Văn hóa - Hồn cốt dân tộc, soi đường phát triển đất nước

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Kim Sơn - Thứ tư, 24/07/2024 08:57 (GMT+7)

Từ thuở còn là sinh viên Khoa Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến khi đảm nhận cương vị lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc. Qua từng trang viết và lời phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo đúc kết tinh hoa lý luận và thực tiễn, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về vai trò then chốt của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa - Hồn cốt dân tộc, soi đường phát triển đất nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Ảnh: TTXVN
Xây dựng con người văn hóa - Nền tảng cho sự phát triển bền vững
Những tư tưởng sâu sắc của Tổng Bí thư về văn hóa như những dòng suối mát lành, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khích lệ tinh thần sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đất nước. Qua đó, Tổng Bí thư đã góp phần quan trọng vào việc định hình một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hòa nhập vừa giữ gìn bản sắc trong dòng chảy văn hóa toàn cầu.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, những vấn đề tồn tại trong đời sống văn hóa, lối sống của một bộ phận người dân cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xâm hại của chủ nghĩa thực dụng.
Trong diễn văn quan trọng tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Lời khẳng định ấy, sau 75 năm kể từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, một lần nữa khẳng định vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu ấn văn hóa đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Tác phẩm là minh chứng cho tư tưởng, tình yêu và trách nhiệm của người đứng đầu đất nước đối với vận mệnh, sự phát triển và hạnh phúc của dân tộc. Tác phẩm là hệ thống lý luận khoa học, chặt chẽ về văn hóa, dân tộc, về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, văn hóa không chỉ là mục đích mà còn là giá trị, là nhân cách sống của mỗi cá nhân và dân tộc. Một con người sống “phi văn hóa” sẽ có những hành động “ti tiện, đớn hèn, phi pháp và bỉ ổi”. Những từ ngữ mạnh mẽ ấy thể hiện rõ thái độ phê phán nghiêm khắc của người đứng đầu đất nước trước những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống.
Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguy cơ của những “kẻ thù” đội lốt đạo đức, “Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”, “Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Đối với Đảng, đó là những “vết hoại tử”, đối với dân tộc, đó là “ổ dịch bệnh” cần phải loại bỏ.
Thấu hiểu sâu sắc những nguy cơ đó, lúc sinh thời Tổng Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh pháp luật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Bởi lẽ, “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Chính vì vậy, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, với đời sống tinh thần phong phú, nhân ái, giàu lòng tự trọng chính là mục tiêu xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư.
Phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã thể hiện rõ tư tưởng nhất quán của Đảng về văn hóa: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Tổng Bí thư khẳng định, văn hóa là dòng chảy bất tận, luôn vận động và phát triển để hoàn thiện những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Lịch sử đã chứng minh, văn hóa chính là nền tảng cho sự trường tồn của dân tộc. Dù trải qua bao thăng trầm, biến cố, dân tộc Việt Nam vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng, từ đó tạo nên sức mạnh để giành độc lập, tự do.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, văn hóa cần phải gắn liền với đời sống, thực tiễn, tránh xa cách, sáo rỗng. Văn hóa cần được “đại chúng hóa”, nghĩa là lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, trở thành “khí thở”, thành đời sống tinh thần của mỗi người dân.
Những bài phát biểu của Tổng Bí thư tại các sự kiện văn hóa quan trọng cho thấy sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của ông đối với từng lĩnh vực văn hóa, từ văn học, nghệ thuật đến giáo dục, lối sống... Thông điệp xuyên suốt mà Tổng Bí thư muốn gửi gắm là văn hóa phải được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Chấn hưng văn hóa là con đường tất yếu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bởi lẽ, chỉ có văn hóa mới là nền tảng vững chắc để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là động lực để dân tộc Việt Nam vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế.
Tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa là cẩm nang, là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật

 

Chủ đề tương tự

Back
Top