Vườn hoa nghệ thuật kịch nói kém sắc

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Tuy nhiên, phát biểu kết thúc liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật bày tỏ mong muốn sau liên hoan, Ban tổ chức cần tổ chức tọa đàm bàn sâu hơn, làm sáng tỏ hơn những vấn đề đặt ra trong bản tổng kết liên hoan lần này, khiến người làm sân khấu trăn trở.
Thiếu sắc màu

NSND Trần Ngọc Giàu đánh giá, số lượng đoàn có diễn viên tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 đông nhưng chưa đủ. Vườn hoa nghệ thuật kịch nói chưa hội đủ sắc màu vì sự thiếu vắng các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa phía Nam.

Nhìn lại kỳ liên hoan năm 2021, dù thời gian này đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, buộc phải chia khu vực để tổ chức liên hoan nhưng khu vực phía Bắc (diễn ra tại Hải Phòng) đã thu hút 20 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật; phía Nam có 26 vở của 20 đơn vị. “Sự sáng đèn trở lại của nghệ thuật sân khấu trong hai năm qua đã đem đến nhiều ấn tượng.

Phía Bắc có Nhà hát Kịch Việt Nam, Sân khấu Lệ Ngọc dựng những vở “cháy vé”, khán giả đặt mua vé trước cả tháng trời. Sân khấu phía Nam cũng rất rộn ràng. Sự trở lại của một cuộc liên hoan-sân chơi thi tài cho nghệ sĩ kịch nói toàn quốc năm nay dừng ở con số khiêm tốn: 23 vở của 19 đoàn, đây là điều đáng tiếc!”, NSND Lê Chức bày tỏ.

 
Trước khai mạc liên hoan, các đơn vị nghệ thuật sân khấu bất ngờ với những thay đổi của quy chế. Cụ thể, các trường đào tạo nghệ thuật sân khấu không được tham gia; nghệ sĩ đóng chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên; kịch bản sáng tác từ năm 2005 đến nay, không chấp nhận kịch bản nước ngoài... Quy chế khiến một số đoàn nghệ thuật đã dựng vở buộc phải rút do vướng quy định kịch bản hoặc diễn viên chưa đủ năm, hoặc do là vở đến từ trường đào tạo.

NSND Hoàng Yến, Giám đốc Nhà hát Thế giới trẻ (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị không đủ điều kiện tham gia mặc dù đã đưa vào dàn dựng hai vở và chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính để ra Bắc thi tài. Theo NSND Hoàng Yến, nhà hát đã dự các cuộc liên hoan kịch nói toàn quốc trong suốt 24 năm nay và chưa bỏ cuộc nào, tính từ năm 2000, các lần tham dự đều đoạt giải. Gần nhất-liên hoan năm 2021, vở “Thành Thăng Long thuở ấy” giành huy chương vàng (HCV); hầu hết vở diễn của nhà hát sau khi đoạt giải đều diễn trên 100 buổi, ví dụ vở “Yêu là thoát tội” đạt 200 buổi diễn.

“Tư cách cũng như tài năng và sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Thế giới trẻ rất rõ ràng, đều là giảng viên chứ không dùng sinh viên để dàn dựng vở đi thi, nhưng đành bỏ cuộc vì vướng quy chế”, NSND Hoàng Yến cho hay.

Những điểm sáng

Màn nhung liên hoan khép lại với kết quả 3 vở được trao HCV: “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát Kịch Hà Nội) và “Bắt quỷ” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng). 3 vở diễn khai thác những đề tài khác nhau: “Đêm trắng” thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên; trong khi đó, “Vòng tròn bội bạc” kể về người lính bước ra sau chiến tranh, họ vẫn giữ tinh thần là “phên giậu” bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính nghĩa trong thời bình; “Bắt quỷ” là một trong số ít tác phẩm tại liên hoan đề cập trực diện vấn đề “nóng”, đó là sự trả giá cho những mưu toan, tư lợi của một số cán bộ cấp cao.

Cùng với HCV vở diễn, Ban tổ chức đã trao HCV cho các thành phần sáng tạo; 35 nghệ sĩ được trao HCV có nhiều gương mặt quen thuộc, được khán giả yêu mến như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Dũng Nam, NSƯT Lê Thiện Tùng, NSƯT Hoa Thúy, NSƯT Ngọc Quỳnh... Những tập thể và nghệ sĩ được giải thưởng cao đều thể hiện nổi trội qua cách kể, lối diễn và tư duy dàn dựng mới mẻ, chinh phục được đồng nghiệp, khán giả. Điển hình như vở “Bắt quỷ” được dàn dựng bởi ê kíp: Tác giả kịch bản Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai, họa sĩ NSND Nguyễn Doãn Bằng...

