Thụy Điển: Ông bà được nghỉ phép có lương để chăm cháu

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Theo luật trên, cha mẹ có thể chuyển một phần tiền nghỉ phép của mình cho ông bà của đứa trẻ. Một cặp vợ chồng có thể chuyển đổi tối đa 45 ngày, trong khi cha hoặc mẹ đơn thân có thể chuyển 90 ngày, tùy thuộc vào cơ quan chính phủ quản lý hệ thống bảo hiểm xã hội. Người thay thế cha hoặc mẹ để chăm sóc em bé sẽ nhận được tiền nghỉ phép theo thu nhập của họ nếu người đó đang làm việc hoặc hưởng mức trợ cấp cơ bản nếu đã nghỉ hưu.
Quốc gia Scandinavi với 10 triệu dân này đã xây dựng qua nhiều thế hệ một xã hội mà nơi đó công dân được chăm sóc từ khi sinh ra cho đến khi chết. Theo đó, cha mẹ được phép nghỉ làm hoàn toàn sau khi sinh con và được hưởng lương trong 480 ngày, tương đương 16 tháng. Trong số này, khoản trợ cấp trong 390 ngày được tính dựa trên tổng thu nhập của người đó, trong khi trong 90 ngày còn lại, mọi người nhận được số tiền cố định là 16 euro mỗi ngày.

Ngoài ra còn có những lợi ích khác dành cho các bậc cha mẹ ở Thụy Điển: Họ có thể giảm giờ làm việc cho đến khi trẻ được 8 tuổi, trong khi nhân viên chính phủ có thể được hưởng lợi từ việc giảm giờ làm cho đến khi trẻ được 12 tuổi.

Khi công bố chính sách cải cách có hiệu lực vào ngày 1-7 vừa qua, Chính phủ Thụy Điển lưu ý rằng: "Các gia đình Thụy Điển khác nhau và có những nhu cầu khác nhau", đồng thời cảnh báo những hạn chế "có thể ngăn cản một số người chăm sóc đứa trẻ, và giúp cha mẹ dung hòa cuộc sống gia đình và nghề nghiệp". Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hoan nghênh cuộc cải cách trên sẽ cho phép “ông nội” được nghỉ phép chăm cháu.

Còn bà Alexandra Wallin, thuộc Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển, nói trên đài truyền hình Thụy Điển SVT rằng, luật mới “sẽ mang lại những cơ hội lớn hơn”.

Trái ngược với Thụy Điển, Mỹ là một trong số ít quốc gia không có chính sách nghỉ phép chăm con được trả lương trên toàn quốc. Đạo luật Nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế cung cấp cho người lao động Mỹ đủ điều kiện nghỉ phép được bảo vệ công việc lên tới 12 tuần/năm, nhưng thời gian này không được trả lương.

Trên thực tế, các chương trình nghỉ phép gia đình có lương đã được áp dụng ở 13 tiểu bang và Quận Columbia, với thời gian nghỉ phép khoảng ba tháng, chỉ bằng một phần nhỏ phúc lợi của Thụy Điển. Theo Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 3-2023, chỉ có khoảng 1/4 công chức Mỹ được nghỉ phép gia đình có lương.

Jared Make, Phó chủ tịch tổ chức vận động phi lợi nhuận A Better Balance, nhấn mạnh ngay cả ở những tiểu bang cho phép công chức nghỉ phép có lương để cha mẹ gắn kết với con, thì thời gian đó không được chuyển cho ông bà, trừ khi ông bà đóng vai trò là người nuôi dưỡng đứa trẻ. “Những ví dụ ở Thụy Điển cho thấy Mỹ tụt hậu xa đến mức nào. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bắt kịp phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực này”, Make nói.


Chế độ nghỉ phép chăm con ở một số nước châu Âu

Đức: Cha mẹ được nghỉ phép một năm cho đến khi con được 3 tuổi. Để khuyến khích các ông bố tận dụng quyền này, thời gian nghỉ phép của cha mẹ được tăng lên 14 tháng nếu cả cha và mẹ cùng chia sẻ việc nuôi con.

Nghỉ phép được trả bằng 2/3 mức lương, lên tới 1.800 euro mỗi tháng, trong khi đó mức thấp nhất là 300 euro. Những gia đình có thu nhập cao không được hưởng trợ cấp.

Ba Lan: Thời gian nghỉ phép 41 tuần, hay 9 tháng rưỡi, được chia cho cha mẹ. Cha mẹ được hưởng trợ cấp lên tới 70% mức lương trong suốt thời gian nghỉ việc.

Ở Tây Ban Nha: Thời gian nghỉ phép của cha mẹ có thể kéo dài tới 3 năm, trở thành một trong những thời gian dài nhất ở châu Âu nhưng không được trả lương.

Ở Italy: Thời gian nghỉ phép của cha mẹ được giới hạn trong 10 tháng cho đến khi đứa trẻ tròn 12 tuổi. Tháng đầu, cha mẹ được hưởng 80% lương, các tháng tiếp theo hưởng 30%.

Anh: Chế độ nghỉ phép chăm con của cha mẹ được thực hiện cho đến khi trẻ đến tuổi trưởng thành, nhưng thời gian rất ngắn (18 tuần) và không được hưởng trợ cấp. Ngoài ra, phụ huynh không được phép nghỉ quá 4 tuần/năm nếu không có sự đồng ý của người sử dụng lao động.











 
PHƯƠNG LINH (theo lapresse.ca, bfmtv.com)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top