Những người giữ lửa văn hóa

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Thuộc nhóm dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người tại tỉnh Lai Châu, dân tộc Mảng chủ yếu sinh sống ở các huyện Nậm Nhùn, Mường Tè và Sìn Hồ, trong đó tập trung đông ở huyện Nậm Nhùn. Cùng chung sống với đồng bào các dân tộc H’Mông, Thái, Dao..., trong quá trình giao thoa văn hóa dân tộc Mảng đã chịu tác động từ bản sắc, tiếng nói đến phong tục, tập quán...
Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn phát triển mạnh mẽ, là nhân tố góp phần bảo tồn, lưu giữ hiệu quả nhiều nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc Mảng. Xã đang duy trì hoạt động sáu đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập, biểu diễn những bài hát, điệu múa, bài sáo của dân tộc mình.
Pá Bon là bản tái định cư được thành lập năm 2021. Cùng sự ổn định đời sống kinh tế, đời sống tinh thần của dân bản đang dần được nâng cao. Đội văn nghệ bản Pá Bon được nghệ nhân Sìn Văn Doi trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn các bài hát, điệu múa và chơi các loại nhạc cụ. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lai Châu, nghệ nhân dân tộc Sìn Văn Doi là người năng nổ, tích cực trong tuyên truyền vận động dân bản thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản văn hóa xanh sạch đẹp.
Tuy bận rộn công việc gia đình và xã hội nhưng nghệ nhân Sìn Văn Doi dành thời gian, tâm sức cho công tác bảo tồn bản sắc và nét đẹp truyền thống của dân tộc Mảng. Song song việc lên lớp truyền dạy những kiến thức về nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống cho 30 học viên là học sinh, bà con trong bản,... nghệ nhân Sìn Văn Doi còn phối hợp Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nậm Nhùn biên soạn tài liệu hướng dẫn lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của dân tộc Mảng. Tài liệu này vô cùng giá trị, không chỉ hướng dẫn những người theo học biết các bài hát cơ bản, hiểu ý nghĩa từng bài hát, điệu múa mà còn được trang bị kiến thức, kỹ thuật cơ bản để lấy hơi, bước đi, động tác tay chân… trong khi hát, múa, thổi sáo.
Nhiều người đến học với nghệ nhân Sìn Văn Doi lần đầu được nghe những câu hát cất lên khi đi làm nương, khi đánh bắt cá hay câu hát bà ru cháu, mẹ ru con, rồi tình yêu đôi lứa hay điệu múa gặt lúa, múa mừng nhà mới. Độc đáo trong nhạc cụ của dân tộc Mảng là cây sáo dài (người Mảng gọi là lờ lầm) được làm từ cây trúc hoặc cây sặc già, dài từ 1,3m đến 1,5m. Từ nhạc cụ đơn sơ này, nghệ nhân thổi những bài sáo với âm thanh da diết gọi người yêu, tâm sự tình yêu đôi lứa...
Nghệ nhân Sìn Văn Doi đã phối hợp nghệ nhân Pàn Văn Chơn dịch lời bài hát tiếng Mảng sang tiếng phổ thông, tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp cận nhanh và đơn giản với văn hóa truyền thống, dần dần nâng cao ý thức lưu giữ bản sắc và nét đẹp văn hóa mình. Năm 2019, nghệ nhân Sìn Văn Doi được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Chia sẻ nỗi lo về sự mai một của văn hóa bản địa, nghệ nhân Sìn Văn Doi cho biết: “Dù thường xuyên hướng dẫn học sinh và đội văn nghệ luyện tập, thuộc các bài hát truyền thống, các điệu múa, làn sáo, ca dao, tục ngữ của dân tộc mình, nhưng trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mảng nơi tôi sinh sống đang có nguy cơ phai nhạt. Tôi mong Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ để khôi phục, phục dựng những nét văn hóa này”.
Đồng quan điểm về sự giao thoa khiến các giá trị văn hóa bản địa phai nhạt trong nhịp sống hiện đại, để bảo tồn, gìn giữ câu hát Soọng Cô, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Soọng Cô thôn Trung Mầu. Với hơn 50 hội viên, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt đều đặn. Các hội viên tích cực tập luyện, thường xuyên tham gia các hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ với các địa phương khác, tạo phong trào hát Soọng Cô sôi nổi và rộng rãi, đồng thời lưu giữ nét đặc trưng trong văn hóa bản địa của người Sán Dìu, từ trang phục truyền thống, điệu hát ru, hát kể chuyện thơ, giao duyên cho đến các điệu múa.
Truyền dạy làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu cho thanh niên, thiếu niên và những người khác trong thôn, nghệ nhân Trần Thị Nam, trưởng ban liên lạc hát dân ca Soọng Cô đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ hát dân ca Soọng Cô thôn Trung Mầu cho biết: Hát Soọng Cô là nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của dân tộc Sán Dìu, mang lại niềm vui, sự hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu.
Năm 2018, văn hóa dân ca Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trân trọng và tự hào về giá trị, bản sắc của văn hóa dân tộc mình, để bảo tồn, lưu giữ giá trị độc đáo, năm 2014, nghệ nhân Trần Thị Nam cùng câu lạc bộ hát dân ca Soọng Cô thôn Trung Mầu biên soạn, xuất bản 200 quyển truyền dạy về văn hóa dân tộc Sán Dìu; năm 2019 xuất bản 120 quyển truyền dạy văn hóa, tiếng nói và hát dân ca Soọng Cô. Từ năm 2023, câu lạc bộ mở rộng tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói và hát dân ca cho thanh thiếu nhi dân tộc Sán Dìu.
Với tấm lòng yêu văn hóa dân tộc, sự nhiệt huyết, tận tụy của nghệ nhân, cùng sự tiếp nối thế hệ, kho tàng dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào các dân tộc vẫn đang được lưu giữ mỗi ngày, tạo nên vẻ đẹp và sự đa sắc trong đời sống đương đại.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top