Nhìn lại để bước tới

6 yếu tố được Hội đồng nghệ thuật liên hoan chỉ rõ, phần nhiều là bất cập. Trước hết là kịch bản, có 23 vở diễn dựng từ 22 kịch bản (2 vở dựng một kịch bản) ở nhiều thể loại: 7 kịch bản về chiến tranh cách mạng, 7 kịch bản dân gian lịch sử, 2 kịch bản quan hệ gia đình, 6 kịch bản chống tiêu cực, tham ô, lãng phí đã viết từ khá lâu, không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác, thiếu kịch bản của người viết trẻ.

Nhìn vào những con số để thấy hoạt động sân khấu kịch nói dường như đang chạy trốn khỏi hiện thực đời sống, những vấn đề nóng bỏng của xã hội, làm giảm đi thế mạnh của loại hình nghệ thuật tái hiện chân thực, sinh động và ấn tượng đời sống xã hội. Thực trạng này phải chăng là do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, né tránh những vấn đề đương đại? Hay vấn đề nằm ở quan niệm, cách chọn kịch bản của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật?

 
Tiếp đến là đạo diễn, ở liên hoan có 23 vở nhưng có đạo diễn dựng tới 5 vở; có 2 đạo diễn ở tuổi 30, phần còn lại là đạo diễn không còn trẻ nữa và càng hiếm đạo diễn tham gia liên hoan lần đầu. Sân khấu thiếu cái mới, liên hoan thiếu sinh khí có lẽ bởi thế, không tìm thấy điểm nhấn, nhân tố mới nổi trội, vở diễn bùng nổ, vỡ òa cảm xúc, thăng hoa nghệ thuật. Sân khấu của những người muôn năm cũ. Không có hình thức mới cho nội dung cũ; không tìm tòi, phát hiện được tính thời đại cho câu chuyện đã qua.

10 họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho 23 vở diễn, có 1 họa sĩ thiết kế mỹ thuật 7 vở. Vẫn là bục bệ kiểu vuông, tròn, tam giác, cao thấp... Phải chăng, do nhận thiết kế nhiều vở nên họa sĩ không vượt lên chính mình, lặp lại, thiếu sáng tạo, chỉ có một kiểu và được biến tấu? 18/23 vở diễn không có nhạc sĩ mà sử dụng nhạc chọn, điều này cho thấy tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng tác phẩm nghệ thuật không được coi trọng; trên hết là văn hóa của người làm nghề khi vô tư... vi phạm bản quyền một cách công khai.

Hai thành tố là diễn viên - thành phần trung tâm của sân khấu và khán giả-thành phần quyết định sự tồn tại của sân khấu được cho là góp nên thành công của liên hoan năm nay. HCV trao cho 35 nghệ sĩ, huy chương bạc trao cho 49 nghệ sĩ; đáng ghi nhận là sự góp mặt của một số nghệ sĩ đã có tuổi vẫn đắm đuối với nghề diễn, nghiêm túc với nghề, làm gương cho diễn viên trẻ. Còn khán giả, đến chậm chừng 10 phút đã không thể tìm được ghế ngồi trong nhà hát, phải đứng xem kịch qua màn hình trước rạp, cổ vũ và đợi nghệ sĩ diễn xong rồi bắt tay, ngỏ lời chụp ảnh cùng.

Theo NSND Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), quy chế tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc 2024 được xây dựng trên tinh thần kế thừa từ những liên hoan trước. Mục đích của quy chế nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tập trung xây dựng các tác phẩm chất lượng cao, mang hơi thở cuộc sống đương đại. Sau mỗi lần tổ chức liên hoan, Ban tổ chức luôn mong nhận được những ý kiến đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông, nhà sáng tạo cũng như từ nghệ sĩ trực tiếp tham gia để rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp ở các kỳ tổ chức sau.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu bế mạc liên hoan cũng đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng, nhà hát cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng về con người và cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận cho sân khấu tương lai.

VƯƠNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

 

Chủ đề tương tự

Back
Top