Giải trí Ý nghĩa sợi dây thừng trên tượng Lệnh Hồ Xung, Kiều Phong

Người Quan Sát

Người nghèo trong vũ trụ !
Tham gia
4/5/24
Bài viết
161,458
Trả lời VnExpress, nhà điêu khắc Trung Quốc Nhậm Triết giải đáp về loạt tượng nhân vật truyện Kim Dung.
Nhân 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia Kim Dung (1924-2024), Bảo tàng Văn hóa Hong Kong tổ chức triển lãm Hiệp chi đại giả, với 40 bức tượng các nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn, diễn ra từ tháng 3 đến ngày 7/10. Đây là triển lãm điêu khắc nhân vật võ hiệp quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, thu hút hàng trăm nghìn người tham quan.
Dịp này, nhà điêu khắc Nhậm Triết nói với VnExpress về quá trình thực hiện tượng, thắc mắc của fan kiếm hiệp về tạo hình nhân vật.
- Vì sao Hong Kong là nơi đầu tiên anh tổ chức triển lãm "Hiệp chi đại giả"?
- Năm 2019, chúng tôi bàn bạc với gia đình nhà văn về bản quyền thực hiện loạt điêu khắc, phía gia đình Kim Dung yêu cầu triển lãm bắt đầu từ Hong Kong - nơi gắn bó với sự nghiệp của tác gia. Loạt tượng được thực hiện ở Trung Quốc, vận chuyển an toàn đến nơi trưng bày, do sử dụng nguyên liệu cứng, chắc, không dễ vỡ.
Người thân của Kim Dung rất tôn trọng nghệ sĩ, không can thiệp điều gì trong quá trình sáng tác. Họ chỉ hy vọng loạt tác phẩm mới mang hơi thở hiện đại, dễ tiếp cận người trẻ, bởi truyện Kim Dung ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước.
Sau Hong Kong, chúng tôi đưa loạt tác phẩm điêu khắc đến Macau. Chúng tôi dự kiến tổ chức triển lãm tại Đông Nam Á - nơi có nhiều người đọc tiểu thuyết Kim Dung, tiếp đó là các quốc gia Âu Mỹ, với hy vọng triển lãm mang tính toàn cầu.
Triển lãm Hiệp chi đại giả ở Hong Kong

Khán giả, diễn viên xem triển lãm "Hiệp chi đại giả" ở Hong Kong. Video: Sallie
- Tại sao hầu hết tượng điêu khắc của anh đều có dây thừng uốn quanh?
- Trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, dây thừng tượng trưng cho thần linh, chữ "sheng" (thừng) đọc gần giống "shen" (thần).
Người xưa kết dây thừng để phục vụ nhiều hoạt động trong cuộc sống, như đo đạc, ghi nhớ sự việc, vì thế dây thừng còn tượng trưng cho sự kết nối về tinh thần. Tên triển lãm - Hiệp chi đại giả - là cụm từ trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, chỉ người trượng nghĩa, ra tay vì lẽ phải. Chỉ có hai người trở lên, có mối quan hệ giữa người với người thì mới tồn tại nghĩa hiệp.
Tôi thấy ngày càng nhiều người trẻ ít bằng lòng chia sẻ với người khác. Qua loạt tác phẩm, tôi mong người trẻ dũng cảm chia sẻ tình yêu với con người, sự vật xung quanh. Không chỉ loạt tượng lần này, hầu hết tác phẩm trước đây của tôi đều có hình ảnh dây thừng, sợi dây đó liên kết, xâu chuỗi tác phẩm của tôi.
Nhà điêu khắc Nhậm Triết khi công tác ở TP HCM, tháng 4. Ảnh: Tân Cao
- Vì sao anh theo đuổi chủ đề nhân vật truyện kiếm hiệp Kim Dung?
- Tác phẩm của Kim Dung chứa đựng kiến thức phong phú về văn hóa truyền thống phương Đông, về lịch sử, địa lý, Phật giáo. Tôi mong kế thừa những yếu tố này, truyền tải tinh thần võ hiệp qua hình thức khác biệt so với phim ảnh. Hơn nữa, các nhân vật Dương Quá, Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh. cũng phù hợp đề tài anh hùng, võ sĩ tôi theo đuổi từ khi bắt đầu làm nghề, 20 năm trước.
Tượng Tiểu Long Nữ, Dương Quá trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Hong Kong. Ảnh: Heritage Museum
- Nhiều khán giả nhận xét tượng của anh không giống người phương Đông mà như anh hùng La Mã, nhân vật trong truyện tranh, game, anh nghĩ gì về bình luận này?
- Tôi nghĩ những nhận xét đó rất có ích. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật thời đại ngày nay để biểu đạt nhân vật, hy vọng người xem đồng cảm ở một điểm nào đó. Triển lãm hướng đến sự đa dạng về văn hóa, không gò bó trong một khuôn mẫu nào. Khán giả liên tưởng bức tượng đến một hình ảnh nào đó trong tâm thức họ, chính là điều chúng tôi mong đợi.
Không có bất kỳ nguyên mẫu ngoài đời nào cho các nhân vật nam hay nữ ở triển lãm. Những tạo hình này bắt nguồn từ hiểu biết của tôi về 15 cuốn tiểu thuyết Kim Dung, kết hợp tưởng tượng về nhân vật trong truyện tranh, game, phim ảnh.
Tượng Đông Phương Bất Bại trong "Tiếu ngạo giang hồ". Ảnh: Singtao
- Việc phức tạp nhất trong quá trình điêu khắc là gì?
- Tôi đọc truyện Kim Dung từ năm 14 tuổi, nhưng phải đọc lại toàn bộ 15 sách của ông mới có thể bắt tay thực hiện. Vừa nghiên cứu tác phẩm, tôi vừa tìm điểm đặc trưng mỗi nhân vật, sau đó phác họa tạo hình, kiểu tóc, trang phục, đạo cụ cho từng hình tượng anh hùng, tránh gây cảm giác đơn điệu. Kim Dung xây dựng 1.400 nhân vật, tôi cần có cái nhìn bao quát lẫn cụ thể về thế giới võ hiệp của ông.
- Khi mang triển lãm đến một số nước ở Đông Nam Á, anh sẽ tạo sự khác biệt thế nào so với không gian ở Hong Kong, Macau?
- Ở Hong Kong, có 40 tác phẩm được trưng bày trong khuôn viên bảo tàng. Hiện, tôi quan sát phản ứng, ý kiến của khán giả để thực hiện thêm tượng. Tôi mong có dịp trưng bày tác phẩm ở Việt Nam, nếu được tôi dự định tăng số lượng, bổ sung những nhân vật còn thiếu trong triển lãm ở Hong Hong, như Vương Ngữ Yên, Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược.
*
Nhậm Triết sinh năm 1983 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tốt nghiệp khoa Điêu khắc Viện Mỹ thuật, Đại học Thanh Hoa, năm 2005. Anh từng tổ chức hơn 10 triển lãm cá nhân tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Tác phẩm của anh cũng xuất hiện tại triển lãm chung với nghệ sĩ khác, ở Mỹ, Hàn Quốc. Nhiều bức tượng của Nhậm Triết được đấu giá, năm 2023, tác phẩm Vũ tế được bán với giá hơn 2,5 triệu nhân dân tệ (hơn 9 tỷ đồng).
Nghinh Xuân

 

Chủ đề tương tự

Back
Top