Thế giới Sức ép trừng phạt từ Mỹ thử thách quan hệ Nga - Trung

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ có thể khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong quan hệ với Nga, tránh ảnh hưởng đến kinh tế nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc ngày 16-17/5 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 và là lần thứ hai thăm Trung Quốc trong hơn 6 tháng qua.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn, khi căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng. Đầu tháng 2/2022, trước khi chiến sự Ukraine bùng phát, lãnh đạo Nga - Trung nhất trí về mối quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn".
Tại cuộc gặp tháng 10/2023 ở Bắc Kinh, ông Tập nói với ông Putin rằng tin tưởng chính trị lẫn nhau giữa hai nước "ngày càng sâu sắc", trong khi Tổng thống Nga gọi lãnh đạo Trung Quốc là "người bạn thân mến".
Kim ngạch thương mại Nga - Trung gần đây tăng đáng kể, khiến Bắc Kinh bị cáo buộc đang hỗ trợ kinh tế cho Moskva để chống chọi với các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan chiến sự Ukraine. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong quý I năm nay.
Việc Nga - Trung xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại đây sẽ là đòn bẩy để Moskva lách lệnh trừng phạt và vẫn có nguồn lực tài chính để chi cho chiến sự. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại về quan hệ Nga - Trung khi gặp người đồng cấp Vương Nghị ở Bắc Kinh hồi tháng 4.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 12/2023 ký sắc lệnh cho phép trừng phạt gián tiếp ngân hàng nước ngoài liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga, loại những tổ chức này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Đây được coi là một trong những động thái quyết liệt của Mỹ nhằm thách thức mối quan hệ "không giới hạn" giữa Moskva với Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP
Lo ngại nguy cơ bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, một số ngân hàng Trung Quốc sau đó đã dừng hoặc trì hoãn giao dịch với các khách hàng Nga, theo các nguồn tin chuyên về giao thương giữa hai nước.
"Việc nhận tiền từ Nga hiện khá khó khăn", một người bán sỉ quần áo tại trung tâm thương mại ở Bắc Kinh nói. "Các ngân hàng không nêu lý do... nhưng dường như do nguy cơ trừng phạt từ Mỹ".
Theo giới thương nhân, các ngân hàng Trung Quốc đang bổ sung biện pháp kiểm tra những giao dịch xuyên biên giới để giảm thiểu nguy cơ bị trừng phạt. Quá trình sàng lọc thông tin có thể kéo dài hàng tháng, khiến chi phí gia tăng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ gặp khủng hoảng về dòng tiền.
Một chủ doanh nghiệp Nga cho biết họ buộc phải đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc và trở về nước, do "không thể nhận tiền từ bất kỳ khách hàng nào".
Tình trạng trì hoãn thanh toán xảy ra trùng với thời điểm xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 và 4 suy giảm, sau đợt tăng mạnh đầu năm.
"Các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng nhất định từ Trung Quốc, nhưng cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thông thường", Pavel Bazhanov, luật sư chuyên cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc, nói với AFP.
Thông tin các công ty Nga gặp trở ngại trong thanh toán với ngân hàng Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên truyền thông Nga từ đầu năm. Điện Kremlin thừa nhận tình trạng này hồi tháng 2. Người phát ngôn Dmitry Peskov sau đó chỉ trích Mỹ vì gây áp lực "chưa từng có" lên Trung Quốc.
Trung Quốc không công khai thừa nhận có tình trạng trì hoãn thanh toán cho các khách hàng Nga, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối "các biện pháp trừng phạt đơn phương và phi pháp từ ".
Khách hàng mua sắm hàng hóa Nga tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Ritan ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 13/5. Ảnh: AFP
Theo giới phân tích, các ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách để đảm bảo họ không bị lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm đến.
"Xác định xem các giao dịch có liên quan đến ngành công nghiệp - quốc phòng Nga hay không đang tạo ra thách thức đáng kể với các công ty và ngân hàng Trung Quốc", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Âu - Á tại Berlin, Đức nói.
"Họ đang hoạt động trên nguyên tắc 'cẩn tắc vô ưu', giảm quy mô các giao dịch", theo Gabuev. Trong bối cảnh tăng trưởng nội địa giảm tốc, sẽ có xu hướng tránh các nguy cơ có thể gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng sự thận trọng của ngân hàng Trung Quốc còn phần nào phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc quản lý quan hệ với Washington, trong bối cảnh Mỹ năm nay bầu cử tổng thống.
"Giới chức Trung Quốc cũng có thể đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm tra kỹ các khoản thanh toán với Nga để đảm bảo chúng không biến Bắc Kinh thành một vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi trong mùa bầu cử Mỹ", Wang Yiwei, viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói.
Lưỡng đảng quốc hội Mỹ hiện đều có quan điểm quyết liệt với Trung Quốc. Khi bầu cử tăng nhiệt, đây có thể là vấn đề nóng được các ứng viên tận dụng để công kích lẫn nhau, nhằm thể hiện ai là người cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
"Trung Quốc sẽ không ngớ ngẩn đến mức để một ngân hàng lớn của họ bị cáo buộc liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine", Shen Dingli, học giả về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, nói. "Họ sẽ không để Mỹ có cơ hội áp lệnh trừng phạt toàn diện vì cái cớ như vậy".
Như Tâm (Theo AFP, Foreign Policy)

 

Chủ đề tương tự

Back
Top