Ý kiến Nỗi oan những giáo viên 'hù dọa học sinh không thi lớp 10'

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Chỉ khoảng một nửa học sinh có thể vào được các trường THPT công lập, nên giáo viên buộc phải tư vấn chọn trường top dưới để chắc chắn đỗ.
Hy vọng đỗ vào lớp 10 công lập là mơ ước của tất cả học sinh lớp 9, nhưng Hà Nội hiện có quá ít trường THPT công lập, trong khi số lượng học sinh lại quá đông, mỗi năm lại tăng lên vài nghìn em, dẫn đến chỉ có khoảng một nửa học sinh cuối cấp hai có thể vào được các trường cấp ba công lập. Vì vậy, câu chuyện thi hay không nên thi, tư vấn cho học sinh như thế nào cho hợp tình, hợp lý, cũng như công tác phân luồng cấp THCS để các em đi đúng hướng khiến phụ huynh quan tâm, bàn luận nhiều hơn.
Mấy năm gần đây, việc phân luồng học sinh vào lớp 10 trở thành chủ đề gây tranh cãi. Một số phụ huynh lên án nhà trường, giáo viên ép học sinh và cha mẹ ký đơn không được thi vào lớp 10 công lập. Tôi đặt mình vào vị trí của giáo viên THCS và thấy rằng họ thực sự quá khổ tâm. Bản thân tôi cũng là giáo viên nhưng chưa bao giờ dạy học ở bậc phổ thông, chưa từng trải qua những giai đoạn khó khăn như các thầy cô giáo dạy lớp 9. Nhưng tôi có thể thấu hiểu, cảm thông với những nỗi khổ của họ.
Ai đứng trên bục giảng chẳng mong học trò của mình sẽ thi cử đỗ đạt vào ngôi trường công lập top đầu, trường chuyên của Sở, trường chuyên của các Đại học. Tuy nhiên, số học sinh ưu tú có thể đỗ các trường này là rất ít. Đa phần các em sẽ thi đỗ những trường công lập top giữa, top cuối hoặc thi trượt lớp 10. Giáo viên, nhà trường nào cũng lo học sinh của mình. Vì thế, họ mới tư vấn cho các top cuối hoặc trường nằm ở các huyện ngoại thành, vì các khu vực đó lấy điểm đầu vào rất thấp. Mục đích chính là để học sinh không bị trượt, có một trường để học tiếp lớp 10.
Nếu không tư vấn cho các em chọn trường phù hợp với năng lực, các em sẽ dễ chọn trường quá cao so với khả năng, dẫn đến bị trượt. Đó là lý do giáo viên và nhà trường mới tư vấn cho các em chọn trường có độ an toàn cao, để các em chắc chắn đỗ. Ở nhiều trường THCS, với những trường hợp học sinh có năng lực học tập chưa tốt, giáo viên chủ nhiệm còn gặp gỡ riêng để tư vấn, gợi mở cho phụ huynh những hướng đi khác phù hợp với sức học của các em, ngoài thi tuyển sinh vào lớp 10.
Việc tư vấn này dựa trên năng lực học tập của học sinh, song trên thực tế không ít trường hợp do giáo viên tư vấn không khéo hoặc nóng vội, nên đôi khi tạo cho phụ huynh tâm lý bị áp đặt, ép buộc con em họ không thi tuyển sinh vào lớp 10.
>>
Việc cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp và chọn trường THPT là nhiệm vụ nặng nề nhất mà giáo viên lớp 9 phải đảm nhận. Tuy nhiên, tôi cũng không ủng hộ việc tư vấn cho học sinh của mình chọn trường gì để thi dễ đỗ, mà nên để phụ huynh, học sinh tự quyết định. Nhà trường nên ủng hộ quyết định của học sinh và phụ huynh, không ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 công lập. Bởi vì, học sinh khi nghe giáo viên định hướng như vậy sẽ cảm thấy nhụt trí, tổn thương, có cảm giác như tương lai bị đóng lại.
Thay vào đó, hãy cứ để các em tự do chọn trường các em thích để thi theo nguyện vọng của cá nhân, tôn trọng ý kiến của học sinh. Sau khi thi xong có kết quả, các em và gia đình sẽ có kế hoạch cho mình.
Chỉ khi nào cha mẹ học sinh và học sinh không muốn học THPT hoặc không có khả năng theo học THPT do hoàn cảnh kinh tế hoặc do học lực... thì mới đành học nghề, kết hợp học văn hóa trình độ trung học. Nếu phụ huynh và học sinh thực sự muốn nghe và chủ động xin ý kiến của giáo viên chủ nhiệm thì khi đó mới nên tư vấn. Như thế, vừa không vấp phải phản ứng từ phía phụ huynh vừa không bị học sinh oán trách. Lúc đó, các em thi trượt là do năng lực kém, không thể đổ lỗi cho giáo viên được.
