Phát huy tinh thần chủ động, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Chú thích ảnh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp chiều 28/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị. Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô; trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.
Rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật khác
Qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhận thấy, các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật đã có bước hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Đại biểu nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.
Theo đại biểu, quy định này nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội. Qua đó, hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Đặc biệt, việc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô (nơi tập trung 80% cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, với 70% tổng số cán bộ khoa học có học vị tiến sỹ trở lên của cả nước). Chính sách này cũng phù hợp xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm, chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển, mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý để có sự thống nhất với các luật liên quan; nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Hoài Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước.
Đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô sẽ được áp dụng cho các thiết chế, hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Cụ thể như: Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của thành phố Hà Nội; Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định.
“Tôi mong rằng, phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác…”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Bảo đảm môi trường giáo dục công bằng
Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức/ TTXVN
Quan tâm đến quy định về xây dựng, phát triển và mở rộng mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Điều 22 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, đây là quy định khác với quy định về cơ sở giáo dục trong pháp luật giáo dục. Vấn đề này đã được báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu. Dự thảo Luật đã đưa ra mô hình chưa được sử dụng trong Luật Giáo dục, trong đó có cơ sở giáo dục chất lượng cao; chưa làm rõ tiêu chí được công nhận chất lượng cao.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo tổng kết thi hành Luật chưa đánh giá sâu về những kết quả, tồn tại, vướng mắc trong thực hiện quy định về trường chất lượng cao, chất lượng dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn Thủ đô. Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến các chính sách phát triển các trường chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học.
Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung khái niệm về cơ sở giáo dục chất lượng cao (tại khoản 5 Điều 3) chỉ mới đề cập các tiêu chí đầu vào mà chưa rõ tiêu chí đầu ra là chân dung - nhân cách học sinh - trung tâm của quá trình giáo dục - mục tiêu giáo dục.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao, học phí cao đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Hà Nội. Mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao đang triển khai chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội năm học 2023 - 2024 là 5 - 6,1 triệu đồng/học sinh/tháng (chưa kể các khoản đóng góp khác). Hiện nay, nhiều trường công có chất lượng đang làm Đề án thành trường chất lượng cao. Nhiều phụ huynh, học sinh rất lo lắng vì học phí cao trong lúc điều kiện gia đình không đảm bảo và bối rối vì chưa biết sẽ chuyển con sang trường học nào.
Thực tiễn tại Hà Nội nhiều năm qua, nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hóa nhanh; có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/lớp. Điều đó có nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà. "Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục. Trường chất lượng cao chỉ dành cho con em gia đình có điều kiện; dẫn đến sự bất bình bình đẳng và tạo nên áp lực cho người học và nhân dân", đại biểu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, Chính phủ cân nhắc thêm về việc phát triển mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao; đánh giá tác động lâu dài, bảo đảm môi trường giáo dục công bằng, không trái các quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc chung về trường công lập. Song song với đó, Hà Nội cần tập trung xây những trường chuẩn Quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục phổ thông cả nước và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyện vọng.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top