Tiết kiệm là nét đẹp văn hóa

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Nhưng, nói gì đi nữa thì vị trí địa lý, khí hậu, phong tục tập quán... vẫn góp phần tạo nên văn hóa bản địa và không dễ bị san phẳng như suy nghĩ của Thomas Friedman. Duy có điều, thế giới đã và đang đoàn kết lại để cùng đối diện với những thực trạng như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... và sâu xa hơn nữa là những thách thức từ chính lối sống, lối nghĩ còn nhiều bất cập của chính mình. Giao lưu học hỏi để đối thoại và hoàn thiện.
Ở thời đại nào, sự tiết kiệm, chống lãng phí vẫn là một nguyên tắc sống có giá trị. Các cụ ta từng gửi gắm những thông điệp sống trong ca dao, tục ngữ như: “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”; hay: “Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang”; “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”...
Tiết kiệm là nét đẹp văn hóa -0

Tiết kiệm cũng là cách để phát triển bền vững vì tương lai.

Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sáng 4/6 của Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói: “Khi nước đã hữu hạn, chúng ta tưới xả tràn lan, trong khi các nước họ tưới nhỏ giọt. Trạng thái nền nông nghiệp tiết kiệm nước sẽ giúp hiệu chỉnh từng đơn vị nước một cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản" (theo: Phạm Dự-vnexpress.net).
Có lẽ, với nhiều người đang sinh sống ở vùng sông, nước ngọt, việc “hiệu chỉnh từng đơn vị nước” còn khá xa lạ, chưa coi nước là tài nguyên hữu hạn. Nhưng, với đồng bào ở vùng khô hạn mặn, vùng cao mới thấy nước đáng giá như thế nào. Tương tự như nước, khi đứng trước những công tắc điện, trước những nút nguồn ON/OFF, có bao giờ bạn nghĩ đến phân tích của tác giả Đức Hoàng trên vnexpress.net, bài viết có đoạn: “Bạn có biết là 45 giây xem video HD trên thiết bị di động có thể thắp sáng một cái bóng đèn LED trong một tiếng đồng hồ? Dù thật ra bạn có cần thắp sáng căn phòng mình đang sống làm gì đâu, xem video có nhiều niềm hạnh phúc online hơn, nhưng ngoài kia vẫn còn bao người thiếu điện không có đèn thắp sáng. Bạn có biết xem hết bộ phim “Hạ cánh nơi anh” là tốn điện bằng cả xóm miền cao thắp sáng cả tháng trời? Mà bạn lại còn xem 2-3 lần mới thỏa”.
Hai chữ “tiết kiệm” tưởng chỉ là thói quen riêng của mỗi người, là câu chuyện nhỏ của mỗi nhà nhưng lại là điều lớn lao của cộng đồng. Mọi chuyện chỉ thật sự nghiêm trọng khi bạn bị mất nước, bị cúp điện hay hóa đơn “lập kỷ lục” nhưng đằng sau sự than vãn, ca cẩm ấy đã bao giờ bạn tính đến điều xa xôi hơn: tương lai của tài nguyên. Một em bé sẽ bi bô tập nói thế nào nếu “nguồn” vốn từ vựng bị “ô nhiễm” bởi muôn vàn kiểu tiếng lóng. Một người tàn tật, một người già sẽ tìm thấy gì trên mạng xã hội khi tràn ngập drama rẻ tiền mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Muôn vàn thứ phải tiết kiệm, chắt lọc, giữ gìn vì lợi ích chung của cộng đồng chứ đâu chỉ có điện, nước, khoáng sản...
Đương nhiên, tiết kiệm cũng khác với hà tiện và sự chi li. Tiết kiệm là sự hợp lý, khoa học, là sự văn minh và cũng là một thứ văn hóa mà mỗi cá nhân cần có được. Đầy đủ hơn cả như nhà thần học Theodore T. Munger (1830-1910) từng nói: “Thói quen tiết kiệm là một hình thức giáo dục; nó nuôi dưỡng mọi đức tính, biết cách kiểm soát và kiềm chế bản thân, có khả năng tổ chức, sắp xếp mọi thứ có kế hoạch, rèn luyện khả năng suy nghĩ và tư duy”.
Tiết kiệm là nét đẹp văn hóa -2

Giới trẻ đang lãng phí thời gian bởi hội chứng overthinking.

