Từ trong ký ức: Chè ngọc đen của nội

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Trước khi mùa hè tới, bà thu vén từng bơ hạt đỗ. Bà nhặt bỏ những hạt lép, hạt sâu, giữ lại những hạt chắc mẩy và mỗi khi đổ vào cái hộp sắt cũ nghe cứ “rong rong, loong coong”. Rất khó tả âm thanh đó một cách chính xác, chỉ biết mỗi khi thấy bà trút đỗ vào cái thùng sắt nhỏ đó, tôi cảm thấy vui tai đến lạ.
Trong nỗi nhớ của tôi về bà là hương vị chén chè đỗ đen xanh lòng: Nhấc bát chè ngâm trong cái chậu nước bằng sứ, chén chè mát rười rượi, bà không cho chè vào tủ lạnh, mà làm mát chè bằng cách truyền thống của riêng bà, nước giếng mát được kéo lên một gầu, đổ vào chậu men sứ, đặt mấy bát chè xuống, úp lên cái nia thưa, phủ lên trên một lớp lá chuối xanh, thế là thành một cái “tủ lạnh thiên nhiên di động”. Cảm giác được ngồi ăn cùng bà bát chè đỗ đen bên hiên nhà mới dễ chịu làm sao, vừa ăn vừa nghe bà kể chuyện, cảm nhận được mùi chè đỗ thơm, bùi, dẻo kết dính với phần gạo nếp và bột sắn dây. Dư vị ấy gợi một mùa hè thuần khiết. Có lẽ hương vị đậm đà của món chè có được khi bà nấu chè bằng bếp củi và nêm nếm bằng dư vị của tình yêu thương giản dị.

Củi lửa đốt lên vào mùa hạ, bao giờ dư vị của yêu thương cũng đậm đà, bởi lẽ áo bà ướt, giọt mồ hôi rơi, giọt mồ hôi của sự thu vén, tình thương, giản đơn, chân thật. Củi lửa mùa hạ dễ bén, dễ bắt, củi khô roong, mùa hè sẵn tiện hơn mùa đông, phần nhiệt lửa sẽ được điều chỉnh tùy tay người nấu.

Bà nội nấu món chè quen tay đến độ, mỗi khi nấu, bà có thể vừa làm vừa trò chuyện mà không bao giờ có sai sót nào. Bí quyết của riêng bà là ngoài phần bột sắn dây, đường cho sau cùng, bà còn cho vào một nắm gạo nếp cho thơm, dẻo mà không quánh, sánh sệt, thanh mát. Sau khi nồi chè sôi, bà sẽ rút bớt củi, để lửa nhỏ vừa, hé vung cho phần khí thoát ra để nồi chè không bị sôi bùng lên, giữ đủ nhiệt và thế là mùi đỗ đen bay thoảng trong gió mùa hạ, gợi vị giác. Phần nhiệt của củi lửa ăn xăm với nhiệt của nồi gang nhỏ, món chè liu riu xôi vài lượt đun bếp đã nở bung phần hạt đỗ, tùy vào lượng gạo nếp và đỗ đen cho ban đầu, đến khi chuyển màu đen tuyền hay đen ngấu là được.

Phần đường cho vào chè bao giờ cũng là đường đỏ, loại hạt mộc, hoặc đường phèn, cả hai loại đường này đều cho vị ngọt mát, không nồng gắt giữa mùa hè oi bức. Có khi bà múc ra một chén chè trước khi bỏ đường, bà bảo bà thích vị nguyên bản mộc mạc không có mùi đường, nếm như thế mới thấy được vị ngọt tự nhiên của đỗ và gạo hòa quyện vào nhau.

Sự khéo léo của bà nội, tình yêu của bà luôn nằm trong những vun vén đời thường, từ miếng quà chiều cho đến giấc ngủ ban đêm. Tôi nhìn thấy sự tần tảo của bà trong cách mà mẹ tôi thu vén cho gia đình, cho miếng ăn giấc ngủ của chúng tôi. Tôi cảm nhận sâu sắc, yêu thương luôn bắt đầu từ những điều nhỏ bé, có cái nhỏ mới có cái lớn, và từ tình yêu thương lớn lao lại quay về những điều nhỏ bé. Và cứ như thế, chị em chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà tràn ngập dư vị của tình yêu thương, như dư vị mà tôi không thể nào quên trong chén chè đỗ đen mang vị của đồng quê, vị của mùa hạ, mùi vị của ấu thơ ngọt lành.

VŨ HỒNG PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top