Phát triển cải lương gắn với hơi thở thời đại

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Không gian Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh vào ngày cuối tuần vừa rộn ràng, vừa sâu lắng với những giai điệu cải lương, đờn ca tài tử đặc trưng của Nam Bộ trong chương trình giao lưu “Cải lương với hơi thở thời đại”. Giữa không gian sôi động của thành phố, người dân được nghe những tiếng đàn kìm réo rắt, những điệu lý câu hò ngọt ngào. Khi các nghệ sĩ nhí cất lên lời ca khúc “Vọng kim lang”, khán giả đã vỗ tay tán thưởng bởi chất giọng trong trẻo. Dù thời lượng chương trình không nhiều nhưng đã thu hút đông đảo người dân thưởng thức, nhất là các khán giả trẻ tuổi khi đến giao lưu, tham gia các hoạt động tại Nhà Văn hóa thanh niên Thành phố.
Tham gia biểu diễn tại chương trình, nghệ sĩ nhí Hồ Thảo Nhi (9 tuổi) với giọng ca trong trẻo, cách diễn xuất tự nhiên đầy cảm xúc đã mang đến cho khán giả những giây phút thưởng thức nghệ thuật tuyệt vời. Thảo Nhi từng đoạt giải nhì Tiếng hát Họa mi cấp thành phố, giải A Liên hoan kịch nói toàn thành phố, giải B Ca tài tử toàn thành phố... Thảo Nhi chia sẻ rằng dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Nhi thích cải lương từ sớm, tự tập hát và sau này học thêm ở thầy, các nghệ sĩ đàn anh. Thảo Nhi thấy bộ môn cải lương rất có ý nghĩa, cần truyền cảm hứng theo từng đối tượng, chẳng hạn như người trẻ hát cho người trẻ nghe, từ đó lan tỏa cho cộng đồng.

 
Nghệ thuật cải lương luôn mở rộng, tiếp nhận cái mới. Để nuôi dưỡng bộ môn nghệ thuật truyền thống này với khán giả, nhất là khơi dậy tình yêu cải lương với lớp khán giả trẻ là một thách thức với các soạn giả, nghệ sĩ, nhà biên kịch, đòi hỏi sự sáng tạo của người làm nghệ thuật trong việc tìm tòi chất liệu mới, cách truyền tải hiện đại. Mới đây, bộ phim ngắn “Hành trình hạnh phúc” ra mắt trên hai nền tảng youtube và tiktok tạo ấn tượng tốt cho khán giả về thông điệp tình cảm gia đình và quyền trẻ em. Điểm nhấn của bộ phim là sự kết hợp giữa cải lương và điện ảnh giúp các khán giả trẻ dễ xem, dễ hiểu, dễ gần hơn với nghệ thuật cải lương.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Võ Minh Lâm, kết hợp yếu tố hiện đại với cổ truyền là một trong những giải pháp hiệu quả để cải lương phát triển. Đó là ứng dụng công nghệ, kỹ xảo, tình tiết hiện đại lồng ghép vào vở tuồng, trích đoạn cải lương để tăng thêm phần sống động, tránh nhàm chán cho khán giả.

Đã từ lâu, Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh là địa chỉ thân quen của tuổi trẻ thành phố, nơi sinh hoạt, học tập, vui chơi và rèn luyện kỹ năng sống với nhiều mô hình và sân chơi bổ ích. Gần 30 năm qua, đơn vị này luôn duy trì, bảo tồn, miệt mài phục vụ người mộ điệu sân chơi cải lương với chương trình “Tiếng tre xanh”, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Chương trình “Cải lương với hơi thở thời đại” là hoạt động sân khấu mang ý nghĩa giới thiệu, quảng bá, lan tỏa, giúp khán giả tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử.

 
Đạo diễn, nghệ sĩ Thành Bỉ cho rằng: "Nghệ sĩ cải lương và nghệ thuật cải lương phải đến với khán giả bằng nhiều phương thức chứ không chỉ ở sân khấu, rạp hát. Để cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ, cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong cách thể hiện, tăng hoạt động ngoại khóa, chứ không chỉ gói gọn trong ánh đèn sân khấu. Cải lương cần được các nhà trường xem như là một hoạt động ngoại khóa thường xuyên bởi môn nghệ thuật này chứa đựng hồn cách dân tộc. Các trường học có thể nghiên cứu đưa cải lương vào những giờ sinh hoạt dưới cờ, giờ học tập dã ngoại để học sinh được hiểu rõ hơn và lưu giữ nghệ thuật truyền thống này”.

Trong những năm gần đây, các nhà hát, sân khấu đã tích cực đưa cải lương đến với công chúng thông qua việc tổ chức dàn dựng, biểu diễn các vở cải lương mới, tổ chức hoạt động thường xuyên, đa dạng hóa các chủ đề, đưa nghệ thuật cải lương trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời, luôn tìm kiếm hướng đi mới phù hợp để cải lương bắt nhịp với xu thế phát triển, chú trọng khai thác các đề tài xã hội đương đại, mang tính thời sự.

Theo các chuyên gia, bên cạnh đổi mới cách tiếp cận của khán giả, để cải lương phát triển bền vững, rất cần xây dựng những câu lạc bộ yêu thích cải lương tạo môi trường cho người trẻ tham gia, giao lưu và thể hiện năng khiếu. Cùng với đó, cần có các trung tâm đào tạo bài bản, những cuộc thi, hội thi về cải lương cho các đối tượng gắn với nhu cầu thưởng thức hiện đại. Ngoài ra, hai yếu tố truyền thống và hiện đại cần phát triển hài hòa, gắn kết khéo léo với những yếu tố tân tiến sẽ tạo nên sự sôi động và đa sắc màu cho nghệ thuật truyền thống cải lương trên con đường hội nhập, bám sát với hơi thở thời đại mới.

Bài, ảnh: HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top