“Tủ gạo an sinh” ra đời thiết thực giúp những mảnh đời cơ cực

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Ngọc Ánh - Thứ hai, 15/07/2024 09:00 (GMT+7)

Nằm giữa Khoa Y học cổ truyền và Phòng Công tác xã hội thuộc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TPHCM), một chiếc tủ nhỏ có dòng chữ "Tủ gạo an sinh" được đặt ngay ngắn. Bên trong tủ là những nhu yếu phẩm gồm nước mắm, muối, bột ngọt, đường... được các nhân viên y tế sắp xếp gọn gàng, sẵn sàng gửi trao đến những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi đến thăm khám tại bệnh viện.
“Tủ gạo an sinh” ra đời thiết thực giúp những mảnh đời cơ cực

Người bệnh vui mừng khi nhận phần quà từ "Tủ gạo an sinh". Ảnh: Minh Tâm
Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn
Cứ đều đặn mỗi ngày, bà Nguyễn Hồng Ngọc (62 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) lại vào Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn chăm sóc mẹ già năm nay đã 90 tuổi. Sau khi lo xong bữa trưa cho mẹ, bà Ngọc ngồi một góc ăn vội bữa cơm được nấu ở nhà từ sớm.
Những ngày này, để lo đủ tiền tạm ứng viện phí cho mẹ, bà Ngọc không dám mua nhu yếu phẩm trong nhà, phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền. Biết được tình cảnh gia đình bà Ngọc khó khăn, các nhân viên y tế trong bệnh viện đã hỏi han, động viên, trao tặng cho bà Ngọc phần quà nhỏ từ "Tủ gạo an sinh", giúp san sẻ bớt gánh nặng "cơm áo gạo tiền".
"Mặc dù được bảo hiểm chi trả 100% viện phí, nhưng tôi vẫn phải lo tiền tạm ứng, mà tôi chỉ có 500.000 đồng, không đủ đóng nên cũng phải chi tiêu chắt bóp, vay mượn đủ nơi. Vừa rồi tôi được bạn điều dưỡng của bệnh viện thông báo xuống Khoa Y học cổ truyền để nhận quà, tôi rất bất ngờ, mừng không thể tả" - bà Ngọc nói. Phần quà gồm gạo, nước mắm, đường, bột ngọt, sữa.
Ông Siêu Văn Mừng (59 tuổi, ngụ quận 1) cũng được nhận quà từ "Tủ gạo an sinh". Ngồi nghỉ ngơi giữa khoảng sân nhỏ của bệnh viện, ông Mừng kể, đã 2 tháng nay, ông không thể đi làm được vì bị gãy tay sau lần ngã xe máy, phải vào bệnh viện để làm vật lý trị liệu. Không có thu nhập, ông Mừng phải sử dụng đến khoản tiền tiết kiệm để vừa trang trải chi phí sinh hoạt, vừa lo tiền viện phí.
"Lần trước vào trị liệu, các bác sĩ vừa thăm khám, vừa hỏi han cuộc sống của tôi. Họ đã động viên rất nhiều, tặng tôi một phần quà có gạo, mắm, muối, đường, sữa... Tôi cảm động lắm" - ông Mừng chia sẻ.
Bỏ "quy tắc" để giúp nhiều mảnh đời
"Tủ gạo an sinh" ra đời dựa trên ý tưởng của Đoàn thanh niên kết hợp với Tổ công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Trong quá trình thăm khám, hỏi han, các y, bác sĩ của bệnh viện biết được nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn không đầy đủ, thậm chí có những người còn bỏ bữa, không đảm bảo sức khoẻ. Biết được tình hình, các nhân viên y tế của bệnh viện đã quyết định thành lập "Tủ gạo an sinh" để sẻ chia khó khăn cùng với người bệnh.
Anh Phan Quốc Linh - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho hay, thời điểm đầu, mới thành lập tủ gạo, các bác sĩ có đặt ra quy tắc, chỉ hỗ trợ đối với những bệnh nhân có sổ hộ nghèo. Tuy nhiên thực tế, nhiều bệnh nhân dù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngày ăn không đủ 3 bữa nhưng lại không có sổ hộ nghèo, số ít khác thì ngại mở lời xin hỗ trợ nên các nhân viên y tế của bệnh viện đã quyết định bỏ luôn quy tắc đó.
"Trong lúc thăm khám, hỏi bệnh, chúng tôi cũng sẽ khai thác hoàn cảnh của người bệnh, nếu nhận thấy bệnh nhân thực sự cần giúp đỡ, chúng tôi sẽ chủ động trao phần quà để hỗ trợ bệnh nhân. Càng ngày càng nhiều người được giúp, chúng tôi lấy đó làm hạnh phúc" - bác sĩ Linh nói với chúng tôi.
Có nhiều thời điểm, "Tủ gạo an sinh" cạn dần, các y bác sĩ tức tốc bỏ tiền túi mua nhu yếu phẩm, đặt bên trong tủ gạo, kịp thời hỗ trợ cho các bệnh nhân.
"Đối với bệnh nhân, khi họ nhận được món quà sẻ chia, họ vui 10, chúng tôi cũng vui 8, 9 phần. Những phần quà không chỉ là vật chất, còn là tấm lòng, niềm an ủi của chúng tôi dành cho các bệnh nhân, để họ cảm thấy không cô đơn trong hành trình chữa bệnh của mình" - anh Linh cho hay.
Gần 1 năm qua, kể từ ngày “Tủ gạo an sinh” ra đời, mỗi tháng, 20 - 30 bệnh nhân được nhận hỗ trợ, trong đó, 80% người nhận là bệnh nhân cao tuổi, neo đơn, mang bệnh hiểm nghèo.
Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật

 

Chủ đề tương tự

Back
Top