Có lẽ, “rèn luyện khả năng suy nghĩ và tư duy” là thứ lợi ích lớn nhất chứ không chỉ có lợi ích vật chất. Hiểu theo nghĩa này, tiết kiệm không bị bó hẹp theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” lúc khó khăn. Hay, nói đúng hơn, tiết kiệm cũng là sự đột phá bằng từng bước đi chắc chắn, tập trung các nguồn lực của bản thân cho mục tiêu.
Người viết nghĩ rằng, để tiết kiệm đạt hiệu quả thì phải hình thành từ trong văn hóa. Xét ở góc độ nào đó, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cũng là sự tạo lập một giá trị văn hóa như thế.
Nhưng, tiết kiệm còn là câu chuyện lựa chọn của mỗi cá nhân. Trong khi không ít cơ sở kinh doanh đang chóng mặt với xu thế nhảy việc của Gen Z thì đâu đó, trong từng góc nhỏ cuộc đời, nhiều bạn lại phí hoài những tháng năm tuổi trẻ của mình khi sa lầy vào overthinking (suy nghĩ quá nhiều).
Trong một chia sẻ trên Báo Tiền phong cách đây chưa lâu, thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai cho rằng: “Không phải lúc nào suy nghĩ quá mức cũng là suy diễn. Trong nhiều trường hợp, con người có cơ sở thực tế để bắt đầu overthinking. Nhưng, thay vì đi theo định hướng tư duy để giải quyết vấn đề, thì họ hay chạy theo hướng hình dung về những điều tồi tệ nhất” (theo: Châu Linh). Sự lãng phí của một bộ phận người trẻ ở đây không phải là những món đồ hàng hiệu mà ở sự thiếu tự tin, luôn “chạy theo hướng hình dung về những điều tồi tệ nhất”. Nếu có thể liệt kê các hiện tượng: nhảy việc, cày phim thâu đêm, ngại nghe điện thoại, “kiệt sức”, “cháy sạch”, “cháy rụi” bởi áp lực cuộc sống... thì chúng ta sẽ nhận ra những bất cập, thấy người trẻ đã và đang mải chạy theo trend mà để “hoang hóa” đời mình. Như thế là sự lãng phí điều gì? Đương nhiên đó là lãng phí cả vật chất và tinh thần bởi sự luẩn quẩn, vòng vo đánh mất cơ hội nhưng sâu xa bên trong còn là sự lãng phí ước mơ. Ước mơ không mất phí nhưng dễ dàng cạn kiệt nếu bạn không biết tận dụng cơ hội.
Diễn giả - doanh nhân Lê Anh Tuấn từng chia sẻ: “Có người nói rằng “không phải cứ ước mơ là sẽ thành hiện thực”, nhưng nếu không có ước mơ thì bạn sẽ khó có động lực để đi đến thành công. Vì vậy, nếu bạn dám ước mơ và nỗ lực hành động để đạt được điều đó thì ngay cả khi bạn không đạt được kết quả như mình mong đợi thì chắc chắn bạn cũng đã có được những bước tiến xa hơn so với điểm xuất phát ban đầu” (theo: Lưu Trinh - Báo Tiền phong). Bài học kinh nghiệm và lời khuyên của ông Lê Anh Tuấn đối lập hẳn so với những bi quan về phương án xấu nhất ở những bạn trẻ mang hội chứng overthinking. Trong khi chúng ta lo lắng nghĩ đến kẽ hở bảo mật tài khoản, lo không nắm bắt cơ hội giảm giá (sale) từ các nhà cung cấp thì vô hình trung lại đánh rơi chính cơ hội thực hiện khát vọng của mình. Chắt chiu từng ước mơ mới là điều quan trọng nhất ở người trẻ (nói riêng) và mỗi chúng ta (nói chung).
Tiết kiệm là nét đẹp văn hóa -1

Tiết kiệm cũng tạo ra cuộc sống khoa học, văn minh.

Một bạn trẻ người Mnông như Điểu Vượt (bon Bu Ndrông A, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) từng nói ngọng nhưng đã nỗ lực để đoạt giải: “Người diễn thuyết được yêu thích nhất” (cuộc thi “Thế hệ bình đẳng - Tương lai tôi muốn” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức vào tháng 7/2020). Điều thần kì nào đã đến với anh? Không, chỉ có khát vọng dẫn lối, anh tâm sự: “Bước vào môi trường mới, nỗi lo nói ngọng càng lớn hơn. Mỗi lần thầy cô gọi phát biểu là tôi hồi hộp, lo lắng đến toát mồ hôi, tôi quyết tâm thay đổi. Tôi bắt đầu lập kế hoạch, khắc phục khuyết điểm và tìm cơ hội để bắt chuyện với bạn bè, thầy cô, trình bày trước đám đông. Đồng thời, học thêm kiến thức thông qua đọc sách, tham gia các khóa phát triển kỹ năng nói. Vừa học, vừa sửa, từ đó tôi dần tự tin hơn và cũng nhận được nhiều sự khen ngợi hơn” (theo: Phan Trọng - Báo Dân tộc và Phát triển).
Những gì mà bạn trẻ này nhắc đến như: lập kế hoạch, khắc phục khuyết điểm, học thêm kiến thức thông qua đọc sách, tham gia các khóa phát triển kỹ năng nói... vốn có sẵn trong cuộc sống nhưng không ít người đã để lãng phí. Từng ngày trôi qua vô nghĩa như là chiếc vòi nước quên đóng, thiết bị điện quên tắt và thất thoát động lực của bản thân. Bởi lẽ đó, đằng sau tất cả sự tiết kiệm vẫn cần một điều mà bạn đừng quên: Tiết kiệm cũng là nét đẹp văn hóa.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top