúng lúc nghỉ giải lao giữa hai cặp tiết, học viên đứng kín các sảnh tầng. Nghe tôi giới thiệu Đại tướng Phùng Quang Thanh về thăm trường, rồi nói về chuyện thủ trưởng là người ký quyết định đầu tư xây dựng ngôi trường của chúng ta, anh em học viên vỗ tay và cất tiếng ríu rít: “Chào thủ trưởng ạ! Cảm ơn thủ trưởng ạ!”. Ông nở nụ cười rất tươi, giơ tay vẫy chào bộ đội hồi lâu với cử chỉ thân ái.

Trong phòng khách, tôi thay mặt Ban giám hiệu nhà trường báo cáo tóm tắt với Đại tướng Phùng Quang Thanh các bước đột phá đổi mới trong giáo dục-đào tạo và xây dựng nhà trường thời gian qua. Với quan điểm “Nhà trường gắn liền với phân đội, nhà trường đi trước phân đội”, chương trình, nội dung đào tạo luôn bám sát thực tiễn, lược bỏ nội dung trùng lắp, lạc hậu, cập nhật cái mới, coi trọng huấn luyện thực hành. Nhà trường luôn chú ý bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ chính trị tương lai. Mỗi cán bộ, nhân viên của nhà trường, ở bất kỳ vị trí công tác nào, đều là tấm gương mẫu mực trong lời nói, hành động để góp phần bồi đắp, hoàn thiện nhân cách cho học viên. Nhà trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, điều hành. Trong khi chưa được Bộ Quốc phòng đầu tư, nhà trường đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hoạt động giữa khu vực Bắc Ninh và Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội). Đặc biệt, từ năm 2015, nhà trường đã chủ động nghiên cứu giảm bớt nhiều loại sổ sách công tác Đảng, công tác chính trị ở cấp đại đội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tránh hình thức, dành thời gian cho cán bộ bám sát các hoạt động của bộ đội. Sau hơn một năm thực hiện, nhà trường đã báo cáo kết quả này, được lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu hoàn thiện và quyết định áp dụng trong toàn quân.

Nhận thức được yêu cầu nhiệm vụ trong hội nhập quốc tế, cùng với việc tuyển sinh thêm khối D01, nhà trường đã khích lệ, tạo điều kiện và có các chế tài phù hợp để cán bộ, giảng viên, học viên chú trọng học ngoại ngữ. Những khẩu hiệu, bảng biển song ngữ, câu lạc bộ tiếng Anh, khẩu ngữ bằng tiếng Anh dùng hằng ngày không chỉ là để học từ vựng mà còn nhằm nhắc nhở mọi người phải quan tâm tích lũy vốn ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi. Nhà trường cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho bổ sung quy hoạch một số hạng mục còn thiếu như bệnh xá, khu nhà công vụ, nhà ở đại đội xe, trung đội vệ binh, khu tăng gia, thao trường, bãi tập; đồng thời xin thêm đất ở Lương Sơn, Hòa Bình làm khu huấn luyện thực hành dã ngoại. Đến năm học 2018-2019, phần lớn lực lượng đã hoạt động tại vị trí mới để kỷ niệm 10 năm tái lập trường. Cùng với đó, đã có 2 nhà công vụ được khánh thành đưa vào sử dụng nên cán bộ, nhân viên nhà trường rất phấn khởi, yên tâm công tác.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của nhà trường. Ông chia sẻ: “Sau khi có Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, toàn quân có rất nhiều trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, nhưng mới chỉ có Học viện Chính trị Quân sự đào tạo cán bộ chính trị các cấp. Do đó, tôi đã đề nghị với Thường vụ Quân ủy Trung ương tái thành lập Trường Sĩ quan Chính trị để đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Tầm vóc của nhà trường hôm nay là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong thời gian chưa dài, phải hoạt động phân tán, nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã vừa xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ, vừa đào tạo các đối tượng từ cử nhân đến thạc sĩ, không chỉ cho Quân đội mà còn cho các ngành khác và các nước bạn, vươn lên vị trí hàng đầu trong các trường quân sự”.

Sổ vàng truyền thống của nhà trường còn đậm nét dòng lưu bút của Đại tướng Phùng Quang Thanh: “Tôi rất vui mừng trở lại thăm Trường Sĩ quan Chính trị sau khi đã nghỉ hưu; thấy được những thành quả của nhà trường ngoài mong đợi. Xin chúc mừng thầy trò Trường Sĩ quan Chính trị. Mong nhà trường đào tạo được những cán bộ chính trị tương lai cho Quân đội ta như Bác Hồ đã dạy, thật sự như người chị hiền, người anh gương mẫu, người bạn tri kỷ và người đồng đội thủy chung của người chiến sĩ. Mong các đồng chí phấn đấu theo tư tưởng “Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa” để “đồng lực, đồng tâm khi công vụ, như huynh, như đệ lúc riêng tư”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi xa, nhưng tình cảm, trách nhiệm của ông dành cho Trường Sĩ quan Chính trị, cho sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị vẫn không phai mờ. Những dòng lưu bút và bài thơ ông đọc đã cổ vũ nhà trường tiếp tục vươn lên, đồng thời khích lệ, truyền cảm hứng cho những áng thơ văn, những khúc ca trong ngôi trường “Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”, góp phần bồi đắp chất nhân văn cho các sĩ quan chính trị.

Sau 5 năm từ lúc tôi nghỉ hưu, nhà trường đã thêm biết bao đổi mới, trưởng thành, trong đó có việc phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tăng thời lượng giảng dạy các môn văn hóa-nghệ thuật trong chương trình đào tạo, bởi nhà trường nhận thức sâu sắc rằng, thơ ca không trực tiếp hạ gục quân thù, nhưng bồi đắp tình yêu và niềm tin cho người cầm súng. Thành tích mọi mặt của nhà trường cùng những tấm gương điển hình tiên tiến luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho hoạt động văn học-nghệ thuật và nhờ văn học-nghệ thuật mà lan tỏa mạnh mẽ, neo vững trong tim mỗi con người, khơi dậy sức mạnh tinh thần to lớn, tạo động lực giúp nhà trường hoàn thành sứ mệnh cao cả là đào tạo những “kiến trúc sư tâm hồn” tỏa đi toàn quân, xây hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đẹp trong mắt mỗi người dân, như bài thơ mà Đại tướng Phùng Quang Thanh đọc trong buổi sáng mùa đông năm 2018.

Ghi chép của Trung tướng PHẠM QUỐC TRUNG, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top