Có lẽ, thầy cô giáo ở Việt Nam luôn có tâm lý bao bọc cho học sinh nhiều quá nên rất sợ học trò của mình thi trượt, luôn có suy nghĩ rằng các con chỉ có lựa chọn thi đỗ, hoặc không thi. Có nghĩa chúng ta đã chặn mất quyền sai và sửa sai của học sinh. Những kỳ thi đỗ đạt chưa chắc đã đem lại nhiều bài học bằng một kỳ thi trượt. Tại sao chúng ta không mạnh dạn để các em tự lựa chọn và thi hết sức mình? Đỗ trường công lập là điều tốt, nhưng không đỗ thì các em có thể lựa chọn phương án khác mà.
Trong thực tế, có nhiều em học trung bình hoặc kém nhưng khi trưởng thành lại thành đạt hơn các bạn học giỏi. Việc thi đỗ hay trượt ở một kỳ thi chưa nói lên điều gì. Đôi khi sự thất bại lại khiến các em học cách cố gắng hơn, trưởng thành hơn, thay đổi tích cực hơn trước và gặt hái thành công trong tương lai. Một số em không đỗ lớp 10 công lập, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn có thể thi đỗ đại học công lập top đầu. Nhiều em thi đỗ lớp 10 công lập nhưng chưa chắc đã thi đỗ đại học. Vậy nên, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh đừng quá nặng nề vào kết quả của kỳ thi này.
Tôi nghĩ rằng cha mẹ học sinh không nên đổ hết lỗi cho giáo viên. Bởi lẽ, dù giáo viên có tư vấn như thế nào đi chăng nữa thì quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về phụ huynh và học sinh. Nếu chúng ta tin tưởng con mình sẽ thi đỗ thì cứ chọn trường top đầu, nếu thấy không tin vào khả năng của con thì chọn trường có điểm đầu vào thấp hơn.
Gia đình hãy mạnh dạn tự quyết định đăng ký cho con thi trường con mong muốn, đăng ký trường phù hợp với khả năng của con nhất, không cần quá để tâm vào tư vấn của giáo viên. Khi mình đã tự chọn và thi đúng nguyện vọng thì đỗ hay trượt cũng hoàn toàn thoải mái. Tương lai của con mình thì hãy để chúng tự quyết định, không nên vì lời nói của người khác mà bỏ cuộc sớm rồi lại bức xúc, oán trách.
Để tạo tâm lý thoải mái nhất cho con, hãy chuẩn bị sẵn phương án dự phòng khi con thi trượt lớp 10 công lập, luôn có một trường cho con đi học. Khi đó, phụ huynh và học sinh sẽ không cảm thấy quá áp lực trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như hiện nay. Chúng ta hãy nói để các con tin rằng các con có thể làm tất cả mọi thứ nếu tin tưởng vào chính mình. Đừng bao giờ bỏ cuộc khi bản thân chưa cố gắng hết mình.
Để chấm dứt nỗi khổ của phụ huynh, học sinh, giáo viên trước mỗi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thành phố cần phải quy hoạch lại sớm nhu cầu học của học sinh chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học như nhiều năm nay. Phải cấp thêm đất mở trường, phải có chính sách thu hút xã hội hóa, mở rộng trường công lập. Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con mình theo học được trường tư hay giáo dục nghề nghiệp sau khi thi trượt lớp 10. Các em có nhu cầu học trường công lập thì nên tạo điều kiện cho các em theo học.
Tôi mong mỏi rằng, trong tương lai gần, Hà Nội sẽ xây dựng được nhiều trường cấp ba hơn với nhiều mô hình đa dạng để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Qua đó, góp phần giúp kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhẹ nhàng hơn, không áp lực, nặng nề đối với toàn xã hội như bây giờ. Tất cả học sinh có nguyện vọng đều sẽ được học lớp 10 công lập mà không cần phải thi. Học sinh, cha mẹ học sinh và thầy cô giáo cũng đỡ khổ hơn bây giờ.
Vũ Thị Minh Huyền
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài . Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
  • Nặng nề tư tưởng phải đỗ lớp 10 công lập
  • Tôi bằng lòng nếu con thi trượt lớp 10 công lập
  • Nghịch lý 'thi vào 10 trượt lắm, thi đại học đỗ nhiều'
  • 'Thi tốt nghiệp THPT không áp lực bằng tuyển sinh lớp 10'
  • 'Bài thi tổ hợp thay cho môn thi thứ tư vào lớp 10'
  • 'Rối não' lựa chọn môn tổ hợp lớp 10

 

Chủ đề tương tự

Back
Top