Sống trong bóng tối bên hông nhà máy thủy điện

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458

GIÁ ĐIỆN QUÁ CAO​

Nhà có 2 chiếc quạt điện, nhưng dưới trưa nóng như nung, bà Lương Thị Chấn (ngụ bản Vẽ, xã Yên Na, H.Tương Dương) vẫn không dám sử dụng quạt mà phải ra bờ suối ngồi để hóng mát. Tháng trước, gia đình bà phải đóng hơn 400.000 đồng tiền điện khiến bà hốt hoảng. "Dưới xuôi, số tiền ấy có thể là nhỏ nhưng trên này với chúng tôi là rất lớn. Nhà tôi chỉ dùng quạt khi ăn cơm thôi, ban đêm mang chõng tre ra ngoài trời ngủ vì giá điện ở đây rất cao, không dám dùng quạt cả đêm. Cái tủ lạnh nhỏ của nhà tôi cũng phải rút điện từ đầu tháng 6, không dám dùng nữa", bà Chấn nói.
Sống trong bóng tối bên hông nhà máy thủy điện- Ảnh 1.

Khu tái định cư ở xã Yên Na chưa được đầu tư lưới điện đạt chuẩn khiến người dân phải mua điện với giá quá cao
KHÁNH HOAN
Gia đình bà Chấn cùng hàng chục hộ dân khác trước đây sinh sống ở khu vực lòng hồ thủy điện. Để xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, năm 2005, gia đình bà và nhiều hộ dân khác phải di dời đến khu tái định cư Khe Ò cách đó chừng vài km. Tuy nhiên, ít năm sau đó, khu tái định cư nằm bên sườn núi này bị sạt lở, đá lăn làm sập nhà bếp của một hộ dân. Lo sợ núi tiếp tục sạt lở, các hộ dân bỏ lại nhà cửa ở khu tái định cư để tìm nơi ở mới. Năm 2019, UBND H.Tương Dương cho xây dựng khu tái định cư ngay cạnh công trường xây dựng thủy điện Bản Vẽ trước đây để làm chỗ định cư cho dân. Song đến nay, khu tái định cư này vẫn chưa được đầu tư lưới điện. Người dân phải sử dụng hệ thống lưới điện cũ của đơn vị thi công công trình thủy điện để lại với 1 công tơ tổng do một người dân đứng ra quản lý, thu tiền điện của các hộ dân sử dụng với giá 2.700 đồng/kWh.
Cạnh đó, 60 hộ dân ở bản Cò Phảo nhiều năm qua cũng phải mua điện với mức giá tương tự, trong khi giá điện sinh hoạt bán tại hộ gia đình của ngành điện lực hiện nay là 1.806 đồng (từ 0 - 50 kWh). "Chúng tôi chấp nhận di dời để làm thủy điện, nhưng đến khu tái định cư, lại phải chịu giá điện cao là không công bằng", một người dân bức xúc.
Đại diện Điện lực H.Tương Dương cho biết 2 công tơ tổng này được lắp từ năm 2014 theo đề nghị của UBND H.Tương Dương để cung cấp điện cho công trường thủy điện. Sau khi các đơn vị thi công rút đi, lưới điện này cung cấp cho các hộ dân tái định cư do UBND xã Yên Na chịu trách nhiệm cử người quản lý, thu tiền điện. Do không được đầu tư lưới điện đạt yêu cầu nên điện lực vẫn chưa nhận bàn giao và người dân không được sử dụng điện tại gia.
Cùng cảnh ngộ, 140 hộ dân ở bản Cà Moong (xã Lượng Minh), một bản tái định cư theo hình thức di vén để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ từ hơn 15 năm trước cũng đang phải mua điện với giá 3.000 đồng/kWh. Bản này được đầu tư lưới điện từ năm 2022, nhưng lưới điện vẫn do UBND xã quản lý, thuê người trông coi và thu tiền điện.
Sống trong bóng tối bên hông nhà máy thủy điện- Ảnh 2.

Người dân ở bản Vẽ, xã Yên Na đang phải mua điện với giá 2.700 đồng/kWh
KHÁNH HOAN

XÃ QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN​

Ông Vì Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, cho biết do Điện lực H.Tương Dương chưa nhận bàn giao, quản lý nên người dân không được mua điện tại gia theo mức giá nhà nước quy định mà bán điện cho UBND xã qua công tơ tổng ở trạm biến áp. Sau khi mua điện tại công tơ tổng, UBND xã phải thuê người vận hành và thu tiền điện nên giá điện rất cao. "Việc UBND xã phải quản lý lưới điện là bất đắc dĩ, xã đã nhiều lần kiến nghị huyện bàn giao cho điện lực để người dân được hưởng quyền lợi vì điều kiện kinh tế của người dân ở đây rất khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả", ông Phúc nói.
Theo tìm hiểu của PV, hệ thống lưới điện ở bản Cà Moong do UBND H.Tương Dương làm chủ đầu tư, mặc dù đã vận hành từ 2 năm qua, nhưng đến nay công trình vẫn chưa được quyết toán, bàn giao cho huyện. Một lãnh đạo H.Tương Dương cho biết sau khi lưới điện hoàn thành, huyện không liên lạc được nhà thầu nữa nên các thủ tục này đang bị ách lại. Vị này cũng cho hay huyện đang tìm cách gỡ khó để bàn giao lưới điện cho điện lực quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Theo tìm hiểu của PV, tại xã Nga My (H.Tương Dương) có 3 bản với hàng trăm hộ dân được đầu tư hệ thống điện lưới thuộc Chương trình 30A vào năm 2013, tuy nhiên đến nay lưới điện vẫn chưa bàn giao cho điện lực. UBND xã phải thuê người vận hành, thu tiền điện với giá 2.500 đồng/kWh. Gần đây, lưới điện xuống cấp, tỷ lệ tổn thất điện tăng, mỗi tháng bị hụt gần 10 triệu đồng. Để có tiền bù đắp, UBND xã Nga My phải vận động người dân sử dụng điện đóng thêm tiền. Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết xã đã nhiều lần kiến nghị huyện bàn giao lưới điện cho điện lực quản lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top