Vì sao nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội chưa muốn thành lập ban quản trị?

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Minh Hạnh - Thứ ba, 11/06/2024 14:18 (GMT+7)

Việc thành lập ban quản trị ở nhiều chung cư tái định cư vẫn gặp nhiều khó khăn dù đã có quy định về việc thành lập ban quản trị chung cư nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Vì sao nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội chưa muốn thành lập ban quản trị?

Vì sao nhiều nhà tái định cư ở Hà Nội chưa muốn thành lập ban quản trị. Ảnh: Minh Hạnh
Nhiều nhà tái định cư thiếu ban quản trị
Theo quy định, nhà chung cư phải thành lập Ban quản trị (BQT), ban này có trách nhiệm quản lý, giám sát và đảm bảo quyền lợi cho cư dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chung cư tái định cư chưa lập ban quản trị.
Điển hình là 5/7 tòa tái định cư trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ), Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội (Công ty) đã tổ chức 2 cuộc họp bầu ban quản trị tại 5 nhà A5, D6, CT1A, CT1B, B12 từ năm 2018 nhưng không thành công.
Hay tại khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), khu tái định cư này có 10 tòa nhà, đưa vào sử dụng năm 2006. Tuy nhiên, hiện nay mới 1 tòa nhà có BQT, còn lại 9 tòa nhà chưa có.
Một khu nhà tái định cư tại Hà Nội. Ảnh: Minh Hạnh

Một khu nhà tái định cư tại Hà Nội. Ảnh: Minh Hạnh
Ban đại diện tòa nhà N10 (Khu đô thị Đồng Tàu) cho biết, nếu thành lập ban quản trị cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên. Tuy nhiên, hiện nhiều cư dân không muốn đóng các khoản tiền sử dụng chung.
Tương tự, khu B3 Cầu Diễn, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), nhiều năm tổ chức hội nghị nhà chung cư đều bất thành.
Nhiều khu tái định cư dù tổ chức hội nghị bầu ban quản trị thành công nhưng vì nhiều lý do, ban quản trị mới không hoàn thiện hồ sơ nộp lên quận để ban hành quyết định thành lập. Do đó, các khu nhà này hoạt động không có ban quản trị như 5/19 tòa nhà N1AB, N4AB, N5BC, N6A, N5D trên địa bàn phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Rào cản tới từ đâu?
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc khó thành lập ban quản trị khu tái định cư trên địa bàn phường Xuân La (Tây Hồ) là do điều kiện kinh tế.
Theo ông Phạm Duy Thành, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 phường Xuân La, nhà A5 Xuân La có khoảng 60 hộ dân sinh sống nhưng nhiều hộ còn khó khăn. Hiện mức đóng phí vận hành là 30.000 đồng/hộ/tháng, nếu có ban quản trị, đơn giá vận hành khoảng 6.000-7.000 đồng/m2 là quá cao nên nhiều người muốn giữ nguyên mức đóng cũ.
Một lý do khác, theo ông Thành, do ban quản trị có nhiều việc, phải giải quyết nhiều vấn đề khó nên không cư dân nào muốn tham gia. Vì vậy, đến nay vẫn không thể tìm được người làm. Kể cả UBND phường chỉ định thì họ vẫn không đồng ý, do đó khó để triển khai.
Ngoài ra, thực tế nhiều cư dân tại các chung cư không muốn tham gia BQT vì các lý do như “bận công việc”, không có thời gian… thậm chí, không ít tòa nhà không muốn lập BQT. Bởi, khi lập BQT, công ty sẽ bàn giao giấy tờ, sổ sách, cũng như kinh phí bảo trì 2% cho BQT quản lý. Khi đó, tòa nhà có hỏng hóc thì cư dân tự bỏ tiền sửa, thành phố không còn hỗ trợ nữa. Hiện nay, công ty đã gửi văn bản đến các quận, huyện đề nghị các tòa nhà tái định cư tiếp tục mở hội nghị nhà chung cư bầu BQT theo quy định.
Đại diện Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng cho biết những khó khăn, thực tế nhiều cư dân tại các chung cư không muốn tham gia BQT do bận công việc, không có thời gian hay không muốn động chạm đến các thủ tục hành chính như bàn giao giấy tờ, sổ sách, cũng như kinh phí bảo trì 2% cho BQT quản lý.
Công ty đã gửi văn bản đến các quận, huyện đề nghị các tòa nhà tái định cư tiếp tục mở hội nghị nhà chung cư bầu BQT theo quy định, vị đại diện này thông tin.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý, hạn chế, khắc phục tồn tại, yếu kém, nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội tổ chức rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư cao tầng tái định cư do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách và phân ra thành các nhóm. Từ đó phân loại, nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, vận hành phù hợp với từng nhóm.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị làm rõ các nguyên nhân dẫn đến việc chậm thành lập BQT nhà chung cư; đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thành lập các BQT nhà chung cư tại các tòa nhà chung cư; Nghiên cứu, đề xuất biện pháp xác định rõ ràng, cụ thể vai trò, trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ bảo trì của BQT nhà chung cư, đảm bảo việc sử dụng quỹ đúng mục đích, không thất thoát, tránh khiếu kiện...
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chính sách ngân sách thành phố hỗ trợ một lần quỹ bảo trì cho các chủ sở hữu căn hộ đối với nhà chung cư không có quỹ bảo trì xây dựng trước khi Nhà nước có quy định về thu phí bảo trì; quy định về mức hỗ trợ, dự toán tổng số tiền hỗ trợ; quy định về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ... để làm căn cứ bàn giao cho các hộ dân tự quản lý, vận hành, bảo trì tòa nhà...
Bình luận:
Bạn nghĩ gì về nội dung này?
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận.
Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Tin nổi bật

 

Chủ đề tương tự

Back
Top